Hội nghị phát triển bền vững 2024: Hướng đến nền kinh tế xanh
VHO - Chiều qua 9.4, tại TP.HCM, tạp chí Forbes (ấn phẩm của Văn Hóa) tổ chức Hội nghị phát triển 2024 với chủ đề “Nền kinh tế mới” nhằm xây dựng không gian thảo luận cởi mở và tìm hướng đi trong xu thế phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
Các diễn giả trong phiên thảo luận với chủ đề Giảm dấu chân Carbon
Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia, nhà lãnh đạo các doanh nghiệp đang dẫn dắt thị trường.
Tại Hội nghị lần thứ 28 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tổ chức cuối năm 2023, các quốc gia tham dự đã đạt được thỏa thuận lịch sử chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo lộ trình, các nền kinh tế bắt đầu khởi động giai đoạn chuyển đổi công bằng sang các loại năng lượng mới thân thiện với môi trường. Nỗ lực toàn cầu này hướng tới mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất dưới 1,5 độ C, gây biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường không thể đảo ngược.
Theo đó, 2023 là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua trên trái đất, với tác nhân gây nóng kỷ lục là các hiện tượng thời tiết cực đoan từ khí thải nhà kính xuất phát từ hoạt động quá trình sản xuất, kinh doanh sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người. Ở Việt Nam, tại các đô thị lớn cũng có thể cảm nhận rõ rệt môi trường sống, làm việc bị ảnh hưởng nặng nề về môi trường, nhất là khi nhiều địa phương đã và đang chịu nhiều thảm họa từ thiên tai, lụt lội, sạt lở… Theo World Bank, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 12%- 14,5% GDP mỗi năm từ năm 2050, con số này tăng gấp ba lần so với năm 2020 là 3,2% GDP (khoảng 10 tỉ USD).
Để có cái nhìn tổng quan về nền kinh tế carbon thấp, lợi ích và xu hướng tái cấu trúc chuyển đổi hiện nay hướng tới phát triển bền vững, diễn giả Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã trình bày bài tham luận “Nền kinh tế carbon thấp”. Theo ông Shantanu Chakraborty, Việt Nam dễ bị tổn thương trước những thách thức của biến đổi khí hậu để tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, thách thức kép đối với nước ta khi đạt được tăng trưởng kinh tế cao cùng với lượng phát thải carbon thấp hơn, cũng như cam kết của Chính phủ về Net-Zero 2050, vậy thì Việt Nam cần làm gì để chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp? “Trước tiên, phải tạo khung chính sách quốc gia vững chắc về nền kinh tế xanh. Tiếp đến là thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững, thực hiện chiến lược quản lý rừng hiệu quả. Ưu tiên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng xanh và các ngành công nghiệp khử carbon. Tham gia hợp tác quốc tế và hợp tác công tư. Và cuối cùng, nguồn tài chính cần có là 368 tỉ USD đến năm 2040, tương đương 68% GDP hằng năm”, diễn giả Shantanu Chakraborty đưa ra đề xuất.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa tặng quà lưu niệm cho diễn giả Shantanu Chakraborty
Theo đó, Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đang thực hiện mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ngăn sự nóng lên toàn cầu dẫn tới các thảm họa biến đổi khí hậu. Vì thế, để hiểu hơn về cách thức giảm dấu chân carbon trong hoạt động kinh doanh, trong phiên thảo luận với chủ đề “Giảm dấu chân Carbon”, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu đã có những chia sẻ về việc chuyển dịch sang sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại thế hệ mới, cũng như chia sẻ góc nhìn về cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM và cơ hội thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường carbon. Nói đến câu chuyện của doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thành Công cho biết, dù chi phí cho việc xử lý chất thải môi trường rất cao, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng hết mình để giảm cũng như hạn chế thấp nhất lượng thải ra môi trường.
“Từ xưa, các nhà máy về ngành dệt may thường sẽ đốt bằng than đá, nhưng than đá thải ra môi trường lượng carbon rất lớn. Vì thế, với doanh nghiệp của tôi, thay vì dùng than đá sẽ pha trộn với chất liệu sinh phối như trấu. Mỗi ngày một giảm, chúng tôi đã làm những gì cho môi trường tốt nhất có thể”, ông Tùng chia sẻ về kinh nghiệm của doanh nghiệp mình. Điển hình tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm kinh tế khi chiếm 19% dân số, tạo ra khoảng 15% GDP, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu tác động mạnh nhất về biến đổi khí hậu, điều này đã đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người, ảnh hưởng đến sự phát triển của một trong các khu vực quan trọng và chiến lược của Việt Nam. Chính vì thế, bài trình bày “Đồng bằng sông Cửu Long và biến đổi khí hậu” của ông Christopher Howe, Giám đốc Sáng kiến Đồng bằng châu Á Kiên Cường và Giám đốc Cảnh quan Đồng bằng sông Cửu Long của WWF, đã giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới kinh tế vùng này, đặc biệt là đưa ra những giải pháp tháo gỡ và duy trì phát triển bền vững.
Cũng tại Hội nghị phát triển bền vững 2024, phiên thảo luận “Chung tay hành động” để trao đổi về các giải pháp thực hành trong kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường đã diễn ra rất sôi nổi. Theo các chuyên gia, hành động cụ thể mà các doanh nghiệp cần phải làm ngay từ bây giờ đó là, chuyển đổi năng lượng, sử dụng các vật liệu thân thiện, hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thực thi giải pháp nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguyên phế liệu, giảm phát rác thải ra môi trường…
HỒNG HẠNH