Hướng đến di sản “tương lai”

THỤY BẤT NHI

VHO - Một nhà nghiên cứu văn hóa ở TP.HCM điện thoại cho chúng tôi và nói rằng, đã đọc được ý kiến rất hay của một nhà nghiên cứu ở miền Trung, theo đó không chỉ gìn giữ di sản văn hóa của quá khứ, mà còn cần chuẩn bị cho những di sản “tương lai”.

Góc cạnh này, nhìn vào những nội dung sửa đổi của Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua, người ta nhận ra cách đặt vấn đề mới, cho tất cả chúng ta về khái niệm “di sản”. Một cách cố hữu, hai chữ “di sản” quy ước những gì đã có ở quá khứ, đang còn ở hiện tại và cần lưu giữ ở tương lai. 

 Đó là những kết quả, thành phẩm kết tinh từ lao động, trí tuệ con người, trải qua thăng trầm nhất định với lịch sử, có thể thấm đẫm cả máu xương và nước mắt, có thể đã bị vùi lấp trong cát bụi thời gian, khi được bóc tách, phát hiện ra, đem lại tư duy và nhận thức mới về những gì nhân loại đã trải qua. 

Chúng ta trân quý quá khứ thời gian ấy, “đóng đinh” những giá trị văn hóa trường tồn của những gì còn lại đó. Những gì có thể cập nhật, tiếp tục phát huy với đời sống, chúng ta tổ chức bảo tồn; những gì đã quá vãng, không còn phù hợp, chúng ta đưa vào bảo tàng. Dù bằng hình thức nào, “con dấu” quá khứ cũng vẫn là then chốt để nghĩ về di sản. Song, cuộc sống đang tịnh tiến đi tới. Nên mỗi người hôm nay, cần suy xét lại, sự thật thành quả, nỗ lực, cách làm của chúng ta hôm nay liệu sẽ để lại di sản gì cho những thế hệ tương lai. Ấy là sự chuẩn bị cần thiết, nghiêm túc để chúng ta không “lạc hậu” di sản. Những gì chúng ta đang làm, chuẩn bị làm, đó chính là di sản của thì tương lai, tại sao chúng ta không thể nghiêm trang nhìn nhận trách nhiệm của mình ở đó. Làm sao để con cháu lật lại những trang sử hôm nay mà tự hào, kính ngưỡng, mới là cách chúng ta xây dựng di sản tương lai đúng đắn nhất. 

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đang phần nào định hình những cách nhìn và cách hiểu đầy trách nhiệm đó. Những quyền hạn, nghĩa vụ mà chúng ta nên cần gánh vác, thấy rõ, đối với hiện thực hôm nay, đối đãi với những gì cha ông còn lại, qua đó giúp tạo nên một đất nước hùng cường, một dân tộc quật khởi, cần được “đóng đinh” trong suy nghĩ mỗi người, để trách nhiệm di sản không phải là lời nói của người khác, không còn là khẩu hiệu, cách ngôn. 

Những điều mới, xuất hiện trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đều gắn với những xu thế nhân loại đang xây dựng và chọn lựa. Đó là phẩm chất của hành vi chúng ta qua ứng xử cùng bảo vật, cổ vật, những kết tinh trong quy ước giao tiếp, ngôn ngữ mà cha ông để lại. Sau đó, đến lượt chúng ta phải nên bổ sung, bồi đắp các giá trị đó như thế nào, tôn tạo thêm những giá trị mới, cập nhật tốt hơn. Đơn cử với kho tàng văn học dân gian, những tục ngữ ca dao, những lời thơ lục bát từ cha ông truyền dạy, cho đến nay đang được chúng ta nghiền ngẫm, thẩm thấu đến như thế nào, giảng giải cho các thế hệ trẻ bằng cách gì, làm sao để bọn trẻ yêu thích và ghi nhớ. Rồi đến lượt chúng ta, có đủ trí tuệ và tự tin để bổ sung thêm vào kho tàng đó những gì, ấy chính là di sản tương lai. 

Người ta hay trích dẫn câu nói: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ trả lời bạn bằng đại bác”. Câu ấy chí lý, nhưng căng thẳng quá. Tương lai cần nhìn chúng ta một cách tích cực hơn. Cần để tương lai ghi nhận những nỗ lực tốt đẹp của chúng ta, chứ không nên để tương lai phải phán xét chúng ta. “Nếu bạn trồng một cây xanh ở hôm nay, cháu con về sau sẽ có một cánh rừng”, nhà nghiên cứu nói và ông thích cách suy nghĩ này, vì một di sản tương lai.