Hơn 400 hình ảnh, hiện vật đặc biệt về “Những cánh bay giữ trời Tổ quốc“
VHO - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam (3.3.1955 - 3.3.2025), 60 năm Ngày đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân (3.4.1965 - 3.4.2025), chiều 24.2 tại Hà Nội, Quân chủng Phòng không - Không quân khai mạc triển lãm chuyên đề "Những cánh bay giữ trời Tổ quốc". Sự kiện có ý nghĩa quan trọng này nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn và sự hi sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Không quân trong suốt 70 năm qua.

Với hơn 400 tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá, triển lãm tái hiện chặng đường hình thành, chiến đấu và phát triển của Không quân nhân dân Việt Nam.
Nội dung triển lãm được chia thành năm phần: "Không quân Việt Nam ra đời, xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu (1949 - 1964)", "Đánh thắng Không quân Mỹ (1965 - 1975)", "Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1999)", "Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc (1999 - nay)" và "Phần thưởng cao quý".
Trước yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang, Đảng và Bác Hồ với tầm nhìn chiến lược đã sớm quan tâm đến việc xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 9.3.1949, Ban nghiên cứu Không quân được thành lập tại thôn Hữu Thổ, Đoan Hùng, Vĩnh Phú. Lớp học không quân đầu tiên có gần 100 cán bộ chiến sĩ, sử dụng những máy bay thu được của địch nghiên cứu, học tập.

Trong đó có 2 máy bay Morane và Tiger Moth của Vua Bảo Đại. Đây là những hạt nhân xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân của quân đội ta sau này. Ngày 15.8.1949, lần đầu tiên máy bay sơn cờ đỏ sao vàng Tổ quốc đã bay trên vùng trời Phố Trinh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Ngày 3.3.1955, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 15 thành lập Ban Nghiên cứu Sân bay (mang phiên hiệu C47), khởi đầu cho quá trình xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 3.3 trở thành ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam. Ban Nghiên cứu sân bay đã nhanh chóng thay thế các nhân viên hàng không của Pháp. Tháng 3.1956, những lớp cán bộ đầu tiên được cử đi học về phi công tiêm kích và vận tải tại Liên Xô và Trung Quốc.
Ngày 3.4.1965, Biên đội MiG-17 do các phi công Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỷ, Trần Minh Phương đã xuất kích đánh thắng trận đầu, bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa), thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Mở mặt trận trên không thắng lợi”, đánh thắng lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ. Chiến công đó làm nức lòng đồng bào chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân dân ta và được Bác Hồ khen ngợi.

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Bộ đội Không quân đã lập chiến công hiển hách, đánh thắng địch cả trên không, trên biển, đánh các mục tiêu mặt đất, đánh chìm tàu biệt kích, đánh trúng khu trục hạm Mỹ, đánh hỏng trạm ra đa; đánh thắng địch cả ban ngày và ban đêm; bắn rơi các chủng loại máy bay hiện đại; bắt sống nhiều giặc lái kỳ cựu có hàng ngàn giờ bay của không lực Hoa Kỳ.
Trong Chiến dịch Phòng không tháng 12. 1972, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 2 máy bay B-52 của Mỹ, góp phần cùng các lực lượng của Quân chủng PK-KQ và quân dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành phố miền Bắc, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ sau 6 ngày bay chuyển loại, Phi đội Quyết thắng đã sử dụng máy bay A-37 thu được của Mỹ Ngụy hình thành mũi tiến công thứ 6 bất ngờ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công trên các chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Không quân đánh hơn 400 trận, bắn rơi 320 máy bay gồm tất cả các kiểu loại máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 02 máy bay B-52, đánh thiệt hại nhiều căn cứ quân sự, đánh trúng và bị thương tàu chiến địch, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ đội Không quân cùng với quân dân cá nước thực hiện nhiều nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng, Không quân nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Binh chủng Không quân, 39 lượt tập thể, 79 lượt cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, Triển lãm không chỉ trưng bày những hình ảnh, hiện vật phản ánh các chiến công vang dội, mà còn thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương. Những trận đánh tiêu biểu, sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ Không quân, các anh hùng liệt sĩ được thể hiện trang trọng, giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Không quân.

Cùng với việc ôn lại lịch sử, triển lãm còn khẳng định vai trò quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Với những trang bị tiên tiến như Su-30MK2, Su-22, CASA-295, lực lượng Không quân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.
Triển lãm "Những cánh bay giữ trời Tổ quốc” kéo dài đến ngày 6.5, tại Bảo tàng Phòng không – Không quân. Đây là dịp để các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế cùng nhìn lại những mốc son lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, tiếp nối tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc.