Hội An thử nghiệm xây dựng tuyến phố văn minh

KHÁNH CHI

VHO - Dự kiến thời gian tới, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) sẽ thực hiện thí điểm xây dựng tuyến phố văn minh thương mại tại đường Trần Phú, đoạn giao với đường Nguyễn Huệ đến chùa Cầu và đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc khu vực phố cổ. Đến năm 2025 sẽ nhân rộng ra toàn bộ khu phố cổ và vùng đệm.

Hội An thử nghiệm xây dựng tuyến phố văn minh - ảnh 1
Tuyến phố Trần Phú là nơi triển khai thí điểm tuyến phố văn minh thương mại

 Theo kế hoạch, đây sẽ là hai tuyến phố đầu tiên ở Hội An xây dựng mô hình “Phố đi bộ Hội An nói không với ly nhựa, ống hút nhựa dùng một lần”. Thành phố sẽ vận động các cơ sở kinh doanh trong khu phố cổ cùng tham gia giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như ly nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp, túi nilong...

Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần

Thử nghiệm việc không sử dụng ống hút nhựa cho đồ uống bằng ống hút thay thế và trả phí cho ống hút thay thế. Thực hiện quy trình thu đổi, tái sử dụng chai thủy tinh để thay thế ly nhựa, chai nhựa tại các cửa hàng đồ uống.

Xây dựng nếp sống văn minh thương mại, thái độ thân thiện trong giao tiếp, ứng xử với du khách, không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng, duy trì xây dựng 9 nội dung trong Đề án “Hội An - Nhân tình, thuần hậu”. Bên cạnh đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân, người kinh doanh đồng hành xây dựng tuyến phố văn minh; Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kinh doanh, trưng bày, quảng cáo tại khu phố cổ theo quy định tại Quyết định 19 (ngày 18.12.2020) của UBND tỉnh Quảng Nam về Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An; các quy định liên quan đến văn minh thương mại theo pháp luật hiện hành.

Tính đến cuối tháng 3.2024, tại 2 tuyến phố Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai có 236 cơ sở kinh doanh, chiếm khoảng 4% tổng số cơ sở kinh doanh trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở tuyến phố Trần Phú. Đường Trần Phú vừa được vinh danh là một trong số 71 con đường đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc uy tín Architectural Digest tổng hợp. Đây cũng là tuyến tham quan chính tại phố cổ với một số điểm tham quan như Chùa Cầu, Hội quán Quảng Triệu, Bảo tàng gốm sứ mậu dịch… 168/168 căn nhà mặt tiền trên toàn tuyến phố Trần Phú đều tổ chức kinh doanh các mặt hàng phục vụ du lịch (chiếm 19,71% tổng số hộ kinh doanh toàn phường). Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là áo quần may sẵn, túi xách, giày dép, lưu niệm; ăn uống, giải khát… Ngoài ra còn có 6 hộ kinh doanh vỉa hè được bố trí theo Đề án bán hàng rong của thành phố.

Tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai có 68 căn nhà mặt tiền, tất cả đều tổ chức kinh doanh (chiếm 11,8% so với toàn phường). Đây là tuyến phố hướng chính vào khu phố cổ từ phía Tây Nam và có các điểm tham quan chính đình Cẩm Phô, nhà cổ Phùng Hưng, Chùa Cầu…

Khu phố tham quan, mua sắm văn minh, an toàn, thân thiện

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích chỉnh trang tuyến phố, quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ phù hợp không gian khu phố cổ, từng bước hướng đến xây dựng thành khu phố tham quan, mua sắm văn minh, an toàn, thân thiện. Bảo tồn nguyên vẹn khu phố cổ, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng, phát triển phường Minh An, phường Cẩm Phô thực sự trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế của đô thị cổ Hội An.

Đồng thời, lập lại trật tự kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh, an toàn và thân thiện, đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An. Xây dựng điểm kinh doanh hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững, góp phần xây dựng Hội An - Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch. Hai tuyến phố nói trên là khu vực có tiềm năng phát triển thương mại, nằm trên trục đường chính dẫn vào các điểm tham quan tại khu phố cổ. Kiến trúc nhà thuận tiện cho việc kinh doanh, hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư đồng bộ. Lượng khách tham quan phố cổ ngày càng tăng, sản phẩm phong phú, đa dạng, phục vụ khá tốt nhu cầu mua sắm, ăn uống, trải nghiệm của du khách.

Tuy nhiên, khu vực này cũng có một số khó khăn như: Mật độ kinh doanh dày đặc, quá tải, hầu hết nhà mặt tiền được sử dụng để kinh doanh. Nhóm hàng hóa phục vụ du lịch chiếm mật độ lớn, diện tích nhỏ hẹp, trưng bày hàng hóa không đúng quy định, lấn chiếm vỉa hè. Việc đặt biển hiệu quảng cáo ít nhiều ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian phố cổ. Tình trạng kinh doanh sản phẩm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hàng nhái, hàng giả, không niêm yết giá còn tồn tại… Chủ cửa hàng không phải chủ sở hữu nhà ở hoặc không phải người gốc Hội An nên công tác tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức tập huấn về giao tiếp ứng xử và văn minh thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi xanh trong kinh doanh thương mại; Xây dựng hệ thống nhận diện “Tuyến phố văn minh thương mại”; Phát động cuộc thi “Cửa hàng văn minh”. Bên cạnh đó sẽ tiến hành đẩy mạnh công tác lập lại trật tự kinh doanh, trật tự cảnh quan đô thị; giải tỏa, xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh. Lập lại trật tự kinh doanh, cảnh quan đô thị, kiên quyết xử lý tình trạng cò mồi, chèo kéo, bán hàng rong, ăn xin, ô nhiễm tiếng ồn… Xây dựng phương án di dời các hộ kinh doanh theo Đề án bán hàng rong trong Khu phố cổ sang khu vực An Hội. Xây dựng cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, căn cứ theo Thông tư của Bộ VHTTDL về việc xây dựng “Điểm kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch” để tuyên truyền, vận động cơ sở kinh doanh hướng đến xây dựng điểm kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Chỉnh trang tuyến phố, quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ phù hợp không gian khu phố cổ, từng bước hướng đến xây dựng thành khu phố tham quan, mua sắm văn minh, an toàn, thân thiện… Trước đó, tháng 5.2024, TP Hội An cũng đã ban hành Đề án thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm, đón khách vào sinh sống cùng cư dân phố cổ, với kỳ vọng sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo hơn cho du khách, giúp khu phố cổ trở nên sôi động hơn, cũng như cải thiện cuộc sống dân sinh.