Thị trường âm nhạc số Việt Nam:

Tiềm năng lớn và sự chuyển mình mạnh mẽ

THÙY TRANG

VHO - Năm 2024 đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường âm nhạc Việt Nam, khi lượng khán giả tăng trưởng nhanh chóng, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn.

Tiềm năng lớn và sự chuyển mình mạnh mẽ - ảnh 1
Xu hướng kết hợp các nghệ sĩ trong nhóm nhạc để tạo ra những sản phẩm sáng tạo dự báo sẽ tiếp tục thịnh hành trong năm 2025. (Trong ảnh: Một tiết mục trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” 2024)

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia từ Khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT Việt Nam), ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới chuyên nghiệp hóa và bùng nổ sáng tạo. Các chuyên gia dự đoán rằng, với nền tảng vững chắc và sự đổi mới không ngừng, thị trường âm nhạc Việt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm tới.

Làn gió mới và đa dạng các sản phẩm âm nhạc

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thăng Long (Đại học RMIT Việt Nam), sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, mạng xã hội, kênh truyền thông và các chương trình giải trí đã tạo ra một không gian sáng tạo rộng lớn, cho phép các nghệ sĩ tự do thể hiện cá tính âm nhạc và hợp tác để mang đến những sản phẩm mới mẻ, đa dạng.

Không chỉ vậy, sân chơi âm nhạc Việt Nam đang dần trở nên chuyên nghiệp hơn nhờ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan quản lý, thương hiệu kinh doanh, công ty truyền thông và cộng đồng người hâm mộ. Sự kết hợp này đã làm cho thị trường ngày càng sôi động, với lượng khán giả không ngừng tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng, mở ra một kỷ nguyên mới cho âm nhạc và đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam. Với bức tranh đầy màu sắc và năng động, đây chính là thời điểm vàng để tất cả cùng chung tay xây dựng một thị trường âm nhạc kỹ thuật số chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tiềm năng.

Theo Báo cáo Thị trường Âm nhạc toàn cầu 2024 từ Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI), ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu đã đạt doanh thu 28,6 tỉ USD vào năm 2023. Doanh thu này đến từ nhiều nguồn, bao gồm nhạc vật lý, nhạc phát trực tuyến, nhạc tải về, các nền tảng số khác, quyền biểu diễn và các kênh phân phối âm nhạc. Trong đó, nhạc phát trực tuyến (music streaming) đứng đầu với doanh thu 19,3 tỉ USD, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của ngành.

PGS.TS Donna Cleveland, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế tại Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh: “Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trở thành một trụ cột quan trọng trong nền kinh tế sáng tạo. Với sự kết hợp hài hòa giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa, ngành này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế ấn tượng, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiềm năng phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc số, sẽ là động lực mạnh mẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế trong ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu”.

Hiện nay, doanh thu từ nghe nhạc trực tuyến tại nước ta đang chiếm ưu thế, dự kiến đạt gần 40 triệu USD trong năm 2024. Quảng cáo âm nhạc trực tuyến đứng ở vị trí thứ hai với khoảng 20 triệu USD. Mặc dù quảng cáo podcast hiện còn khiêm tốn, nhưng cũng đang phát triển vượt bậc và hứa hẹn nhiều cơ hội. Dự báo, toàn bộ thị trường âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 8-10% hằng năm, đạt doanh thu lên đến 66,37 triệu USD vào năm 2025 (theo thống kê từ Statista Market Forecast).

Xu hướng âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam năm 2025

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 10 xu hướng mới trong âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam vào năm 2025, trong đó xu hướng nổi bật là “Mix and Match: Nhóm nhạc nghệ sĩ và Mashup”. Đây là xu hướng kết hợp các nghệ sĩ trong nhóm nhạc để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, pha trộn nhiều thể loại và phong cách khác nhau, mang đến một luồng gió mới cho ngành âm nhạc.

Năm 2024, làng giải trí Việt được khuấy động mạnh mẽ bởi các chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi và sự trở lại của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 2, cùng với màn ra mắt sắp tới của Em xinh say hi vào 2025. Các chương trình này luôn thu hút sự chú ý trên mạng xã hội nhờ sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, sự tương tác hài hước và các màn trình diễn đa dạng, tạo nên những làn sóng thảo luận sôi nổi trong cộng đồng.

Sự bùng nổ của các chương trình nhóm nhạc thúc đẩy xu hướng nghệ sĩ từ nhiều thế hệ và lĩnh vực khác nhau kết hợp trong các màn mashup sáng tạo. Các tiết mục giữa V-pop và nhạc truyền thống mang đến những biến tấu độc đáo, từ hip-hop, rap đến biểu diễn nghệ thuật văn hóa, làm mới âm nhạc theo cách chưa từng có. Tuy nhiên, xu hướng này cũng có thể làm lu mờ các nghệ sĩ solo, tái định hình thị trường âm nhạc Việt Nam theo hướng đề cao sự hợp tác, thay vì các màn trình diễn cá nhân.

Ông Nguyễn Hữu Anh, Nhà sáng lập & CEO tại The First Management chia sẻ: “Sự trỗi dậy của các nhóm nhạc mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của ngành giải trí. Mỗi màn trình diễn nhóm đều thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông, nhờ vào sức mạnh của nhiều nghệ sĩ cùng tham gia. Tuy nhiên, việc ra mắt các nhóm nhạc ngôi sao như LUNAS và MOPIUS cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý, nhất là trong việc đảm bảo quyền lợi nghệ sĩ và duy trì sự vận hành bền vững. Hơn nữa, các nghệ sĩ hoạt động độc lập sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh và nổi bật nếu không tham gia vào các xu hướng nhóm nhạc này”.

Chuyên gia cũng nhận định rằng, để duy trì sự phát triển lành mạnh cho thị trường âm nhạc, cần có chiến lược hỗ trợ nghệ sĩ độc lập, tạo cơ hội cho họ tham gia các sự kiện âm nhạc lớn và kết hợp với các nhóm nghệ sĩ thành danh. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nhóm nhạc, nghệ sĩ solo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành âm nhạc Việt Nam.

Khi ngành âm nhạc phát triển và lượng người hâm mộ gia tăng, công chúng và các thương hiệu kỳ vọng nghệ sĩ tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và hành vi chuyên nghiệp. Xu hướng “âm nhạc có trách nhiệm” nổi lên, nhấn mạnh rằng: Nghệ sĩ không chỉ cần tài năng mà còn phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng bản quyền và khán giả, tránh các hành vi hay phát ngôn gây tranh cãi, vì những điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành.

Cùng với việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử (2021), Bộ VHTTDL tiếp tục yêu cầu tăng cường hạn chế sự xuất hiện của nghệ sĩ vi phạm trong báo chí và trên mạng xã hội. Xu hướng “âm nhạc có trách nhiệm” cũng mang lại lợi ích cho tất cả các bên: Nghệ sĩ duy trì chuẩn mực đạo đức, xây dựng cộng đồng fan trung thành và hợp tác lâu dài với các thương hiệu, trong khi thương hiệu cũng tránh được những rủi ro từ các scandal.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc