Câu hò nối những tâm hồn

NGUYỄN LINH

VHO - Từ âm vang hào sảng của sông Mã đến nét man mác trong dân ca Huế, từ câu hò xứ Nghệ đằm thắm đến khúc tâm tình bên dòng Lam thơ mộng - tất cả đã hòa quyện thành bản giao hưởng dân tộc tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” khu vực Bắc Trung Bộ năm 2025.

 Câu hò nối những tâm hồn - ảnh 1
Tiết mục múa hát thể hiện tinh thần đoàn kết, niềm tin và khát vọng vươn lên của người dân Bắc Trung Bộ

 Sự kiện không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn là nhịp cầu kết nối những tâm hồn đồng điệu, tôn vinh bản sắc văn hóa từng vùng miền và thắp lên ngọn lửa tình yêu di sản trong trái tim người Việt.

Những dòng sông kể chuyện quê nhà

Giữa mùa hè xứ Thanh đầy nắng và gió, Nhà hát Lam Sơn trở thành điểm hẹn nghệ thuật của những tâm hồn yêu âm nhạc dân gian. Trong tiếng trống khai hội ngân vang và ánh đèn rực rỡ, sân khấu bừng sáng như khơi dậy bao ký ức văn hóa, bao mạch nguồn cảm xúc về những miền sông nước thân thương.

Câu hò nối những dòng sông là cuộc hội ngộ của hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên đến từ 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế, với những tiết mục được dàn dựng công phu, mang đậm đặc trưng văn hóa dân gian miền Trung, như điệu hò sông Mã hào sảng, dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh thuần hậu, ca Huế tinh tế, man mác... Tất cả đã hòa quyện thành một bản hòa ca đa thanh sắc mà đậm đà cảm xúc, mang âm hưởng của đất trời và tâm hồn người dân xứ Trung.

Một trong những tiết mục mở màn gây ấn tượng mạnh là Khát vọng sông Lam, khúc tráng ca thể hiện khát vọng vươn lên và sức sống mãnh liệt của con người xứ Nghệ. “Tôi nghẹn ngào khi cất lên câu hát đầu tiên trong Khát vọng sông Lam, mọi người đều lắng nghe và đồng thanh hòa giọng. Giây phút ấy, mọi khoảng cách như tan biến...”, nghệ sĩ Thu Hoan (Đoàn Nghệ thuật quần chúng Nghệ An) chia sẻ, ánh mắt vẫn còn ánh lên xúc động.

Tiếp nối là Khúc tâm tình núi Hồng, sông La, một bản dân ca trữ tình ngọt ngào, quyện giữa giai điệu sâu lắng và ca từ tinh tế, khắc họa vẻ đẹp thơ mộng của dải đất Hà Tĩnh. “Em thương anh qua núi Hồng, anh chờ em bên sông La”... khiến nhiều người rưng rưng nhớ về một thời tuổi trẻ, một miền ký ức không thể phai mờ. Một khán giả ở TP Vinh bày tỏ: “Nghe câu hát ấy, tôi nhớ tới mẹ mình, người hay hát ru con bằng điệu Ví giặm. Giờ mẹ đi xa, nhưng câu hát như đưa mẹ trở về bên tôi”...

Hòa tấu Xuôi bè sông Mã đến từ đoàn Thanh Hóa lại mang đến không khí rộn ràng, sôi nổi với nhịp điệu khoan nhặt, mạnh mẽ. Âm thanh của tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn bầu hòa quyện cùng lời hò cổ xưa tạo nên bức tranh sống động về những con người cần cù, gan góc, nhân hậu mà đầy khí phách.

Còn với Lời ca sông Hương đến từ đoàn Thừa Thiên Huế, người xem như được đưa về với mảnh đất Cố đô thơ mộng. Câu hát ngân nga, nhẹ nhàng, kết hợp cùng nhạc nền truyền thống và hình ảnh dòng Hương Giang uốn lượn hiền hòa qua từng lời ca đã khơi dậy trong lòng khán giả những rung động tinh tế.

“Sông Hương vốn lặng lẽ, nhưng khi lên sân khấu, lại mang đầy nét duyên thầm. Tôi như thấy bóng dáng những người phụ nữ Huế xưa vừa chèo thuyền vừa cất giọng hò mênh mang...”, khán giả Trần Công Nho (Thanh Hóa) chia sẻ.

Mỗi tiết mục là một lát cắt văn hóa, một câu chuyện đời sống thể hiện qua từng giai điệu. Điều đặc biệt ở đây chính là tình yêu văn hóa dân gian và sự cống hiến lặng thầm của những nghệ sĩ không chuyên. Họ đến từ làng quê, từ đồng ruộng, từ niềm say mê nghệ thuật dân tộc truyền qua bao thế hệ. Nhiều nghệ sĩ đã không giấu nổi xúc động khi được đứng trên sân khấu thể hiện những làn điệu quê hương.

Không ít người tâm sự, có lúc tưởng như phải gác lại niềm đam mê vì vòng xoáy cơm áo. Nhưng rồi, chính những hội diễn như thế này đã níu họ lại, cho họ một không gian để cháy cùng bản sắc. “Mỗi lần được khoác lên mình tà áo dài, đứng trên sân khấu và ngân lên câu hò xứ sở, tôi như được trở về nguyên vẹn với hồn quê, với ký ức tuổi thơ”, một nghệ sĩ tham gia hội diễn chia sẻ.

 Câu hò nối những tâm hồn - ảnh 2
Các nghệ sĩ dân tộc thiểu số trình diễn hòa tấu cồng chiêng và điệu múa truyền thống tại sân khấu Nhà hát Lam Sơn

Hành trình giữ lửa di sản

Trong ba ngày từ 8-10.7, Câu hò nối những dòng sông đã thực sự trở thành không gian nghệ thuật mở, nơi các nghệ sĩ cùng hội tụ, giao lưu và trau dồi kỹ năng biểu diễn. Những tiết mục không chỉ mang theo âm sắc dân gian đặc trưng, mà còn khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào văn hóa của từng địa phương tham dự.

Đây được xem là một dấu mốc quan trọng góp phần giữ gìn và tiếp nối mạch nguồn nghệ thuật tại cơ sở - nơi những tinh hoa truyền thống vẫn đang được chắt chiu và gìn giữ qua từng thế hệ.

Hội diễn cũng mở ra cơ hội quý báu cho giới trẻ tiếp xúc và cảm thụ vẻ đẹp mộc mạc của những làn điệu cổ truyền. Trong từng đêm diễn, hình ảnh các em nhỏ, học sinh, sinh viên chăm chú lắng nghe và khe khẽ ngân nga theo điệu hò, câu ví đã để lại nhiều rung cảm. Đó chính là những mầm xanh văn hóa đang được vun trồng từ chất liệu dân gian giàu bản sắc, một dấu hiệu đáng mừng cho hành trình tiếp nối di sản.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa, bà Vương Thị Hải Yến chia sẻ: “Hội diễn là sân chơi nghệ thuật đặc sắc, mang nhiều giá trị ý nghĩa. Từ đối tượng tham gia đến chủ đề biểu diễn và cách dàn dựng, tất cả đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, tinh thần gắn kết cộng đồng. Những lời ca được cất lên sẽ in đậm trong tâm trí người xem như một thông điệp về sự gắn bó giữa con người với cội nguồn”.

Mỗi tiết mục không đơn thuần là một màn trình diễn, mà là một câu chuyện kể. Câu chuyện của đất và người, của miền quê yên bình, của ký ức được đánh thức qua từng lời ca, điệu hát. Hội diễn vì thế không dừng lại ở khuôn khổ một sự kiện nghệ thuật, mà chính là hành trình trở về cội nguồn văn hóa, nơi tâm hồn được chữa lành bằng những âm thanh chân phương, sâu lắng.

Từ chính những lời ca giản dị ấy, một niềm tin đã được thắp lên, rằng các giá trị truyền thống vẫn đang sống động trong từng nhịp hò, câu ví. Những dòng sông, theo đúng tinh thần hội diễn, sẽ tiếp tục chảy, tiếp tục kết nối miền đất, con người và ký ức.

Trên dòng chảy ấy, thế hệ trẻ đang được truyền cảm hứng để tiếp bước, để giữ gìn, để làm mới di sản bằng chính trái tim yêu văn hóa và niềm hy vọng: Di sản không chỉ là quá khứ, mà đang ngân vang ngay trong nhịp sống hôm nay.