Không để di sản “lầm lũi” giữa phồn hoa
VHO - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ, “sống lâu ở Hà Nội, chúng ta dường như đã quen, đã chai lì với những gì nơi đây có, và cảm thấy không có gì mỹ lệ. Nhưng thực tế, Hà Nội đang lưu trữ nhiều di sản đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn các nền văn hóa, văn minh, gần gũi với đời sống. Điều chúng ta đã làm và cần làm là sáng tạo để “tử tế hóa”, “khang trang hóa”, “thành tựu hóa” những con phố, không để chúng mãi lầm lũi…”.
Thức dậy tiềm năng di sản, nâng niu quá khứ và kết nối với đương đại, di sản giữa thành phố sáng tạo là chủ đề điểm nhấn tại lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, khơi dậy dòng chảy và khát vọng sáng tạo trên nền tảng kho báu di sản văn hóa, kiến trúc nghìn xưa.
Sinh khí mới cho di sản kiến trúc
Tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” thu hút nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, kiến trúc cùng đối thoại, với thông điệp ý nghĩa “Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại”.
KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Hà Nội đã được UNESCO công nhận tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới vào năm 2019. Từ đó đến nay, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững.
“Trong quá trình ấy, di sản văn hóa vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng Thành phố sáng tạo, vừa là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của Thành phố”, KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với thông điệp truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại, đây là cuộc đối thoại thú vị giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản kiến trúc tinh hoa của Hà Nội trong hành trình từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Những điểm nhìn của các nhà nghiên cứu kiến trúc cũng như những giải pháp đem lại sức sống cho di sản được trao đổi, thảo luận, góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức, chia sẻ hiểu biết về di sản từ chính những chủ nhân của thành phố, những con người đang sống ở Hà Nội hôm nay.
Với vị thế trung tâm của đất nước hơn một thiên niên kỷ, Hà Nội là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị.
Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại, trải từ cuối thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính tâm tư, sống lâu ở Hà Nội, chúng ta đã quen, chai lì với những gì Hà Nội có, cảm thấy không có gì mỹ lệ. Nhưng thực tế, Hà Nội lưu trữ nhiều di sản đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn các nền văn hóa, văn minh, gần gũi với đời sống. Những năm qua, Hà Nội đã trùng tu, bảo tồn di sản ngày càng vững tay hơn. Điều chúng ta đã làm và cần làm là sáng tạo để “tử tế hóa”, “khang trang hóa”, “thành tựu hóa” những con phố, không để chúng mãi lầm lũi.
KTS Nguyễn Hồng Quang cũng nhận định: “Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã mở ra không gian thú vị để nhiều đối tượng hưởng lợi, đặc biệt là cộng đồng sáng tạo. Chúng ta có không gian để khoe được tác phẩm của mình, để liên ngành đưa ra những sáng tạo mới mẻ hơn. Mỗi tác phẩm giống như một lối vào để công chúng được tiếp cận với những viên ngọc quý, đó là các di sản kiến trúc”.
Nhiều chuyên gia cũng chia sẻ những trăn trở về tính bền vững của những sáng tạo đang được tạo ra trong lòng di sản kiến trúc. Theo GS.TS Hoàng Đạo Kính: “Phải nói rằng Hà Nội là thành phố… “lạm phát” sự đặc sắc. Tôi rất trân trọng sự dũng cảm của các kiến trúc sư, các nghệ sĩ với những tác phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để làm sống lại những di sản”.
KTS Hoàng Thúc Hào nhận định: “Công nghiệp sáng tạo đang trở thành động lực, nhân tố chính trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Trải qua bốn kỳ lễ hội, giới kiến trúc nhận thấy di sản văn hóa luôn luôn được quan tâm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược? Làm sao để sau một tuần lễ hội chúng ta không phải “đóng gói” tác phẩm rồi không biết cất đâu? Làm sao để có một kịch bản đồng bộ, có khả năng kết nối các năm, năm nay kế thừa cho năm sau?”.
Sống dậy những di sản kiến trúc
Từ kinh nghiệm làm “sống lại” nhiều di sản kiến trúc trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, cần phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị trong việc vận hành, khai thác các tác phẩm sau lễ hội.
Hy vọng, với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ mở ra nhiều hướng trong hợp tác, khai thác sử dụng hiệu quả các không gian di sản, cũng như những tác phẩm độc đáo sau khi lễ hội kết thúc.
Tọa đàm “Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo” nhận được nhiều sự quan tâm bởi đây là sự kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, những nhà quản lý đô thị và di sản thảo luận về các thiết kế, sắp đặt các pavilion, sắp đặt không gian nghệ thuật; những bài học thực tế về việc đưa di sản văn hóa tham gia trực tiếp vào các hoạt động sáng tạo trong thành phố, những giá trị truyền thống Việt Nam của di sản văn hóa tham gia vào sự sáng tạo của đô thị.
Từ lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023, với những trải nghiệm mới mẻ, cuốn hút, những cánh cửa mở của không gian sáng tạo đã “đánh thức” di sản tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên; đưa di sản Công nghiệp Nhà máy xe lửa Gia Lâm vốn là những di sản “ngủ yên” bấy lâu, trong lễ hội đã được thổi hồn, trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
GS.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT quốc gia Việt Nam) đã phải thốt lên đầy thú vị trước những ý tưởng sáng tạo đã tạo nên sự thăng hoa xúc cảm, đưa những di sản trong lòng thành phố vào cuộc sống đương đại một cách đầy lôi cuốn.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay, trong cả trăm hoạt động, sự kiện thú vị có nhiều không gian, điểm dừng chân khiến cộng đồng, du khách không thể bỏ qua.
Trong đó, lần đầu tiên, người dân và du khách được khám phá bên trong tòa nhà Đại học Tổng hợp trên phố Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi được ví như “thánh đường” tri thức, tiền thân là Viện Đại học Đông Dương và nay là một cơ sở của Đại học Quốc gia Hà Nội, với vóc dáng cổ kính, hiền hòa giữa thành phố tráng lệ.
Cũng là lần đầu tiên, công chúng được chiêm ngưỡng những hoa văn của công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương được xây dựng từ vật liệu, tay nghề thợ Việt Nam thời kỳ đó.
Trên vòm trần tòa nhà vẫn còn hình ảnh hai con chim phượng hoàng, biểu tượng uy quyền trong văn hóa Á Đông. Ấn tượng nhất là sảnh chính tòa nhà với hệ thống kính kết hợp với các họa tiết độc đáo của hoa sắt tạo nên một không gian lộng lẫy, tựa một bức tranh kính khổng lồ.
Năm 2013, công trình này đã được HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954, cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.
Câu chuyện lịch sử, kiến trúc của tòa nhà trăm tuổi cũng đã khơi nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ thực hiện cuộc triển lãm lớn mang tựa đề “Cảm thức Đông Dương”, với 22 tác phẩm, cụm trưng bày nghệ thuật tương tác với hoa văn, kết cấu cũ trong khắp tòa nhà.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển triển lãm cho hay, các nghệ sĩ đã sử dụng các thủ pháp của nghệ thuật đương đại như 3D maping, video art… giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về những nét đẹp của di sản văn hóa kiến trúc thế kỷ trước.
“Cảm thức Đông Dương” không chỉ là lời tri ân đối với những người thầy đã đặt nền móng cho sáng tạo nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc Việt Nam mà còn gợi mở những gì phải làm để tiếp tục bảo tồn, tôn vinh di sản kiến trúc cho tương lai.
Đó là thông điệp tái thiết một Hà Nội năng động hơn, trẻ trung hơn nhưng không bao giờ chối bỏ quá khứ, như điều trăn trở của GS.TS Hoàng Đạo Kính: “Điều chúng ta đã làm và cần làm là sáng tạo để “tử tế hóa”, “khang trang hóa”, “thành tựu hóa” những con phố, không để chúng mãi lầm lũi…”.