Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế

VHO- Ngày 13.11, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và đoàn công tác đã khảo sát các điểm di tích và làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ phát triển theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó, hướng tới mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh…

Công tác bảo tồn và phát huy giá  trị di sản văn hóa là nội dung quan trọng, được thực hiện khoa học, bài bản và được UNESCO đánh giá cao. Hiện nay, nhiều công trình quan trọng ở khu di sản Huế đang được trùng tu như: điện Kiến Trung, điện Thái Hòa và đang lên kế hoạch trùng tu, phục hồi điện Cần Chánh, Thái Miếu, Văn Miếu… Nguồn lực cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế gồm: chương trình có mục tiêu của trung ương; từ nguồn ngân sách xây dựng cơ bản của tỉnh, đặc biệt năm nay theo chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua thì nguồn thu từ bán vé tham quan cũng được giữ lại để phục vụ công tác bảo tồn di tích; các nguồn huy động xã hội hóa từ các tổ chức trong nước và quốc tế… Trung bình hàng năm, địa phương giành khoảng 100 tỉ đồng cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích Huế.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 2

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế đã được đẩy mạnh triển khai và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 việc di dời dân cư, giai đoạn 2 sẽ mở rộng ra 19 khu vực ở các lăng, di tích bên ngoài kinh thành Huế. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2 khoảng 664 tỉ đồng, trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án đã được giao là 300 tỉ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương. Phần còn lại khoảng 364 tỉ đồng, theo Thông báo kết luận số 269/TB-VPCP ngày 18.10.2021 của Văn phòng Chính phủ, ngân sách trung ương tiếp tục hỗ trợ 50% phần còn lại.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là một trong 3 bảo tàng cổ nhất Việt Nam, đang lưu giữ hơn 11.000 hiện vật, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm, đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu khoa học về bảo quản hiện vật. Khu trưng bày chính của Bảo tàng là di tích điện Long An được xây dựng không phải để làm nơi trưng bày hiện vật nên chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu về an ninh khi trưng bày cổ vật quý hiếm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đến khảo sát vào tháng 3.2023, đã giao tỉnh và Bộ VHTTDL xem xét lập dự án xây dựng bảo tàng.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin công tác bảo tồn di sản văn hóa và thực hiện di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế

"Sắp tới có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chúng tôi mong trung ương quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo tồn di tích Huế, mà trọng tâm là khu vực Kinh thành Huế, trong đó có việc xây dựng Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế", ông Nguyễn Văn Phương kiến nghị.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau khi được UNESCO vinh danh, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua 2 kỳ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn : giai đoạn 1996- 2010, giai đoạn 2011- 2020 và đã tu bổ, bảo tồn nhiều công trình di tích quan trọng. Hiện nay, địa phương đang hoàn thiện quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 . Trong thời gian này, trung tâm đang thực hiện 9 dự án và dự kiến hoàn thành trước năm 2025, với tổng nguồn vốn được bố trí gần 547 tỉ đồng. Thực tế, quá trình bảo tồn di sản Huế gặp những khó khăn, vướng mắc do chồng chéo trong quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công… Chính vì thế, chúng tôi cũng đã ó kiến nghị khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa thì cũng phải điều chỉnh nội dung các Luật liên quan để đồng bộ, thống nhất.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 4

Các thành viên của đoàn công tác tại buổi làm việc

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, công tác bảo tồn, tu bổ di tích tại Huế được triển khai tốt, việc hoàn thiện quy hoạch trong giai đoạn tiếp theo là cơ sở để tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt hơn hệ thống di sản văn hóa Huế. Chúng tôi rất ủng hộ và đồng hành với tỉnh Thừa Thiên Huế, với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong các dự án liên quan để di sản Huế phục hồi tốt hơn. Việc xây dựng hồ sơ di sản cho Cửu Đỉnh trình UNESCO, xây dựng hồ sơ lễ hội Điện Hòn Chén…, chúng tôi rất ủng hộ và đồng hành cùng trung tâm.

Đại diện Bộ TT&TT góp ý với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sớm xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách, trong đó có truyền thông về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lan tỏa di sản văn hóa Huế.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 5

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) 

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Lãnh đạo tỉnh chú trọng và quan tâm đến công tác trùng tu, bảo tồn di sản, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm di tích đang xuống cấp chưa được trùng tu do chưa đủ nguồn lực. Hơn nữa phần lớn các công trình di tích với cấu kiện gỗ nên việc trùng tu cũng như bảo tồn cũng không đơn giản. Địa phương đang tập trung các điểm di tích chính, quan trọng ; việc bảo tồn di tích gắn với phát huy giá trị, khai thác phù hợp với sự phát triển của địa phương. Ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế thì trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều di tích quan trọng, có giá trị khác, nên chúng tôi cũng rất trăn trở về nguồn lực.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những thành tựu của tỉnh đã đạt được khi xác định, phát triển kinh tế gắn với văn hóa. Với những thế mạnh hiện có, vùng đất nhiều di sản, dày đặc các điểm di tích, trầm tích văn hóa, Thừa Thiên Huế có thể tự tin xây dựng đặc trưng văn hóa của riêng mình.

“Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Thế giới tìm đến Việt Nam thì tìm đến văn hóa, và Huế là điểm nhấn quan trọng trong hành trình ấy”- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di tích, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện rất tốt, được quốc tế đánh giá cao. Công tác bảo tồn phải làm kiên định, kiên trì và bền bỉ hơn nữa.

Thừa Thiên Huế đã và đang gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế giữ gìn văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hay nên tiếp tục phát huy. Tuy thực tiễn còn nhiều khó khăn, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược chung, các nghị quyết về văn hóa, chương trình chấn hưng văn hóa, quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy văn hóa… với mục tiêu góp phần sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW.

Huế góp phần quan trọng về xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế - Anh 6

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác khảo sát dự án trùng tu di tích điện Kiến Trung, Đại Nội Huế. Ảnh: B.M

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thông tin tuyên truyền quảng bá về giá trị di tích, di sản văn hóa Huế, về công tác bảo tồn di tích, đặc biệt là việc ứng xử của người dân với di tích. Vai trò của cộng đồng, người dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của địa phương và Kinh thành Huế là rất quan trọng. Vấn đề này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang làm tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của của người dân, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đặc biệt quan tâm.

Tập trung rà soát các nội dung cần đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa; đồng thời, công tác kiểm tra giám sát phải thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, tâm huyết vì văn hóa Huế. Công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần có sự quan tâm thường xuyên hơn. Tiếp tục phát huy các nghiên cứu khoa học nghiên cứu, đặc biệt các di sản trọng điểm; tập trung vào công tác ứng dụng khoa học, phát huy giá trị di sản văn hóa trong không gian số…

Bài, ảnh: SƠN THÙY​​

Ý kiến bạn đọc