Quảng Ngãi:
Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm Nhà lao thời Pháp thuộc
VHO - Sáng 17.5, UBND phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc.
Tại nhà lao Quảng Ngãi, thực dân Pháp và Nam Triều tay sai đã giam cầm, tra khảo hầu hết những nhà yêu nước, những chiến sỹ cách mạng tiền bối của tỉnh Quảng Ngãi như: Đồng chí Trương Quang Trọng – Bí thư đầu tiêu của tổ chức “dự bị cộng sản”, đồng chí Nguyễn Nghiêm – Bí thư đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, các đồng chí Đoàn La, Nguyễn Chánh, Từ Ty, Võ Thu, Huỳnh Bội, Phan Sách...... Tại Nhà lao, thực dân Pháp đã thực hiện giam cầm, dụ dỗ, lôi kéo, rồi dùng mọi cực hình để tra tấn những người chiến sỹ cách mạng một cách dã man, tàn bạo, nhưng các đồng chí chiến sỹ cách mạng trong nhà lao vẫn giữ vững ý chí, kiên trung bất khuất, không nhụt chí cách mạng, đấu tranh phản đối đánh đập, tra tấn, tổ chức đấu tranh chống sự khủng bố của địch, đòi thả bớt từ nhân...
Đến năm 1943, tù chính trị tại nhà lao cùng với quần chúng bên ngoài chuẩn bị vượt ngục giải phóng Nhà lao. Ngày 16.8.1945, cách mạng tháng 8 thành công, Nhà lao Quảng Ngãi đã được giải phóng, hàng trăm chiến sĩ cách mạng của ta được tư do, chấm dứt những tháng ngày bị giam cầm trong nhà lao. Các chiến sĩ cách mạng sau khi trở về vẫn cùng nhân dân tiếp tục đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Di tích Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc là địa điểm ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta, đồng thời cũng là bản anh hùng ca cách mạng của cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù bị bắt giam nhưng tinh thần đấu tranh của quân và dân ta luôn dâng cao. Chính cuộc sống khắc nghiệt trong nhà lao đã tôi luyện họ thành những người cộng sản kiên trung. Họ đã biến nhà Lao thành nơi học tập chính trị, nơi liên lạc, truyền tin, phối hợp chặt chẽ với đấu tranh cách mạng ở bên ngoài nhà tù buộc thực dân Pháp phải có nhiều nhượng bộ trong chính sách đàn áp của chúng.
Những năm tháng giam cầm trong nhà lao đầy gian lao và khốc liệt, kẻ thù đã dùng ngục tù với các phương tiện cổ xưa và hiện đại để buộc những người cộng sản, người dân yêu nước phải từ bỏ ý chí cách mạng, phải khuất phục đầu hàng. Chống lại âm mưu đen tối đó là cả một chuỗi ngày đấu tranh quyết liệt. Trong trận tuyến đấu tranh sinh tử đó, các đồng chí chúng ta phải đem cả mạng sống của mình để giữ gìn và bảo vệ. Có người đã cống hiến hết cả tuổi thanh xuân cùng với đồng đội chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Do đó, di tích Nhà lao Quảng Ngãi là biểu tượng cho tinh thần buất khuất, kiêng cường của những người Việt Nam yêu nước, họ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Những tấm gương hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng tại Nhà lao Quảng Ngãi đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ những người yêu nước – người cộng sản giữ vững niền tin ở lý tưởng cách mạng, kiên định con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự tất thắng của lý tưởng cộng sản.
Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm Nhà lao Quảng Ngãi thời Pháp thuộc, còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập, tiếp bước truyền thống cha ông, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Năm 2020, TP Quảng Ngãi đã xây dựng bia lưu niệm tại vị trí Nhà lao Quảng Ngãi, trước đây là nơi để người dân, chính quyền và khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng, tưởng niệm.