Phát triển công nghiệp văn hóa từ âm nhạc:

Giàu tiềm năng và cơ hội chuyển mình

HOÀNG ANH

VHO - Thị trường nhạc số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự đa dạng của các nền tảng kỹ thuật số cùng hệ sinh thái chuyên nghiệp. Đây là “mảnh đất màu mỡ” cho các thế hệ nghệ sĩ tự do sáng tạo, thể hiện cá tính âm nhạc độc đáo, và kết hợp với nhau để thổi làn gió mới mẻ, đa dạng vào các sản phẩm âm nhạc.

 Giàu tiềm năng và cơ hội chuyển mình - ảnh 1
Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hò Dô 2024 đã chào đón khoảng 200.000 lượt khán giả, mang đến một không gian nghệ thuật đỉnh cao

 Sự phát triển của ngành âm nhạc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam. Âm nhạc là một phần không thể thiếu của văn hóa, là phương tiện để quảng bá những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc. Sự phát triển của âm nhạc đã và đang làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam và góp phần lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Thúc đẩy sáng tạo, đa dạng phong cách

Năm 2024 chứng kiến bước nhảy vọt ngoạn mục của thị trường nhạc số Việt Nam. Được nuôi dưỡng bởi sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội và các chương trình giải trí, ngành âm nhạc trở nên sôi động. Sự chuyên nghiệp hóa của ngành, từ khâu sản xuất đến quản lý và quảng bá, đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái âm nhạc phát triển bền vững.

Dự báo từ Statista Market Forecast cho thấy: Doanh thu âm nhạc số tại Việt Nam đang tăng nhanh chóng, từ 20,34 triệu USD năm 2018 lên gấp hơn 3 lần, đạt 61,97 triệu USD năm 2024 và sẽ đạt 66,37% năm 2025.

Trong đó, doanh thu từ nghe nhạc trực tuyến đang dẫn đầu, tiếp đó là doanh thu từ quảng cáo âm nhạc và podcast. Cả 3 lĩnh vực này đều đang có sự tăng trưởng nhanh chóng.

Công nghệ số đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của thị trường nhạc số Việt Nam. Trước đây, việc sản xuất và phát hành âm nhạc thường bị giới hạn bởi các công ty thu âm lớn.

Tuy nhiên, sự phát triển của nhạc số đã trao quyền cho các nghệ sĩ độc lập. Họ có thể tự thu âm, sản xuất và phân phối nhạc của mình thông qua các nền tảng trực tuyến như YouTube, TikTok, Facebook, Spotify, Zing MP3, NhacCuaTui...

Điều này giúp nghệ sĩ tiếp cận trực tiếp với công chúng mà không cần thông qua bất kỳ khâu trung gian nào. Mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và lan tỏa âm nhạc, nghệ sĩ có thể tương tác trực tiếp với người hâm mộ, chia sẻ những thông tin mới nhất về sản phẩm và tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến, tạo nên một cộng đồng gắn kết.

Tự do sáng tạo đã thúc đẩy sự đa dạng trong phong cách âm nhạc. Các nghệ sĩ không còn bị gò bó trong những khuôn mẫu nhất định mà có thể thoải mái thử nghiệm và kết hợp các thể loại nhạc khác nhau. Sự kết hợp nhiều nghệ sĩ cũng là xu hướng đáng chú ý.

Từ các nền văn hóa và thể loại khác nhau, họ hợp tác để tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo và phá cách. Điều này không chỉ làm phong phú thêm thị trường âm nhạc mà còn tạo ra những cơ hội học hỏi, giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ, tạo thêm nhiều cơ hội hơn để họ thể hiện tài năng và tiếp cận với khán giả.

Hợp tác công - tư thúc đẩy phát triển văn hóa

Nhóm nghiên cứu về âm nhạc số tại Đại học RMIT Việt Nam đã đưa ra dự báo về các khuynh hướng đang nổi trong nền âm nhạc số với tiềm năng thương mại và xã hội đáng kể.

Các khuynh hướng này gồm: Mix and Match (nhóm nhạc và nghệ sĩ mashup); Gia tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý âm nhạc; Hành vi ứng xử của nghệ sĩ ngày càng được quan tâm; Vai trò âm nhạc trong phát triển văn hóa - hợp tác công - tư; Người hâm mộ nhiệt thành trở nên quan trọng; Tác động của trí tuệ nhân tạo trong sáng tác và tiêu thụ âm nhạc; Sự gia tăng của các buổi biểu diễn trực tiếp…

Trong những khuynh hướng đó, hợp tác công - tư đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa và âm nhạc. Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hò Dô (HOZO) tại TP Hồ Chí Minh, Lễ hội âm nhạc Monsoon ở Hà Nội là minh chứng cho thành công của mô hình hợp tác này.

Mới đây nhất, cuối năm 2024, qua 3 ngày chính hội HOZO Super Fest với 2 sân khấu trình diễn song song cùng chuỗi hoạt động trải nghiệm - ẩm thực, diễn đàn và tọa đàm vệ tinh đa sắc màu xuyên ngày đêm, Liên hoan Âm nhạc quốc tế Hò Dô đã chào đón khoảng 200.000 lượt khán giả, mang đến một không gian nghệ thuật đỉnh cao, trở thành điểm giao thoa văn hóa, đồng thời khẳng định vị thế vững chắc của thành phố trên bản đồ văn hóa - nghệ thuật khu vực…

Ông Nguyễn Tiến Huy, Nhà sáng lập và CEO tại Pencil Group nêu bật tầm quan trọng của quan hệ hợp tác công - tư: “Các sự kiện văn hóa và âm nhạc đang được đẩy mạnh hơn, thu hút nhiều sự quan tâm và các tổ chức đa dạng hơn nhằm tạo sân khấu cho nghệ sĩ kết nối và tri ân với khán giả”.

Các sự kiện như vậy không chỉ cho các nghệ sĩ nền tảng thể hiện mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương qua việc thúc đẩy du lịch và các dịch vụ liên quan. Các sự kiện này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời đẩy mạnh kinh tế bền vững và phát triển xã hội.

Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đang khẳng định vị thế là một trong những thị trường âm nhạc vô cùng sôi động, tốc độ tăng trưởng doanh thu cao của thế giới, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho các nghệ sĩ và các doanh nghiệp phát hành, phân phối sản phẩm âm nhạc.

Trong thời gian tới, nền âm nhạc số Việt Nam cho thấy khả năng sẵn sàng tiếp tục phát triển và đổi mới không ngừng. Như PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long (ĐH RMIT Việt Nam) gợi ý: “Đây là thời điểm vàng để các nghệ sĩ, mạng lưới các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan quản lý và công chúng cùng chung tay xây dựng một thị trường âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tiềm năng”.

Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển này, ngành âm nhạc nước nhà cần đối mặt với những thách thức của mặt bằng kỹ thuật số không ngừng phát triển. Đồng thời, việc bảo vệ bản sắc văn hóa độc đáo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo nghệ thuật cũng là những yếu tố quan trọng cần được quan tâm.