Thanh Hoá:
Khai hội Thái miếu nhà Hậu Lê - Xuân Ất Tỵ 2025
VHO - Ngày 2.2 (tức mùng 5 tháng Giêng), UBND thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) tổ chức khai hội Thái miếu nhà Hậu Lê - Xuân Ất Tỵ 2025.

Lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê không chỉ là dịp để Nhân dân tưởng nhớ công lao các vị vua Hậu Lê mà còn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, cùng nhau gìn giữ di sản quý báu của quê hương.
Lễ hội diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống như: Tế Miếu, dâng hương tỏ lòng thành kính, tri ân Đức Lê Thái Tổ, các vị liệt thánh Hoàng Đế, các vị Hoàng Thái Hậu, các vị vương công, triều thần nhà Hậu Lê đã có công lao to lớn đối với đất nước và Nhân dân.
Phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như vật cù, cờ thẻ, cờ tướng, võ thuật… Câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật truyền thống phường Quảng Thắng (thành phố Thanh Hoá) thực hiện phần chạy chữ “Thiên hạ thái bình”.

Thái miếu nhà Hậu Lê toạ lạc trên diện tích hơn 4.200 m2 ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá. Ngôi đền cổ gồm các công trình liên tiếp nhau như nghinh môn, sân điện, tiền điện và hậu điện.
Theo sử sách, Thái miếu nhà Hậu Lê vốn được xây dựng tại vùng đất Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) dưới đời vua Lê Thái Tổ và hoàn chỉnh thời các vua kế vị Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Nhân Tông (1442-1459). Sau khi bị hỏa hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức.
Đến năm 1805, vua Gia Long ra lệnh chuyển Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ, bên cạnh trấn thành Thanh Hóa nay là làng Quảng Xá, phường Đông Vệ.
Thái miếu nhà Hậu Lê là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 vua ( 21 vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789) cùng các bà Hoàng thái hậu. Nơi đây còn thờ hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai.
Đặc biệt, còn có 6 bức tượng của Thần Tông Hoàng đế cùng năm bà phi quốc tịch khác nhau: Hà Lan, Mường, hai người vợ Chăm và một bà quê Kinh Bắc.

Dưới thời phong kiến, tôn miếu gắn chặt với xã tắc là hai hình ảnh cao cả nhất. Những việc trọng đại của quốc gia thường được cáo ở Thái Miếu. Đất Bố Vệ là nơi phát tích các đời vua Lê Trung Hưng với Thái Miếu từ Thăng Long chuyển về khác hẳn với các đền Lê bình thường khác.
Từ đó, trở thành trung tâm tôn thờ của nhà Lê từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng cùng với các lăng mộ ở Lam Kinh thuộc xã Xuân Lâm, nơi phát tích của các vua thời Lê Sơ.
Thái Miếu nhà Lê có vai trò quan trọng, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đã nói " Giữ việc thờ cúng Thái Miếu nhà Lê là một trọng điểm của triều đình". Người già nơi đây còn kể lại nhiều lần vua Bảo Đại, các quan tỉnh huyện, tới đây tế lễ và dâng hương.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Cũng từ đó đến nay, Thái miếu đã được quan tâm đầu tư để trùng tu, tôn tạo, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, tri ân công lao to lớn của các vị vua Lê đối với sự nghiệp phát triển của quốc gia, dân tộc.