Gửi về lãnh đạo tỉnh Nam Định: Xử lý 18 đạo sắc phong ngụy tạo, “trên nóng, dưới lạnh”
VHO- Là một thành viên trong Tổ công tác khảo sát, nghiên cứu hiện vật và đồ thờ tại di tích Phủ Vân Cát do Bảo tàng tỉnh Nam Định ra quyết định thành lập vào đầu năm 2022, tôi đã kiên nhẫn theo dõi cơ quan chức năng, chính quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với 18 tờ tư liệu làm nhái sắc phong, giới chuyên môn gọi là 18 đạo sắc phong ngụy tạo.
Một trong những “sắc phong” ngụy tạo. Ảnh Tổ công tác thẩm định hiện vật cung cấp
Đến hôm nay 13.12, đã gần một năm trôi qua kể từ khi có kết luận của Tổ chuyên môn thẩm định, cũng gần nửa năm kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy Nam Định về việc xử lý thông tin Báo Văn Hóa nêu đối với 18 đạo sắc giả, mọi chuyện vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, mặc dù trước đó có hàng loạt cuộc họp, thông báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Nghĩa là, việc thu hồi hay tiêu hủy 18 đạo sắc phong ngụy tạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị lịch sử, văn hóa của tổng thể di tích lịch sử quốc gia Phủ Dầy, vẫn ngang nhiên tồn tại, khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Các nhà chuyên môn như chúng tôi không khỏi cảm thấy thất vọng.
Theo chỗ tôi được biết, đúng cách đây nửa năm, Sở VHTTDL Nam Định có văn bản Báo cáo UBND tỉnh Nam Định số 720/BC-SVHTTDL về sự việc báo chí phản ánh 18 đạo “sắc phong” tại Phủ Vân Cát, do Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng ký. Tại văn bản này, một lần nữa Sở nhấn mạnh: “Kết quả nghiên cứu, xác định 18 hiện vật được gọi là “sắc phong” không phải là bản gốc mà chỉ là các tư liệu viết chữ Hán, Nôm làm nhái sắc phong, không có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”. Văn bản Báo cáo của Sở VHTTDL Nam Định cũng cho biết, “qua quá trình làm việc, chính quyền địa phương và thủ nhang Trần Văn Cường thống nhất đề nghị thu hồi, tiêu hủy 18 tờ tư liệu làm nhái sắc phong đang lưu giữ tại di tích, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”. Còn văn bản của UBND xã Kim Thái, UBND huyện Vụ Bản thì cho biết, “thủ nhang Trần Văn Cường hoàn toàn nhất trí kết luận của Bảo tàng Nam Định và ông Cường xin đề nghị là được phép tiêu hủy 18 tờ tư liệu Hán - Nôm dạng sắc phong đang lưu giữ tại Phủ với sự chứng kiến của các cấp”.
Một số sắc phong ngụy tạo hiện đang lưu giữ tại Phủ Vân Cát. Sắc phong giả "đóng" niên đại Chính Hòa 4 (1683), ảnh trên cùng Ảnh: C.X.G CUNG CẤP
Dẫn ra như vậy cho thấy rõ, thủ nhang Phủ Vân Cát Trần Văn Cường đã thừa nhận 18 của cái gọi là “sắc phong” ấy là đồ giả, đồ ngụy tạo, không hề có giá trị. Thứ nữa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thống nhất được biện pháp xử lý. Vậy mà, cho đến nay nó vẫn chưa được thu hồi hay tiêu hủy theo quy định. Nguyên nhân do đâu, hay cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cố tình kéo dài thời gian xử lý để dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”?
Là nhà khoa học, tôi vô cùng bức xúc trước việc ngụy tạo, làm giả 18 đạo sắc phong tại Phủ Vân Cát trong các thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong văn bản thẩm định 18 tờ tư liệu này, tôi đã kiến nghị: “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”. Rồi tiếp đó Báo Văn Hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL và nhiều cơ quan báo, đài, tạp chí khác đã đồng loạt lên tiếng phản ánh, đồng thời đề nghị phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo chỗ tôi được biết việc xử lý thu hồi hay tiêu hủy 18 tờ tư liệu Hán - Nôm đang được lưu giữ tại di tích Phủ Vân Cát vẫn đang đứng yên, chưa hề có sự biến chuyển tích cực nào trong công tác xử lý. Cơ quan chuyên môn là Bảo tàng tỉnh Nam Định đã làm hết trách nhiệm trong việc thành lập Tổ công tác thẩm định hiện vật tại Phủ Vân Cát và đã có kết luận gửi cấp có thẩm quyền, còn việc xử lý và trách nhiệm xử lý là thuộc về UBND huyện Vụ Bản.
Cán bộ, công chức làm bằng cấp giả bị xử lý nghiêm. Người dân sử dụng giấy tờ giả cũng bị xử lý theo quy định. Còn ở đây người ta cố tình ngụy tạo 18 đạo sắc phong, gây nguy hại đến lịch sử, văn hóa của dân tộc lại cứ “trên nóng, dưới lạnh”. Vì sao lại có chuyện khó hiểu này, kính mong lãnh đạo tỉnh Nam Định lý giải và chỉ đạo.
Là nhà khoa học, tôi vô cùng bức xúc trước việc ngụy tạo, làm giả 18 đạo sắc phong tại Phủ Vân Cát trong các thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong văn bản thẩm định 18 tờ tư liệu này, tôi đã kiến nghị: “Với tư cách chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương cần xử lý nghiêm đối với các sản phẩm ngụy tạo là 18 tờ tư liệu hiện đang được giữ trong hộp đựng sắc phong ở Phủ Vân Cát theo Luật Di sản văn hóa và các luật liên quan”. |
TS CHU XUÂN GIAO (Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)