Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ: “Ngân vang âm điệu đồng bằng”

THÙY TRANG

VHO - Tối 1.12, tại Công viên Sông Hậu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Sở VHTTDL TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chương trình Giao lưu Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL. Sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ Du lịch – Thương mại TP.HCM và ĐBSCL tại TP Cần Thơ năm 2024.

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ: “Ngân vang âm điệu đồng bằng” - ảnh 1
Các đơn vị tham gia giao lưu nhận hoa cám ơn từ BTC

Chương trình nhằm tạo điều kiện cho nghệ nhân các tỉnh, thành tham gia giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, bên cạnh đó là giới thiệu, quảng bá loại hình ĐCTT Nam Bộ đến với người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đờn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động, được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, đến nay vẫn còn sức sống mãnh liệt thu hút nhiều người mộ điệu.

ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013.

Tham gia chương trình giao lưu có sự góp mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 8 tỉnh, thành: TP.HCM, tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Nhà hát Tây Đô và Ban ĐCTT TP Cần Thơ.

Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, là thành phố “Đô thị miền sông nước”.

Cần Thơ có nhiều cảnh đẹp và nổi tiếng như: bến Ninh Kiều, Cầu đi bộ, khu du lịch sinh thái, vườn cây trĩu quả, đặc biệt là Chợ nổi trên sông - nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước, đã làm đắm say lòng bao du khách gần xa. 

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ: “Ngân vang âm điệu đồng bằng” - ảnh 2
Các nghệ nhân, nghê sĩ đã mang đến đêm giao lưu những tiết mục đặc sắc, qua đó bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, đồng thời quảng bá những địa danh du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL

Mở đầu chương trình giao lưu, khán giả đã được nghe thể điệu Xàng xê (20 câu): Chào Cần Thơ thành phố trẻ (tác giả: NNƯT Trọng Huỳnh; biểu diễn: NNND Trường Út, NNƯT Thanh Tùng, NNƯT Kiều Nga, NNƯT Ái Hằng).

Ban ĐCTT tỉnh An Giang tham gia tiết mục Ca ra bộ theo thể điệu Cổ bản: Vui như Tết (soạn lời: Nguyễn Phước Vĩnh; biểu diễn: các nghệ nhân Nguyễn Ngọc Giang, Nguyễn Thị Kim Sang).

Đơn vị Đồng Tháp đến với chương trình giao lưu với tiết mục Liên Nam: Lời sen (tác giả: Thanh Hùng; biểu diễn: các nghệ nhân Tường Vy, Như Loan).

Sóc Trăng được biết đến là vùng đất có sự cộng cư lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã tạo nên một Sóc Trăng giàu bản sắc văn hóa và lễ hội truyền thống. Ban ĐCTT tỉnh Sóc Trăng trình diễn thể điệu Giang Nam: Như bức phù điêu (tác giả: NNƯT Trọng Sĩ; biểu diễn: Nghệ nhân Châu Thị Thoại Mỹ).

Ban ĐCTT tỉnh Hậu Giang trình bày thể điệu Lưu thủy trường: Hồn quê (tác giả: Thanh Bền; biểu diễn: NNƯT Kim Khéo và tài tử Thanh Triều).

Bạc Liêu có các địa điểm văn hóa du lịch nổi tiếng như Nhà công tử Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, Cánh đồng điện gió, Chùa Quan Âm Nam Hải Chùa Ghositaram, cánh đồng muối, vườn chim…

Đặc biệt, nơi đây có Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn thu hút đông đảo du khách gần xa. Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về giá trị lịch sử của nghệ thuật ĐCTT mà còn được lắng lại với những câu ca vọng cổ đã được lưu truyền bao đời trên vùng đất này… 

Ban ĐCTT tỉnh Bạc Liêu tham gia chương trình bản: Dạ cổ hoài lang (tác giả: Cao Văn Lầu; biểu diễn: Các nghệ nhân Bùi Thị Tâm, Khưu Hoài Thương, Lê Thị E Rờ).

Tiếp đến, Ban ĐCTT tỉnh Bến Tre giao lưu tiết mục vọng cổ nhịp 32: Miền Tây tình đất, tình người (tác giả: Minh Thuận; biểu diễn: Xuân Chúc và tốp hát múa nam, nữ).

Giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ: “Ngân vang âm điệu đồng bằng” - ảnh 3

Ban ĐCTT TP.HCM tham gia biểu diễn giao lưu 5 tiết mục: Bình Bán Vắn và Kim Tiền Huế: Xuân về hoa nở (soạn lời: Phạm Văn Nghi - NSƯT Huỳnh Khải); Nam Xuân: Sài Gòn-TP.HCM (thơ: NNND Nguyễn Hồng Oanh; soạn lời tài tử: Phạm Thái Bình);

Tiết mục Ngũ đối hạ: Sắc xuân (soạn lời: NNƯT Đức Huệ); Vọng cổ nhịp 32: Dáng chèo sông Hậu (soạn lời: Lý Việt Hùng) và Ca ra bộ: Trên bến dưới thuyền theo thể điệu Tây thi và Cổ bản (soạn lời: NSƯT Huỳnh Khải).

Chương trình Ban ĐCTT TP.HCM có sự tham gia biểu diễn của NNND Thanh Tuyết, NNƯT Phan Minh Đức, NNƯT Phương Hậu, NNƯT Hà Thu, NNƯT Ngọc Đặng, NSƯT Lê Tứ, NS Hà Như, các tài tử Lâm Mỹ Duyên, Tô Trường Vinh, Trường An, Thảo Vy và nhóm múa.

Thành phần ban nhạc có NNND Út Tỵ (đờn Cò và Gáo), NNƯT Văn Sơn (thổi Tiêu và Sáo), NNƯT Duy Kim (đờn Tranh), NNƯT Trường Giang (đờn Kìm), NSƯT Huỳnh Khải (đờn Đoản), NSƯT Văn Môn (đờn Guitar Việt Nam), NSƯT Hoàng Kha (đờn Tam), ThS Nhứt Dũng (Bộ gõ) và NS Phú Quý (đờn Bầu).

Cùng với đó, chương trình giao lưu còn biểu diễn trích đoạn cải lương Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà (tác giả: Nguyễn Trọng Quyền (Mộc Quán); đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt); Liên khúc dân ca: Đẹp lắm Cầm Thi giang (tác giả: Phạm Văn Đằng)… do các nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô TP Cần Thơ và Ban ĐCTT TP Cần Thơ biểu diễn.

Với những giai điệu bổng trầm của các bài bản, thể điệu, qua các tiết mục đờn, ca; người dân và du khách phần nào hiểu thêm về loại hình nghệ thuật truyền thống ĐCTT Nam Bộ và trải nghiệm những địa danh du lịch của TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.