Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo:

Giải quyết triệt để quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng

MINH NGỌC

VHO - Hoạt động quảng cáo phổ biến trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đã và đang kéo theo nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó, Luật Quảng cáo hiện hành chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới Luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Giải quyết triệt để quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng - ảnh 1
Quảng cáo trực tuyến với nhiều nội dung sai sự thật gây vấn nạn nhức nhối

Hành lang pháp lý đồng bộ

Quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân cũng như gây nên sự lộn xộn trong bức tranh hoạt động quảng cáo. Điều này đang đặt ra yêu cầu sớm có giải pháp chấn chỉnh. 

Mục đích của việc sửa đổi Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.

Quan điểm xây dựng dự án Luật là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo…

Được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa quan trọng, hoạt động quảng cáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, nhằm tạo ra sức mạnh mềm từ văn hóa.  Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống luôn vận động, phát triển, đã và đang có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm có giải pháp quản lý, chấn chỉnh.

Trước thực trạng này, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. 

Chấn chỉnh quảng cáo sai sự thật trên mạng

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm trong thời gian qua là chấn chỉnh hiện tượng người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc với người tiêu dùng.

Giải quyết triệt để quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng - ảnh 2
Nhiều quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng bị lên án lâu nay

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng việc sửa Luật Quảng cáo phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. Luật sửa đổi cần lấp "lỗ hổng" về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.

Đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm. Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.

Quảng cáo trên không gian mạng với nhiều nội dung sai sự thật, gây nên vấn nạn lộn xộn là thực tế đã được nhìn nhận lâu nay. Luật Quảng cáo năm 2012 không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo  không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về  nội dung quảng cáo. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng hồn nhiên, vô trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hệ quả sau đó chỉ là lời xin lỗi, hoặc mức phạt “phải chăng”, không đủ sức răn đe.

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi vì vậy đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; sửa đổi, bổ sung về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo... Như vậy, khi những quy định mới với sức nặng và tính răn đe này được bổ sung và thực thi trong thực tiễn, các nghệ sĩ, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo sẽ không thể tiếp tục có những hành vi thiếu trách nhiệm khi đưa đến công chúng, người tiêu dùng những thông tin về sản phẩm mà thiếu sự kiểm chứng, kiểm nghiệm chất lượng.