Không gian đô thị và bài toán phát huy giá trị di sản

MINH NGỌC

VHO - Gần 6.000 di tích không chỉ là con số cho thấy “khối tài sản” vô giá của Hà Nội mà còn đặt ra bài toán khó về bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong không gian đô thị.

Không gian đô thị và bài toán phát huy giá trị di sản - ảnh 1
Tour du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội

 Nhiều vụ việc thực tế cho thấy chưa có sự điều tiết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế dẫn đến bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống đô thị…

Hài hòa luôn là bài toán khó

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nhận thức về giá trị của kho tàng di sản văn hóa trên đất ngàn năm văn hiến, những năm qua Hà Nội luôn đề cao vị trí, vai trò và phát huy giá trị các di sản văn hóa, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. “Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu quý giá, vô tận. Thông qua các hoạt động kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoạt động du lịch, các giá trị văn hóa được thấm sâu vào đời sống xã hội, các giá trị di sản văn hóa có cơ hội lan tỏa và quảng bá rộng rãi, góp phần định vị thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” nói riêng và thương hiệu Việt Nam nói chung…”, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Giám đốc BQL di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cũng cho biết, Hà Nội đang sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, đặc sắc. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích, với 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.462 di tích xếp hạng cấp thành phố, 3.210 di tích trong danh mục kiểm kê. “Bức tranh toàn cảnh về di tích Thủ đô đa dạng, phong phú vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn...”, ông Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh.

Với đặc thù trong không gian đô thị ngày càng chật hẹp, bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn đứng trước những yêu cầu, thách thức lớn. Hệ thống hành lang pháp lý liên tục được hoàn thiện, nhằm bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của kho tàng di sản văn hóa trong đời sống Thủ đô. Việc phân cấp quản lý cũng đã góp phần tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, bảo đảm sự tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa của Hà Nội. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa…

“Lời giải cho bài toán khó đó là Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội trong không gian đô thị với việc áp dụng một số mô hình hiệu quả, tham khảo tư vấn của các nhà khoa học, lắng nghe dư luận, giải quyết những vi phạm trong quản lý, bảo tồn các di sản văn hóa…”, ông Văn khẳng định. Một số quận nội thành làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, đơn cử như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hòe Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng... Không ít vụ việc xâm phạm di tích được phát hiện và giải quyết kịp thời.

Một minh chứng sinh động trong việc tìm lời giải hài hòa đó là việc xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ khu 18 Hoàng Diệu thành “bảo tàng ngoài trời”, nhiều năm qua được Hà Nội phát huy để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch, vừa bảo đảm giữ gìn, vừa tạo cơ hội phát huy giá trị di sản. Việc giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng cũng góp phần quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích.

Thay đổi nhận thức chỉ coi trọng tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Theo ông Nguyễn Doãn Văn, đó là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Một số nơi chưa điều tiết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống đô thị.

“Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Còn tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Công tác quản lý di tích trên một số địa bàn còn buông lỏng, khiến việc xâm phạm, lấn chiếm di tích còn diễn ra…”, ông Văn nhấn mạnh. Bên cạnh đó là thách thức do thiếu nguồn kinh phí tu bổ; nhân lực quản lý di tích còn mỏng, thiếu kinh nghiệm; đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu. Chất lượng trong tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa chưa cao…

Các chuyên gia di sản cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội thành đô thị văn minh, phát triển bền vững, có sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ đô cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về quyền và nghĩa vụ đối với di sản văn hóa; phát huy vai trò của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa; xây dựng cơ chế hợp tác, chung tay giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô phù hợp với tình tình thực tế. Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý di sản văn hóa để nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa; bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống. Đặc biệt, cần gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Một giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực hiện đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Định kỳ tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan cho cán bộ cơ sở, các BQL di tích cũng như những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích. Tăng cường kiểm tra hiện trạng các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô, kiện toàn ban quản lý di tích, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra sai phạm.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, giới chuyên gia nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội. “Thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Xây dựng ngân hàng dữ liệu khoa học về các di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô, qua đó, tích hợp các nguồn thông tin có liên quan tới di sản văn hóa và hoạt động bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội…”, Giám đốc BQL di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc