Hải Phòng: "Quả ngọt" từ Đề án Sân khấu truyền hình
VHO - Ngày 30.6, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng sơ kết Đề án Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Hiện Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước triển khai đề án này.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam; Chủ tịch Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong và ngoài thành phố Hải Phòng và nhiều nhà hát nghệ thuật trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai khẳng định: Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng chính là cú hích, nền tảng, đòn bẩy cho sự phát triển vượt bậc về trình độ chuyên môn cho các nghệ sĩ diễn viên của thành phố. Ở tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu, Hải Phòng đều có những lứa diễn viên đóng vai trò nòng cốt, chủ công trong việc đảm bảo chất lượng của từng tác phẩm. Do đó, thời gian gần đây, Hải Phòng luôn có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các kỳ liên hoan.
Sau 35 năm, Đoàn Kịch nói Hải Phòng đã giành được liên tiếp Huy chương Vàng và Huy chương Bạc tại các kỳ Liên hoan. Đoàn Cải lương Hải Phòng lần đầu tiên giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2023. Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng lần đầu tiên giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu dành cho thiếu niên nhi đồng năm 2024. Đoàn Chèo Hải Phòng sau 37 năm đã giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2023, lấy lại vị thế đứng đầu trong Chiếng Chèo Đông.
6 tháng đầu năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao đã triển khai 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật gồm: vở chèo Xuân Hương nữ sĩ, vở cải lương Hào kiệt với giang sơn, vở kịch nói Macbet, chương trình ca múa nhạc Ngô Thụy Miên - Người viết tình ca, vở múa rối Trê Cóc tranh con, vở nhạc kịch Bỉ vỏ.
Các chương trình vở diễn đã được dàn dựng, đầu tư công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng với đội ngũ êkip hàng đầu Việt Nam; nghệ sĩ, diễn viên từ Trung ương và thành phố luyện tập tích cực, công phu, kỹ năng diễn xuất được nâng cao rõ rệt; nội dung bám sát định hướng của Thành ủy, yêu cầu của Đề án, thể hiện được truyền thống hào hùng của miền đất, con người Hải Phòng, quảng bá cho một Hải Phòng năng động, hội nhập và phát triển.
Hoạt động lưu diễn phục vụ Nhân dân được các đơn vị đều tích cực triển khai ngay sau khi được công diễn tại Nhà hát thành phố. Đến hết tháng 5.2024 đã có 76 buổi lưu diễn được thực hiện và thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo Nhân dân.
Việc tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ Nhân dân tại Nhà hát thành phố vào tối Chủ nhật ngay sau chương trình công diễn được truyền hình trực tiếp và theo Kế hoạch sáng đèn nhà hát thành phố đã tạo được ấn tượng sâu sắc và tạo nên điểm hẹn văn hóa với du khách và Nhân dân thành phố đồng thời tạo điều kiện phục vụ công nhân, người lao động được thụ hưởng các chương trình nghệ thuật hàn lâm khi không có điều kiện được xem tại đơn vị.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết 6 tháng cuối năm 2024, Sở sẽ tiếp tục tích cực tổ chức triển khai chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng năm 2024; tổ chức lưu diễn phục vụ Nhân dân đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các xã miền núi và hải đảo, công nhân trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trong các buổi lưu diễn để thu hút đông đảo hơn nữa Nhân dân tham dự; chuẩn bị các nội dung cho chương trình Sân khấu truyền hình năm 2025.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, thành phố Hải Phòng có chiều dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, với nhiều văn nghệ sĩ để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của cả nước. Đến nay, thành phố cũng tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các đoàn nghệ thuật, các văn nghệ sĩ của thành phố có cơ hội thể hiện tài năng; đồng thời thu hút các nghệ sĩ từ các tỉnh, thành phố khác tới biểu diễn, sáng tác, công tác để tạo cơ hội cho các nghệ sĩ của Hải Phòng học tập, trau dồi kinh nghiệm.
Sau một thời gian triển khai, chất lượng các vở diễn năm sau luôn cao hơn năm trước, được nâng lên tầm cao mới, thu hút đông đảo khán giả mọi lứa tuổi thưởng thức.
Thành phố Hải Phòng có chủ trương an sinh xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế. Mức chi an sinh xã hội của Hải Phòng luôn cao nhất cả nước. Sau 4 năm triển khai, các đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục phát huy tài năng, xây dựng các chương trình ngày càng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả thưởng thức nghệ thuật và tiến tới cơ chế tự chủ để tăng nguồn thu nhập cho nghệ sĩ, diễn viên.
Ông Lê Khắc Nam đề nghị, các đoàn nghệ thuật của Hải Phòng tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt và tiếp tục nỗ lực, sáng tạo để các sản phẩm nghệ thuật phục vụ đông đảo khán giả trong và ngoài nước để có thêm nguồn lực chăm lo đời sống của các văn nghệ sĩ và từng bước tiến đến phát triển công nghiệp văn hóa.
Đối với vấn đề khó khăn trong cơ chế tuyển dụng nghệ sĩ trẻ, ông Lê Khắc Nam đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tiếp tục làm việc với Sở Nội vụ Hải Phòng để xây dựng cơ chế chính sách hợp tình, hợp lý, có khả năng khuyến khích tài năng.
Tại Hội nghị, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Liên hoan Sân khấu toàn quốc về đề tài Thiếu niên Nhi đồng năm 2024.