Hải Phòng: Đầu tư lớn cho vở cải lương "Huyền thoại Bà Đế"
VHO-Tối 28.11, Đoàn Cải lương Hải Phòng đã ra mắt vở diễn mới Huyền thoại Bà Đế (Tác giả: Trần Tuấn Tiến, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng, chuyển thể cải lương: Hoài Việt). Vở diễn có sự tham gia hợp tác của nghệ sĩ thuộc ba đơn vị: Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng. Vở diễn được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phục vụ nhân dân thành phố. Đây chương trình nghệ thuật số 14 thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng.
Ê kíp sáng tạo vở diễn đã rất trau chuốt, kỹ lưỡng khi dàn dựng thiết kế sân khấu
Vở cải lương Huyền thoại Bà Đế được sáng tác dựa trên sự tích về Đền Bà Đế, một ngôi đền thiêng tại thành phố Hải Phòng, kể về cô Đào Hương sinh ra ở Đồ Sơn đã toả hương thơm ngát và có giọng hát rất hay. Tiếng hát của nàng làm chim ngừng hót, sóng ngừng vỗ, đất trời lặng đi để lắng nghe. Một lần, chúa Trịnh Giang về kinh lý qua Đồ Sơn đã yêu mến, quyến luyến giọng ca và vẻ đẹp của nàng Hương. Khi về kinh đô, chúa có hẹn ngày về đón nàng Hương. Nàng Hương ngày đêm trông đợi trong lo sợ vì đã mang thai. Hàng Tổng biết chuyện đòi phạt tiền. Nhà nghèo không có tiền nộp phạt, hàng tổng đem nàng ra khu núi Ðộc rồi dìm xuống biển. Khi thuyền hoa của chúa về rước nàng Hương. Biết chuyện oan khuất, chúa Trịnh Giang cho xây đền, lập đàn giải oan cho bà. Ðền bà được vua Tự Ðức về thăm ban sắc phong: Ðông Nhạc Ðế Bà – Trịnh chúa phu nhân.
Vở diễn quy tụ những giọng ca hay nhất của cải lương Hải Phòng
Khán phòng Nhà hát lớn TP Hải Phòng trong buổi ra mắt Huyền thoại Bà Đế không còn một chỗ trống và liên tục rộ lên những tràng pháo tay tán thưởng. Có lẽ thành công lớn nhất đó là sự mạnh dạn của lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao Hải Phòng và Đoàn Cải lương Hải Phòng mong muốn tạo nên một hình thức thể hiện mới nên đã mời một đạo diễn tài năng của nghệ thuật múa rối, NSND Nguyễn Tiến Dũng sang dàn dựng vở đầu tay cho sân khấu cải lương Hải Phòng. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã không phụ sự tin tưởng của mọi người.
NSƯT Kim Tuyến vai Nàng Hương, NS Quang Lâm vai Chúa Trịnh Giang
Dựng về một nhân vật lịch sử hiện đang được người dân Hải Phòng thờ cúng tại Đền Bà Đế (Đồ Sơn) là điều vô cùng khó khăn với những người sáng tạo. Làm thế nào để khán giả thấy được hình tượng nhân vật vừa đẹp, vừa xứng đáng với tín ngưỡng linh thiêng mà người dân giành cho Đông nhạc Đế Bà – Trịnh chúa phu nhân là điều không hề dễ dàng. Lần đầu thử sức với cải lương, nhưng đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã thành công bởi tư duy dàn dựng của một đạo diễn tài năng có thể tả xung hữu đột ở mọi lĩnh vực, mọi loạt hình nghệ thuật. Anh đã khéo léo kết hợp được những thủ pháp dàn dựng cho sân khấu rối bổ trợ cho dàn dựng sân khấu cải lương tạo nên một tác phẩm cải lương nhưng đậm tính đương đại. Đặc biệt hình thức dàn dựng thiết kế trang trí sân khấu cùng dàn múa chuyên nghiệp đã mang lại vẻ đẹp mới cho cải lương. Nếu chỉ kể về câu chuyện huyền thoại về Đế Bà thì rất đơn giản nhưng đạo diễn đã xử lý nhiều trò diễn, tình huống tạo nên tính hấp dẫn riêng cho vở. Đạo diễn đã phát huy được những thế mạnh của các nghệ sĩ cải lương của đất Hải Phòng giúp họ toả sáng ở từng vai diễn. Anh còn sáng tạo thêm một nhân vật mới không hề xuất hiện trong kịch bản, đó là bà vợ xã trưởng chua ngoa, đanh đá do nghệ sĩ Thuý Nga thể hiện, cứ hễ bước ra sân khấu là tạo nên những trận cười nghiêng ngả.
NSND Thanh Thuấn trong vai bà Bến, mẹ nàng Hương chia sẻ: "Đạo diễn đã khiến chúng tôi phải tự mình thoát khỏi một lối hát và diễn quen thuộc từ trước đến nay bằng cách đẩy nhanh tiết tấu hát và diễn xuất. Có rất nhiều làn điệu cải lương đã từ lâu bị quên lãng thì lần này đã được đạo diễn, nhạc sĩ chuyển thể khai thác. Lâu nay sân khấu cải lương chỉ loanh quanh với các làn điệu quen thuộc thì nay có thêm những làn điệu truyền thống được khai thác, chất liệu càng thêm phong phú”. Có rất nhiều những cảnh diễn được đạo diễn xử lý khá ấn tượng và mạnh tay như cảnh dân làng chài vùng biển hát múa như ngày hội, cảnh lũ quan lại cường hào hò nhau bắt ăn vạ nàng Hương vì tội chửa hoang, cảnh nàng Hương bị dìm xuống nước ba lần mà vẫn nổi vì oan ức hay cảnh nàng Hương hiện về đối thoại với mẹ già…
Ngay sau đêm diễn truyền hình trực tiếp, Huyền thoại Bà Đế sẽ được Sở VHTT Hải Phòng tài trợ đi diễn 15 suất phục vụ chính trị ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh
Hai nghệ sĩ Thuý Ngà và Xuân Quý trong hai nhân vật vợ chồng xã trưởng
Hiện, nhân lực trong các đoàn nghệ thuật truyền thống Hải Phòng chưa đủ để đảm đương những vở diễn có tính hoành tráng phù hợp với việc truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Hải Phòng nên các nghệ sĩ của các loại hình như: cải lương, chèo, múa rối vẫn cần hỗ trợ nhau trong những trường hợp cần thiết như thế này. Hy vọng, với đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, các nghệ sĩ sân khấu truyền thống sẽ có cơ hội được sống với nghề và tìm ra những hướng đi mới để thu hút khán giả.
HIỀN LƯƠNG