TP.HCM:

Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024

ANH HUY

VHO - Ngày 3.10, UBND TP.HCM tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.

Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 - ảnh 1
Trao khen thưởng đến các tập thể. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời” thời gian từ ngày 1-7.10 với những nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan đơn vị, tổ chức đoàn thể, mỗi cá nhân.

Sở VHTT cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện KTXH khó khăn.

Bên cạnh đó, tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, vùng có điều kiện KTXH khó khăn, đến các trường học, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

Sở GD&ĐT đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “tủ sách góc lớp”, “thư viện lưu động”, “thư viện linh hoạt”, “thư viện điện tử”...

Nhằm tích cực triển khai các nội dung trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 do UBND TP phát động, bà Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy cũng kêu gọi mỗi người dân hãy xây dựng thói quen đọc sách, tích cực học tập, tự giác xây dựng năng lực tự học để trở thành công dân số, công dân của Thành phố học tập toàn cầu UNESCO.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao TP.HCM đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đây là mức độ cao nhất theo quy định của Bộ GD&ĐT và với TP.HCM để đạt được kết quả này đó là một thách thức rất lớn. Thứ trưởng cũng nêu một số thách thức của TP.HCM như quy mô dân số đông, thiết chế văn hóa còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân Việt Nam đọc sách rất thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế.

“Muốn kinh tế phát triển phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải có sách, phải đọc và có phương pháp đọc, phải học tập không ngừng và học tập thường xuyên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT trao quyết định công nhận TP.HCM đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc