Dự án giao thoa văn hóa nhằm thúc đẩy thực hành thiết kế đương đại
VHO - Đại học RMIT ở Việt Nam và Australia đang thực hiện dự án giao thoa văn hóa mang tên “Đây đó” nhằm thúc đẩy thực hành thiết kế đương đại, đồng thời duy trì các loại hình nghệ thuật và thực hành thủ công truyền thống trong bối cảnh phát triển nhanh chóng và có nhiều thách thức toàn cầu ở hai nước.
Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM Sarah Hooper trao giải thưởng "Tài năng thiết kế mới nổi" cho một trong bốn tài năng trẻ của Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Đây đó”
“Đây đó” là sự tiếp nối của triển lãm đa văn hóa “Skilled Hands, Shared Culture” (tạm dịch: Đôi tay tài hoa, văn hóa tương đồng) do RMIT Gallery tổ chức vào năm 2020. Triển lãm trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ, nhà thiết kế và nghệ nhân Australia (10 người) và Việt Nam (10 người). Các tác phẩm đi sâu vào tìm hiểu mối liên hệ giữa nghệ thuật và cộng đồng.
Dự án được chính thức phát động trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) và được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, CAST (nhóm nghiên cứu Nghệ thuật đương đại và Chuyển đổi xã hội) thuộc Đại học RMIT, Đại học RMIT Việt Nam, RMIT Culture, VICAS (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, và Vietcraft.
Dự án mở ra cơ hội trao đổi văn hóa, kinh tế và tri thức giữa các nhà chế tác và thiết kế từ hai nước nhằm giới thiệu nghệ thuật, thủ công và thiết kế mới.
Trong sự kiện khai mạc VFCD năm 2023, đại diện Đại học RMIT, Tổng lãnh sự quán Australia tại TP.HCM và VICAS cũng đã trao giải thưởng "Tài năng thiết kế mới nổi" cho bốn tài năng trẻ của Việt Nam trong khuôn khổ dự án “Đây đó”.
Các nghệ sĩ trẻ đoạt giải sẽ nhận được tư vấn và hướng dẫn để quảng bá thiết kế, sản phẩm thủ công và thực hành nghệ thuật đương đại của họ, đồng thời bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Bộ sưu tập sử dụng vật liệu tái chế
Phát biểu về giải thưởng này, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM Sarah Hooper cho biết: "Đây đó là một ví dụ tuyệt vời về cách chúng ta có thể tiếp tục xây dựng mối liên kết giữa hai nước trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Để bồi đắp thêm cho những liên kết đó, chúng ta ngày càng cần nhiều hơn những người tài năng và tận tụy từ cả hai nước. Chúng ta cần đảm bảo rằng tài năng và sự tận tụy được công nhận và nuôi dưỡng".
Năm 2021, giai đoạn đầu tiên của dự án đã hỗ trợ bốn nghệ sĩ thủ công và thiết kế mới nổi đến từ Việt Nam gồm: Tom Trandt Minh Đạo, Phạm Hoàng Linh, Lưu Như Ngọc và Đàm Nhã Hân. Họ được cố vấn bởi các chuyên gia Việt Nam và Australia, để phát triển thiết kế của họ cho khán giả và thị trường quốc tế. Kết quả dự án được trình bày trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam và VFCD 2022.
BÌNH THỦY