“Kho báu” dưới nước vẫn đang bị xâm hại
VHO - Qua nhiều chục năm khai quật những con tàu cổ đắm dọc bờ biển Việt Nam, kết quả thu được hàng trăm nghìn hiện vật gốm sứ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học rất lớn, trong đó nhiều sưu tập độc bản, quý hiếm.
Tại Hội thảo tham vấn triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho rằng, những kinh nghiệm được gợi mở rất quan trọng nhằm tiếp tục nghiên cứu, áp dụng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước, “kho báu” kể chuyện bí mật đại dương.
Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước còn gặp khó
Hội thảo do Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trên cơ sở thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa và nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam tham gia, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa dưới nước nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Tuy nhiên, hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn; thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ dưới nước, kinh phí đầu tư thấp…”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết. Thực tế này đòi hỏi hoàn thiện về lý luận và thực tiễn, thông qua việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tổ chức, quốc gia trong khu vực và quốc tế. Lãnh đạo Bộ khẳng định, hội thảo tham vấn có ý nghĩa thiết thực để cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021 - 2025. Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker ghi nhận, với vị trí chiến lược về địa lý chính trị, quân sự và văn hóa trên bán đảo Đông Dương và đường bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam đã tham gia tuyến đường thương mại hàng hải nhộn nhịp nhất kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Lịch sử phong phú dẫn đến sự tồn tại của nhiều địa điểm nơi tàu bị đắm và hiện vật mang ý nghĩa văn hóa, xã hội to lớn, chứa đựng ý nghĩa truyền thống hữu hình và phi vật thể, bài học và cơ hội. “Những địa điểm và hiện vật này, nếu được bảo vệ đúng cách sẽ củng cố niềm tự hào dân tộc, giới thiệu hình ảnh hấp dẫn về Việt Nam với thế giới, thu hút đầu tư quốc tế và trong nước…”, ông Jonathan Baker chia sẻ.
Theo đại diện UNESCO tại Việt Nam, di sản văn hóa dưới nước là một trong những nguồn tài nguyên biển đóng vai trò quan trọng, giúp hiểu rõ hơn và bảo tồn đại dương để phát triển bền vững. Các di tích khảo cổ dưới nước, từ xác tàu cổ đại đến các cảnh quan thời tiền sử ngập nước, mang lại sự hiểu biết quý giá về tương tác của con người trong quá khứ với môi trường biển. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, xác định tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, thời gian qua, Cục Di sản văn hóa đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành một số văn bản pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa, thường xuyên được áp dụng trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Từ năm 1990 đến nay, Bộ VHTTDL đã cấp giấy phép khai quật một số con tàu cổ đắm tại nhiều địa phương dọc bờ biển Việt Nam như tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Cà Mau (Cà Mau), tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận), tàu cổ Bình Châu, tàu cổ Dung Quất (Quảng Ngãi)... “Kết quả khai quật các con tàu cổ đã thu được hàng trăm nghìn hiện vật gốm sứ, trong khung niên đại từ thế kỷ XIII- XVIII. Các sưu tập gốm sứ thu được từ những con tàu cổ này có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học rất lớn, trong đó có nhiều sưu tập độc bản quý hiếm”, bà Hiền cho biết.
Cần có một chế tài đủ mạnh để bảo vệ di sản
Nhóm tác giả đến từ Viện Khảo cổ học cho rằng, tiềm năng khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam là rất lớn, nhưng hầu như khối tư liệu vô giá này chưa được quan tâm đầu tư và khai thác đúng mức. Hệ thống di sản văn hóa dưới nước vẫn đang phải đối diện với sự xâm hại gián tiếp từ hoạt động khai thác tài nguyên biển cùng các hoạt động xâm hại trực tiếp nhằm khai thác lợi ích từ những di sản này, như: Tìm kiếm, khai thác, mua bán cổ vật bất hợp pháp…
Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hệ thống các chính sách, văn bản pháp quy liên quan đã chútrọng đầu tư phát triển nhân lực, trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia trong khu vực vàtrên thếgiới, nhằm nâng cao hiệu quảtrong công tác bảo tồn hệ thống di sản này. Một trong những thách thức là nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa dưới nước còn hạn chế. Tại Việt Nam, người ta nhìn nhận các di tích tàu đắm nói riêng và di sản văn hóa dưới nước nói chung dưới góc độ kinh tế hơn là văn hóa. Các cuộc khai quật khảo cổ học những con tàu đắm đến nay chủ yếu có tính chất trục vớt cổ vật; công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa được chú trọng. Giá trị của di sản văn hóa dưới nước chưa được đặt đúng vị trí của nó. Bên cạnh đó, nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa dưới nước vẫn còn rất nghiêm trọng.
Là địa phương có tiềm năng dồi dào về di sản văn hóa dưới nước, tại Hội An, công tác sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước bước đầu được quan tâm thực hiện. Phó Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An Quảng Văn Quý cho biết, “công tác vận động người dân bảo vệ, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng liên quan đến di sản văn hóa dưới nước được chú trọng. Mới đây, một số bà con ở Cẩm An đã hiến tặng cho Bảo tàng Hội An 18 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước…”. Tuy nhiên, cũng theo đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, di sản văn hóa dưới nước tồn tại trong môi trường riêng biệt nên công tác quản lý, khảo sát, bảo tồn, phát huy cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Vì thế cần có chương trình điền dã khảo sát, thám sát bằng các thiết bị chuyên biệt, hiện đại để ghi nhận, lập bản đồ di sản văn hóa dưới nước, qua đó có biện pháp bảo vệ, khai quật nghiên cứu phù hợp.
Bên cạnh đó, dù Nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước có nghiêm cấm hoạt động tìm kiếm, trục vớt, mua bán… di sản văn hóa dưới nước, nhưng thực tế hoạt động này vẫn ngấm ngầm diễn ra, dẫn đến nguy cơ thường trực di sản văn hóa dưới nước bị xâm hại. “Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, cần có một chế tài đủ tính răn đe đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm. Vấn đề công nhận, xếp hạng di sản văn hóa dưới nước cũng đang đặt ra. …”, theo ông Quý.
Hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn; thiếu trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ dưới nước, kinh phí đầu tư thấp…
(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)