Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch

THUÝ HIỀN

VHO - Tối 29.6, tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng, Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức truyền hình trực tiếp vở nhạc kịch “Bỉ vỏ”. Vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng do Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện. Nhiều người yêu văn chương đều biết đến “Bỉ vỏ” - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Hồng được hoàn thành vào năm 1937 và giờ đây “Bỉ vỏ” lại ra mắt khán giả yêu nghệ thuật của thành phố Cảng cùng cả nước với một "diện mạo" hoàn toàn mới mẻ và đầy ấn tượng trên sân khấu nhạc kịch.

 

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 1
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật các nghệ sĩ đã tái hiện tác phẩm "Bỉ vỏ" vô cùng sinh động trên sân khấu

Tham dự buổi công diễn ra mắt tác phẩm có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi cùng nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trong ngành nghệ thuật. Các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực vượt bậc của Đoàn Ca múa Hải Phòng đã tạo nên sự bất ngờ, bứt phá lên chính mình để mang tới một vở nhạc kịch với quy mô dàn dựng vô cùng hoành tráng và điều quan trọng là mang tới những cảm xúc sâu lắng, đầy cảm động tới người xem. 

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Thanh Thư (giữa) - con gái nhà văn Nguyên Hồng nhận hoa từ nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (trái) và bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng (phải) tại buổi ra mắt "Bỉ vỏ"

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định: “Tôi vô cùng bất ngờ khi xem nhạc kịch Bỉ vỏ của Đoàn Ca múa Hải Phòng, đây là một sự đột phá đầy táo bạo và ấn tượng của một đơn vị nghệ thuật ở địa phương khi dựng và diễn một thể loại khó mang tính chất quốc tế. Về nghệ thuật mà nói thì đây là một tác phẩm rất sáng tạo vì nó kết hợp giữa âm nhạc, ngữ điệu, giữa kịch nói, giữa các yếu tố của sân khấu, từ trang trí, hình ảnh. Tác giả, đạo diễn biết chắt lọc tình huống, các phần đối thoại để làm rõ nét hơn nữa tính cách của các nhân vật chính như Tám Bính, Năm Sài Gòn hay phía cảnh sát của Pháp”.
Ở góc nhìn về âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đánh giá cao sự kết hợp giữa âm nhạc pop vào vở nhạc kịch tạo nên sự hợp gu với khán giả, đặc biệt là lớp thanh niên. 

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 3
Các đại biểu và khán giả xem tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá, nhạc kịch Bỉ vỏ đã chạm đến cảm xúc của người xem. Bà rất bất ngờ khi một đoàn nghệ thuật ở địa phương lại làm được nhiều điều khán giả mong đợi.

"Đây là sự dấn thân và táo bạo của Đoàn Ca múa Hải Phòng. Họ rất dày công luyện tập, có nhiều diễn viên tài năng. Diễn viên đóng Tám Bính và Năm Sài Gòn hát và diễn rất hay, thể hiện được sự sắc lẹm của nhân vật. Có lẽ, được làm việc với một ê kíp sáng tạo giỏi nên các bạn ấy đã trưởng thành hơn rất nhiều", NSND Trịnh Thúy Mùi nói.

Có thể nói Tổng đạo diễn, biên đạo múa kiêm tác giả kịch bản nghệ sĩ Tuyết Minh cùng với ê kíp sáng tạo: Biên đạo múa NSƯT Văn Dũng; dàn dựng hợp xướng NSND Hà Thủy - Chinh Ba - Hoàng Ngọc; Giám đốc âm nhạc Lưu Quang Minh cùng sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố đã không những giữ được giá trị nội dung tư tưởng cốt lõi của tác phẩm văn học Bỉ vỏ mà bằng lăng kính của những người làm nghệ thuật đã thổi vào sân khấu hơi thở của cuộc sống hiện đại, hướng đến những giá trị tốt đẹp, tích cực trong xã hội. 

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 4
Tác phẩm khai thác thành công thân phận các nhân vật

Ê kíp sáng tạo đã lựa chọn cách dựng và diễn không đi vào mô tả câu chuyện theo trình tự diễn tiến của tiểu thuyết hay cuộc đời các nhân vật đã được đa số công chúng đều biết đến, mà dùng sự tổng hoà của âm nhạc, ngôn ngữ múa, thoại trong nhạc kịch để tạo biểu đạt nội dung và các và ngôn ngữ thoại của nhạc kịch để làm sợi dây dẫn dắt câu chuyện và đặc biệt là khắc hoạ nên những nhân vật điển hình trên sân khấu. 

Vở nhạc kịch Bỉ vỏ có kết cấu 3 chương với tổng thời lượng 80 phút. Tái hiện lại bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời thực dân nửa phong kiến. Chúng khủng bố và đàn áp những người vô tội hết sức dã man, tàn bạo.

Trên nền hiện thực ảm đạm từ thôn quê còn cổ hủ, lạc hậu tới thành thị bát nháo, trộm cắp hoành hành đó vẫn ánh lên thanh âm thiết tha, sẻ chia đối với quần chúng lao động nghèo khổ, thấm đượm tình yêu thương trong sáng, nồng nàn, sôi nổi, mãnh liệt với niềm tin không gì lay chuyển được ở phẩm chất tốt đẹp của con người.

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 5

Đặc biệt, âm nhạc chuyển tiết tấu vẽ nên thành phố Hải Phòng, một hải cảng giao thương sầm uất bậc nhất của Đông Dương thời bấy giờ với đầy đủ mọi thành phần xã hội, với những "anh chị có số má" , hung tợn, liều lĩnh nhưng cũng rất tay chơi, nghĩa hiệp. Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật được khắc họa trên sân khấu nhạc kịch Bỉ vỏ.

Để làm rõ tính cách của từng nhân vật trên sân khấu cũng như mạch phát triển của tác phẩm, toàn bộ các ca khúc trong nhạc kịch Bỉ vỏ được viết riêng cho từng nhân vật trong câu chuyện. Điều thú vị là phần lời thoại được tiết chế tối đa để đảm bảo có tính âm nhạc như trong các ca khúc.

Màu sắc âm nhạc cũng được lựa chọn phù hợp theo đề tài. Có thể thấy sự phối hợp khá ăn ý giữa biên kịch, đạo diễn và nhạc sĩ để mang tới một vở diễn đậm tính chất của nhạc kịch là hát và nói theo tính kịch, có cốt truyện và âm nhạc.

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 6
Những cao trào của vở nhạc kịch đã được các nghệ sĩ Hải Phòng thể hiện thành công và ấn tượng

Với hiệu ứng màn chiếu sân khấu hoành tráng kết hợp với phục trang và đạo cụ được đầu tư công phu trong vở nhạc kịch cũng góp phần đem đến cho các khán giả một trải nghiệm nghệ thuật ấn tượng, mãn nhãn. Có rất nhiều cảnh diễn vô cùng ấn tượng như cảnh rượt đuổi trên tàu, cảnh ở chợ...

Đặc biệt sự xuất hiện của diễn viên nhí, bé Dương Cầm, 8 tuổi trong vai con trai của Tám Bính đã có sự phối hợp rất ăn ý với các nghệ sĩ để tạo nên cảnh giằng co trên tàu thuỷ để rồi khi tới tay mẹ đẻ thì đã chết vô cùng xót xa. Cảnh diễn đã lấy nước mắt của nhiều khán giả về số phận đầy nghiệt ngã của Tám Bính khi chứng kiến cảnh chồng chết, con chết. 

Toàn bộ ê kíp diễn viên đảm đương nhân vật chính trong Bỉ vỏ đều là “cây nhà lá vườn” thuộc Đoàn Ca múa Hải Phòng. Dựng và diễn nhạc kịch đã khiến cho mỗi nghệ sĩ tự khám phá và trưởng thành hơn trong nghệ thuật.
Đặc biệt ghi nhận rất rõ ở hai nghệ sĩ Khánh Ngọc, NSƯT Đức Hoài trong vai Tám Bính và Năm Sài Gòn, Ngọc Anh và Quang Huy trong vai Tám Bính và Năm Sài Gòn trong kí ức..

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 7
Khán giả hào hứng không rời trong 80 phút diễn ra vở nhạc kịch tại Nhà hát Thành phố Hải Phòng

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết: Chúng tôi nhận thấy Bỉ vỏ của Nhà văn Nguyên Hồng có những điểm tương đồng như tiểu thuyết Những người khốn khổ của văn hào Pháp Victor Hugo. Những thân phận nhân vật như Năm Sài Gòn, Tám Bính... như “những người khốn khổ” của Việt Nam dưới thời thực dân nửa phong kiến. Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng lựa chọn Bỉ vỏ để chuyển thể thành nhạc kịch để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng Hải Phòng cũng như cả nước ngày càng cao.
Qua thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên người Hải Phòng, cùng với hiệu ứng sân khấu, âm nhạc sẽ thể hiện được tư tưởng tác phẩm, dù xã hội có những bất công, ngang trái, song vẫn bừng sáng tình thương yêu, đùm bọc giữa người với người. Đây là những giá trị mãi mãi trường tồn. 
"Mọi thứ trong vở nhạc kịch đều sống động, cho dù có một vài nốt nhạc chưa chuẩn nhưng cảm xúc là thật. Cả diễn viên và khán giả đều có cảm nhận riêng, nhưng tôi tin họ đã được nâng niu trong không gian nghệ thuật", bà Trần Thị Hoàng Mai bày tỏ.

Khi “Bỉ vỏ” bước lên nhạc kịch - ảnh 8
Các đại biểu lên chúc mừng các nghệ sĩ

Có mặt ở hàng ghế thứ 2 và chăm chú xem vở nhạc kịch, bà Nguyễn Thị Thanh Thư, con gái thứ 4 của nhà văn Nguyên Hồng không khỏi xúc động. Bà đã đi từ Hà Nội về Hải Phòng sớm một ngày để xem tác phẩm. 

Bà Thư chia sẻ: "Tôi cùng 4 chị em về Hải Phòng xem nhạc kịch. Tôi từng có 3 năm làm việc ở Hải Phòng nên có nhiều kỷ niệm đẹp với vùng đất này. Cha tôi viết Bỉ vỏ từ khi thành phố Hải Phòng còn nhiều vất vả, nghèo khổ nhưng bây giờ Hải Phòng đã rất giàu có, văn minh và hiện đại. Xem vở nhạc kịch, tôi đã bật khóc rất nhiều như đoạn cuối khi Tám Bính trải qua nhiều vất vả, vùi dập vẫn nhận ra đứa con của mình... Ở vở nhạc kịch, các diễn viên đều "cháy" hết mình. Tôi cảm phục và biết ơn các nghệ sĩ, lãnh đạo ở Hải Phòng đã làm mọi cách để sáng tạo, nối dài tác phẩm Bỉ vỏ của cha tôi".

"Nếu cha còn sống, ông sẽ khóc khi xem kịch vì ông từng có một tình yêu lớn lao, sâu sắc với Hải Phòng. Tôi đã từng xem tác phẩm được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật nhưng vở nhạc kịch này khiến tôi thích và xúc động nhất.Tôi cũng ngạc nhiên khi người Hải Phòng rất yêu nghệ thuật, tôi ghi nhận tình cảm của khán giả với vở kịch này...", bà Thư bộc bạch.

Vở nhạc kịch Bỉ vỏ đánh dấu một thành tích mới của Đoàn Ca múa Hải Phòng, đi lên từ truyền thống và đến nay đã có sự trưởng thành rõ rệt. Hơn nữa sự đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng đã giúp cho các nghệ sĩ có cơ hội thể hiện tài năng và sự thăng hoa trên một sân khấu được đầu tư bài bản, chỉnh chu. Những tác phẩm nghệ thuật như nhạc kịch Bỉ vỏ có sức lan toả rất lớn và rất cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa với công chúng khán giả.