“Điểm nghẽn” xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở các KCN (Bài 1): "Có những nỗi buồn nhân hai"
VHO- Hiện nay có rất ít khu công nghiệp dành quỹ đất để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân. Tại địa phương tập trung nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, Đồng Nai và ngay tại TP.HCM… cũng rất ít nơi có hạ tầng xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút được sự quan tâm của người dân. Vậy, đâu là “điểm nghẽn” của vấn đề này?
Bên trong các khu cư xá do tư nhân đầu tư xây dựng ngoài ranh giới KCN
Có một thực tế, đối với một số công nhân làm việc tại những khu công nghiệp (KCN) tọa lạc ở khu vực đô thị tập trung, mặc dù bản thân không có nhu cầu mua sắm, hoặc đang phải hạn chế chi tiêu, thì để xả stress sau giờ làm việc họ chọn cách đi đến siêu thị, công viên. Trong lúc đó những công nhân ở các KCN xa trung tâm buộc phải gò mình trong bốn bức tường phòng trọ.
Trong vai một nhà đầu tư, chúng tôi đã tiếp cận phòng kinh doanh của KCN Nam Tân Uyên do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư với vốn đăng ký trên 239 tỉ đồng. Được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép xây dựng từ năm 2005, tính đến nay KCN Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 1 đã hoàn thiện 100% và cơ bản được lấp đầy.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của công ty này, tính đến đến 31.12.2022, tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng của doanh nghiệp này có giá trị lên tới trên 1.115 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế năm 2022 là trên 256 tỉ đồng. Một cán bộ phòng kinh doanh tiếp chúng tôi cho biết hiện nay giá thuê đất tại Nam Tân Uyên 3 là từ 140-160 USD/m2 cho 46 năm còn lại. Có thể nói, doanh nghiệp này làm ăn rất có lãi khi vốn đăng ký chỉ chưa đầy 240 tỉ đồng nhưng có quỹ đất cực lớn. Khi chúng tôi hỏi, hiện nay KCN có khu vực nhà lưu trú công nhân tập trung trong KCN hay không và công nhân KCN ở đâu, thì người này cho biết: “KCN có quy hoạch khu nhà lưu trú công nhân nhưng hiện nay vẫn chưa xây dựng, công nhân ở trọ nhà dân xung quanh KCN.” Câu trả lời khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho những người công nhân, một lực lượng chính tạo ra của cải cho xã hội nhưng ngay cả đời sống vật chất tối thiểu là chỗ ở của họ thì chưa được doanh nghiệp chú trọng đầu tư, chung tay gánh vác một phần nỗi lo về nơi ăn chốn ở cho công nhân tại các KCN với chính quyền.
Theo lời cán bộ của phòng kinh doanh KCN Nam Tân Uyên, chúng tôi đi một đoạn khá xa, tìm đến khu cư xá Hưng Lợi 1 và 2 tọa lạc tại KP7, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, nơi tập trung hàng ngàn phòng trọ công nhân. Trao đổi với chúng tôi, chị Thạch Thị Sa Bo (SN 1980, quê Trà Vinh) cho biết giá thuê trọ tại đây dao động từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/phòng, tùy theo diện tích hoặc phòng cũ, mới. Nếu tính cả điện, nước thì trung bình mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 1,6 triệu đồng/ phòng và có thể ở được bốn người.
Một khu công viên giải trí tại KCN Đại Đăng, Bình Dương
Chị Bo cho biết, sau khi đi làm về, vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm giặt xong là gần như “ở lỳ” trong bốn bức tường phòng trọ hoặc lang thang ra hành lang nói chuyện với một số người quen, vì có muốn đi dạo cũng không có nơi nào để đi. Gần nửa tháng nay chị bị thất nghiệp. Buổi sáng hôm gặp chúng tôi, chị đã đi hai chỗ để phỏng vấn nhưng vẫn chưa được nên đang tính, nếu đến cuối tháng 9 vẫn chưa tìm được việc thì có lẽ phải về quê. Nói về cuộc sống tha hương, chị Sa Bo tâm sự: “Ở quê thì không lo chỗ ở, chỉ ngặt một cái là không có tiền thôi! Ở trên này làm may, lương tháng chỉ có bốn triệu mấy, năm triệu mà tiền nhà, tiền điện nước, quay qua quay lại tới tháng liền. Ăn uống rồi, mỗi tháng cũng không có dư nếu như công ty không tăng ca. Nhưng ở trên này thì nhớ con, nhớ cháu. Ở đây cũng có wifi nhưng nhiều người dùng nên cũng lúc được, lúc không. Lâu lâu nhớ tụi nhỏ, tôi đăng ký gói 5K gọi zalo về đặng thấy mặt tụi nó, nhứt là thằng cháu ngoại thấy thương lắm!”.
Cũng cảnh công nhân KCN, chị Nguyễn Thị Hồng Út (SN 1990, quê Hưng Yên) cho biết, đã cùng gia đình vào Bình Dương làm việc ở Khu công nghiệp Tân Bình nằm trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) được 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa thoát kiếp ở trọ. Hai năm trước, gia đình bên chồng ở quê có cho một mảnh đất nhỏ nên hai vợ chồng cũng đang có ý định rời bỏ Bình Dương về quê tìm việc, một phần để ổn định cuộc sống, phần khác cũng để cho đời sống tinh thần đỡ tù túng. Thấy chúng tôi trao đổi với chị Út ngoài cửa, anh Minh (chồng chị Út) đang nấu cơm trong phòng nghe được câu chuyện cũng đánh tiếng vọng ra: “Ở quê tiếng là khổ, tìm việc khó hơn nhưng có gia đình, bố mẹ, hàng xóm láng giềng nên cũng còn có chỗ dựa. Trong vườn tược có chỗ nuôi được con gà, con vịt… chứ xa quê cả năm chả biết đến miếng thịt gà thả vườn nó ngon dở ra làm sao. Con cái đau ốm chả biết gửi ai để đi làm. Nhiều lúc vất quá, em bàn với nhà em, bỏ cả đây về quê cho nó nhàn nhưng cô ấy còn dùng dằng đấy”.
Qua tâm sự của anh Minh có thể thấy bên cạnh những khó khăn về vật chất thì những khát khao về đời sống tinh thần luôn hiển hiện trong mỗi công nhân xa xứ. Thế nhưng với họ thì việc có một nơi để ra ngoài, thoát khỏi bốn bức tường phòng trọ cũng rất khó khăn. Anh Minh chia sẻ, vào Bình Dương được 7 năm nhưng số lần vợ chồng anh chở con đi xuống siêu thị AEON Bình Dương, đi công viên ở trung tâm Thành phố mới Bình Dương chơi tính ra cũng chưa hết 10 đầu ngón tay vì những nơi ấy đều quá xa, cả đi lẫn về phải mất gần bốn chục cây số.
SONG HÀ
(Còn nữa)