Thí điểm du khách ở cùng người dân trong phố cổ Hội An
VHO - Thành phố Hội An (Quảng Nam) thông báo để các hộ dân đăng ký triển khai thực hiện thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ. Với mô hình này, từ đây, du khách có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống cùng người dân phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, thành phố vừa có thông báo một số quy định để triển khai thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An. Việc triển khai thí điểm mô hình này được xây dựng, căn cứ theo tinh thần các Nghị quyết số 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Các Nghị quyết của Thành ủy Hội An, HĐND thành phố, đề án của UBND thành phố về phát triển du lịch Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể sẽ thực hiện trong khu vực phố cổ Hội An. Ưu tiên nhà trong kiệt, hẻm khu vực I và những khu vực tiệm cận, liền kề với khu vực I; nhà mặt tiền khu vực I, II khu phố cổ. Tập trung ở các phường: Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong. Chủ thể kinh doanh là cư dân bản địa Hội An, có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động; là gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích hộ gia đình có tổ chức cuộc sống gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề truyền thống; có các hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… để du khách tham gia trải nghiệm. UBND thành phố cũng đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện nhà ở, dịch vụ đặc trưng,… khi tham gia mô hình nói trên.
Theo đó, nhà đăng ký tham gia mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An phải có kiến trúc phù hợp với không gian khu phố cổ; có phòng, không gian được bố trí đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ khách lưu trú, sinh hoạt, tương tác và trải nghiệm cùng gia đình. Ưu tiên những ngôi nhà có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Nhà có không quá 5 phòng đón khách và phòng có sức chứa tối đa 2 người. Không bố trí quầy lễ tân tại nơi đón tiếp khách. Phải đảm bảo tốt các dịch vụ khác ngoài lưu trú, đặc biệt là dịch vụ trải nghiệm, khám phá gắn liền với các sinh hoạt đời sống hằng ngày của hộ gia đình, cộng đồng và xã hội theo các chương trình, hoạt động của thành phố. Thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia đời sống sinh hoạt hằng ngày cùng gia đình.
Hộ gia đình tổ chức đón khách phải đảm bảo các quy định của Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn, phòng cháy - chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… theo quy định của pháp luật. Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2017 về Tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Về quy trình đăng ký, hộ gia đình nộp đơn đăng ký tham gia kèm giấy tờ pháp lý liên quan tại địa phương nơi cư trú. Trên cơ sở ý kiến xác nhận, đề xuất của địa phương, Phòng VHTT chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế ngôi nhà, trao đổi thống nhất ý kiến đề xuất cụ thể và báo cáo UBND thành phố cho chủ trương để triển khai thực hiện.
Theo ông Lanh, với mô hình này, từ đây, du khách có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm cuộc sống cùng người dân phố cổ Hội An. Thành phố kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, riêng có của Hội An. Tại nhiều hội thảo, nghiên cứu, nhiều nhà sử học trong nước và quốc tế luôn nhận xét Hội An là một kiểu mẫu tiêu biểu về lịch sử hình thành, phát triển đô thị ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thời Trung, cận đại. Với đặc thù là một “quần thể di tích sống”, điểm xuất phát của du lịch Hội An bắt đầu từ phố cổ, từ các giá trị văn hóa. Xét ở góc độ dân cư, Hội An luôn có sự biến động dân cư tăng cơ học, có chất lượng cao. Người dân, chủ di sản nắm quyền sở hữu, sử dụng và vẫn sống, sinh hoạt đời thường, hằng ngày trong ngôi nhà, di sản kiến trúc đô thị của mình. Mang ý nghĩa như một “bảo tàng sống” về lịch sử dân cư, lối sống và kiến trúc đô thị, đây chính là điểm nhấn, sức hút để mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ hứa hẹn sẽ là sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc. Thực tế, phố cổ Hội An luôn phải đối diện với những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy, gìn giữ di sản với khai thác di sản, giữa sinh kế trước mắt với lợi ích lâu dài,… Sức mạnh để Hội An có thể giữ gìn bảo tồn di sản, đạt nhiều danh hiệu, thành công về bảo tồn di sản và phát triển du lịch, theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đặc biệt là nhờ vào sự đồng thuận, ủng hộ của người dân Hội An.
Nhiều người dân ở phố cổ cũng kỳ vọng, nếu thành công, mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chủ di tích, người dân, tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích. “Cộng đồng ý thức rất cao về vốn quý văn hóa của vùng đất mình, chính họ cũng là những người tự tham gia bảo tồn di sản bằng một cách rất giản đơn, giữ lấy nếp nhà mình, giữ lấy văn hóa và ứng xử vốn đặc trưng “nhân tình thuần hậu”, tạo nên hấp lực của chính con người và vùng đất di sản này. Đây cũng chính là một sản phẩm văn hóa du lịch đặc biệt của Hội An”, ông Phạm Hồng, một cư dân phố cổ chia sẻ.