“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thành công trên sân khấu múa rối
"Khó thế mà cũng làm được!"
VHO - Dựng vở kịch nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ trên sân khấu múa rối,vở kịch rối “Hồn Trương ba, da hàng thịt” của Nhà hát Múa rối Thăng Long được đánh giá là sự đột phá với nhiều tìm tòi sáng tạo mới mang hơi thở đương đại.

Dựa theo kịch bản nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch rối Hồn Trương Ba, da hàng thịt (chuyển thể kịch bản: NSƯT Đăng Tiến, đạo diễn: NSƯT Lê Chí Kiên, thiết kế sân khấu: NSND Doãn Bằng, tạo hình con rối: Ngô Thắng, biên đạo: NSND Lê Hồng Phong, âm nhạc: Lê Anh Thuỷ, chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Trần Thanh Hiền) đã được Nhà hát Múa rối Thăng Long thể hiện lại bằng hình thức nghệ thuật múa rối cạn.
Ngay buổi tổng duyệt ra mắt, vở kịch rối Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã nhận được những lời khen từ khán giả, đặc biệt là từ đồng nghiệp làm nghệ thuật và thành viên của Hội đồng nghệ thuật thành phố Hà Nội.
Thành viên của Hội đồng nghệ thuật Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm đánh giá: “Hồn Trương ba, da hàng thịt của Nhà hát Múa rối Thăng Long mang tới cho khán giả nhiều trải nghiệm mới lạ, bản thân những người làm nghệ thuật sân khấu cũng thấy rất ấn tượng. Vở kịch rối nổi trội khi áp dụng thành công công nghệ hiện đại, đồng thời kết hợp được nhiều chất liệu nghệ thuật sân khấu truyền thống…”.

Đạo diễn, NSND Tạ Tuấn Minh đã chia sẻ với đồng nghiệp: “Chúc mừng đạo diễn Lê Chí Kiên, khó thế mà đạo diễn cũng làm được!” khi anh tâm đắc với Lê Chí Kiên trong việc xử lý kết hợp giữa rối bóng và người để dẫn dắt khán giả vào những điều ẩn chứa sâu thẳm bên trong từng nhân vật.
Điều ghi nhận ở vở kịch rối Hồn Trương Ba, da hàng thịt đó là những dấu ấn cá nhân của từng thành phần sáng tạo và cá nhân từng nghệ sĩ trong mỗi nhân vật. Sự trau chuốt tỉ mỉ của từng thành phần sáng tạo đã làm nên sự hoàn chỉnh cho tác phẩm.

Không gian chính của Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một khu chợ. Đó là một không gian hỗn độn nên đạo diễn đã mở đầu bằng âm thanh của tiếng guốc mộc loẹt quẹt và hòa quyện nó thành một bản nhạc.
Đó là cách êkíp dựng vở gửi gắm những ý tưởng nghệ thuật, với muốn thể hiện một xã hội tốt đẹp, một xã hội có trên có dưới, có tôn ti trật tự. Khi tiếng guốc đều đều được gõ lên, tức là lúc đó các yếu tố xã hội đã hòa nhập vào nhau và có được một trật tự nhất định.
Cùng âm thanh độc đáo, Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản rối cạn còn đặc biệt ở chỗ sử dụng rất nhiều chất liệu nghệ thuật sân khấu truyền thống như: xẩm, hát chèo, chầu văn, ả đào…

Sân khấu được thiết kế công khu với 3 tầng: sân khấu sàn diễn, sân khấu của rối, sân khấu của thiên đình kết hợp hài hòa với nhau thành một khối thống nhất.
Tổng thể vở rối là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người thật và con rối, giữa ba tầng sân khấu đại diện cho tầng trời, tầng 2 là căn nhà của hai gia đình Trương Ba và anh hàng thịt. Và tầng 3 là cho xã hội, ở đây là chợ, nơi gặp gỡ của mọi người, cũng có khi là thế giới của những âm hồn...
Năm 2016, đạo diễn Lê Chí Kiên cùng ê kíp sáng tạo đã từng dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt trên sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long. Vở rối tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III đã đoạt giải “Tiết mục thử nghiệm rối xuất sắc nhất” và với 2 HCV, 2 HCB cá nhân.
Tác phẩm đã từng thành công như vậy, nhưng với quyết tâm làm mới hơn, độc đáo hơn, Nhà hát Múa rối Thăng Long lại một lần nữa mời Lê Chí Kiên cùng ê kíp sáng tạo của năm 2016 tiếp tục cộng tác và làm mới Hồn Trương ba, da hàng thịt.

Ở phiên bản 2025, có thể thấy Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã mang tới một màu sắc mới mẻ hơn khi áp dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời sự kết hợp với nghệ thuật dân gian nhuần nhuyễn hơn...
Đặc biệt là để tiếp cận những người trẻ, vở rối đã có những lời thoại với ngôn ngữ gần gũi hơn với họ, thậm chí đưa những giai điệu âm nhạc mới như hiphop, rap vào vở một cách hợp lý.
Đặc biệt ở đoạn kết đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, vở diễn đã làm rõ khát vọng được sống là chính mình của Hồn Trương Ba khi được “là tôi trọn vẹn” và chính tư tưởng của Trương Ba đã cảm hoá được Đế Thích khi xuống hạ giới sống với con người mới hiểu được những điều mà Trương Ba đau đáu.
Sức hút và giá trị nhân văn của tác phẩm đã khiến Lê Chí Kiên cùng êkíp cùng kiên trì sáng tạo ra một ngôn ngữ nghệ thuật mới ở tất cả các khâu: sân khấu, tạo hình, cách truyền đạt…

Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, NSƯT Trần Thanh Hiền cho biết, việc phục dựng vở kịch rối Hồn Trương Ba, da hàng thịt nằm trong Kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 của UBND Thành phố Hà Nội.
Vở sẽ được biểu diễn để phục vụ sân khấu học đường, giúp cho học sinh có thêm những trải nghiệm sâu sắc, cụ thể hơn về tác phẩm văn học được dàn dựng trên sân khấu.
“Tác phẩm có giá trị giáo dục cao với thông điệp vô cùng nhân văn: Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn.
Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Những thông điệp sống ý nghĩa sẽ giúp cho khán giả trẻ hôm nay hoàn thiện về nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý”, NSƯT Trần Thanh Hiền nhận định.
Các nghệ sĩ múa rối một lần nữa thỏa sức sáng tạo với vở kịch kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Vũ, “biến hóa” câu chuyện đã vô cùng quen thuộc với khán giả này trở thành một tác phẩm kịch rối với sự kết hợp khá độc đáo giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật dân gian, vừa chuyển tải được những thông điệp không bao giờ cũ của tác giả, vừa trở thành một món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn dành cho khán giả.