Khúc hát nơi chiến trường xưa
VHO - Trời Điện Biên những ngày cuối tháng Tư như rực lửa. Muôn trái tim hướng về Điện Biên. Vùng đất thiêng của Tổ quốc rộng mở đón chào những vị khách từ mọi miền tìm về chiến trường “lừng lẫy” năm xưa để cùng cất tiếng tri ân, để được hòa mình trong không khí đón chào ngày Đại lễ.
Dòng người ấy có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong về thăm lại chiến trường xưa; có những cán bộ, chiến sĩ, bạn trẻ… tới thắp nén nhang tưởng nhớ cha ông. Trên mọi ngả đường của TP Điện Biên Phủ cờ hoa rực rỡ, khúc hát tri ân nhẹ nhàng cất lên, tỏa sáng trong từng ánh mắt, nụ cười.
Tìm về điểm hẹn Điện Biên
70 năm đã trôi xa, nhưng ký ức những tháng ngày “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” còn mãi âm vang. Phố phường Điện Biên và những huyện, xã lân cận đông hơn, tấp nập hơn. Chẳng hẹn mà gặp, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hàng vạn, hàng triệu người dân ở mọi miền đất nước đang đến với “lòng chảo” Mường Thanh năm xưa. Giờ đây nó như một “bảo tàng lịch sử” để mỗi người được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm với những giá trị lịch sử hào hùng, những ký ức mãi mãi không thể nào quên của dân tộc.
Chuỗi hoạt động chào đón dịp kỷ niệm cũng mang đến Điện Biên không khí sôi động, đông đúc hơn, nhưng cũng lắng đọng nhiều hơn. Những chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay đã đều ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ai còn sức đều gắng tìm về chiến trường cũ để gặp lại đồng đội. Người còn, người mất, nhưng ký ức của 56 ngày đêm “chấn động địa cầu” thì luôn sống mãi.
Nghĩa trang Liệt sĩ A1 nghi ngút khói hương. Đồi A1, hầm tướng Đờ Cát, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cùng nhiều di tích trọng điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ những ngày này luôn rất đông khách tham quan.
Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi ngày thu hút hàng ngàn du khách đến khám phá, tìm hiểu những hiện vật, tư liệu gắn với quá trình tổ chức chiến dịch vô cùng gian khổ và hào hùng được giới thiệu, tái hiện sinh động, đặc biệt là bức tranh tròn Panorama toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hướng dẫn viên tại Bảo tàng chia sẻ, các cán bộ đều căng sức mình, cố gắng đáp ứng nhu cầu du khách tìm về điểm hẹn thiêng của đất nước trong những ngày lịch sử.
Chị Lò Thị Thủy, hướng dẫn viên tại điểm di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng cho biết, cao điểm từ đầu tháng 4, có rất đông đoàn khách đến tham quan Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.
Lời tri ân lịch sử
Ký ức “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong những người lính Điện Biên năm xưa mãi mãi không thể nào quên. Với ông Bùi Kim Điều (sinh năm 1930, đang sinh sống tại tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ), những ký ức cách đây 70 năm chẳng thể phai mờ. Người lính trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những đồng chí, đồng bào đã hy sinh để làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”.
“Tôi nhập ngũ tháng 2.1952, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở C405- E165 - Đại đoàn 312 với cương vị là tiểu đội phó thông tin. Kỷ niệm đầu tiên là được tham gia trận chiến đấu mở màn, chúng tôi được quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, ai nấy đều háo hức, tự hào và xác định tư tưởng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, dù có phải hy sinh xương máu cũng sẵn sàng…”, người cựu binh già hồi tưởng.
Với ông, tham gia đánh trận mở màn giành thắng lợi vang dội đã trở thành ký ức không bao giờ phai. Ông Điều xúc động nói, chiến tranh đã lùi xa, lớp lớp người dân Điện Biên đã tập trung trí lực cho công cuộc dựng xây và phát triển, trong thời đại mở cửa và hội nhập, chiến trường xưa giờ là một thành phố trẻ đang trên đà đổi mới, với tương lai đầy hứa hẹn. Dẫu ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng trong tâm khảm những người lính Điện Biên luôn khắc ghi điều thiêng liêng nhất với lời hứa phải sống sao cho xứng danh Chiến sĩ Điện Biên.
Ông Điều bộc bạch, những cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ khi về với đời thường luôn tâm niệm: Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người…
Lời tri ân trước lịch sử, trước những mất mát hy sinh của biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên chiến trường năm xưa, ngày hôm nay đang được cất lên từ sâu thẳm trái tim người dân Việt Nam. Những ngả đường đổ về “lòng chảo” Mường Thanh năm xưa không chỉ mang theo niềm tự hào, mà còn là những lời hứa thiêng liêng.
Trên đường tới Điện Biên những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi gặp những cựu chiến binh đến từ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM tại đỉnh đèo Pha Đin. Ông Đặng Trường chia sẻ, đoàn cựu chiến binh đang cùng nhau trải qua một hành trình tri ân lịch sử vô cùng ý nghĩa. Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang đến những cảm xúc, âm hưởng tự hào cho cả dân tộc. Từng là người lính, ông và một số cựu chiến binh cùng nơi sinh sống quyết tâm đến với Điện Biên, mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Ở đây, những cựu chiến binh đến từ vùng đất xa xôi như ông sẽ có cơ hội được thắp nén nhang tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc, để lại tuổi xuân trên chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt năm xưa.
Hướng đến ngày Đại lễ
Từ nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chuỗi hoạt động, chương trình hướng đến kỷ niệm đang được khẩn trương, tích cực triển khai. Không khí tưng bừng, phấn chấn và tự hào hiện diện trên khắp những con phố của TP Điện Biên Phủ hôm nay.
Từ ngày 6.4, tại SVĐ tỉnh Điện Biên, trong cái nắng gay gắt, hàng ngàn người dân đến từ nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, hăng say tập luyện. Những gương mặt ướt đẫm mồ hôi, đỏ bừng vì nắng nóng nhưng tinh thần và khí thế Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa đã khiến các thế hệ già, trẻ, từ những cựu chiến binh, người cao tuổi đến cán bộ, công chức, thanh niên, nông dân, công nhân… tập luyện hăng say và không giấu sự tự hào khi được góp phần nhỏ bé trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhiều người dân đến từ các bản, làng cách xa trung tâm 20-30 cây số nhưng vẫn cố gắng vượt khó để có mặt đầy đủ, đúng giờ. Mỗi ngày hai lần vượt qua chặng đường gần 30 cây số, anh Giàng A Khá (dân tộc Mông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) bộc bạch, dù đường sá xa xôi, mỗi chiều di chuyển hết một tiếng đồng hồ nhưng anh luôn cố gắng. Buổi sáng 6h xuất phát, buổi chiều từ 13h để kịp giờ tập luyện.
Tỉnh Điện Biên đã huy động hơn 6.450 người tham gia tập luyện; gồm 18 khối làm nền trên sân, 8 khối diễu hành quần chúng, 2 khối thiếu niên, 3 khối xe nghi trượng và 3.000 học sinh vẫy cờ hoa trên khán đài. Sau khi kết thúc thời gian luyện tập, các lực lượng của tỉnh sẽ tiếp tục tham gia hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt với các khối của lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động điểm nhấn là Dàn pháo lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 45 Binh chủng pháo binh đã triển khai lắp đặt dàn pháo từ sáng 22.4 và bắt đầu tập luyện từ chiều 22.4. Dàn pháo lễ gồm 15 khẩu pháo, được tổ chức thành 5 cụm tại không gian Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân và du khách. Chương trình chào mừng tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền quốc thiều Việt Nam.
Chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm do Bộ VHTTDL tổ chức cũng đang tạo sức thu hút với đông đảo người dân và du khách. Tối 23.4 tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh Điện Biên, Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách với chủ đề “Điện Biên - Vang mãi bản hùng ca” đã khai mạc.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Trưởng BCĐ Liên hoan nhấn mạnh, đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là dịp để người làm công tác thư viện trên cả nước vận dụng kỹ năng giới thiệu sách, tuyên truyền tài liệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; về đường lối lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều nhân vật lịch sử tham gia chiến dịch; về những hồi ức hào hùng của các cựu chiến binh năm xưa và về một Điên Biên đang từng ngày đổi mới… Tối 24.4, Tuần phim kỷ niệm do Cục Điện ảnh chủ trì cũng chính thức khai mạc.
Trước đó, nhiều hoạt động quy mô lớn đã được Bộ VHTTDL trang trọng tổ chức như Hội thi tuyên truyền lưu động “Về với Điện Biên”, Triển lãm Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam…