Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái - nơi an nghỉ 66 thương, bệnh binh, y, bác sĩ

VHO - Ở tuổi (86) sức khỏe của thương binh 2/4 Nguyễn Khắc Thơ ở thôn Phú Qúy, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã giảm sút, đôi chân không còn rắn chắc... nhưng khi đứng giữa Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái kể về những tháng ngày lịch sử của quê hương, giọng ông vẫn mạnh mẽ, dứt khoát.

Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái - nơi an nghỉ 66 thương, bệnh binh, y, bác sĩ - Anh 1

Ông Nguyễn Khắc Thơ ngồi bên phần mộ của bạn mình là liệt sĩ Võ Cận

Theo con đường dẫn vào địa đạo, vượt qua những bậc tam cấp bằng đá ong, trước mắt chúng tôi là khu di tích. Ở đó có tượng đài của các y, bác sĩ hy sinh, tiếp theo là nhà bia tưởng niệm. Địa đạo được phục dựng quanh co. Phía sau là những ngôi mộ của các y, bác sĩ, thương binh hy sinh. Ông Nguyễn Khắc Thơ, nguyên du kích thời chống Mỹ thắp nén hương, rồi ngồi bên phần mộ của bạn mình là liệt sĩ Võ Cận, ông bồi hồi: “Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Thương binh, Liệt sĩ, nhiều anh em cựu chiến binh thuộc các đơn vị có đồng đội hy sinh ở địa đạo, những y, bác sĩ từng quen biết với các y, bác sĩ đã hy sinh lại tìm về đây, thắp hương trên mộ liệt sĩ...”.

Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái - nơi an nghỉ 66 thương, bệnh binh, y, bác sĩ - Anh 2

Đường hầm địa đạo Đám Toái

Địa đạo Phú Quý có từ thời chống Pháp, trong chiến tranh chống Mỹ được tu sửa lại và được Tỉnh đội Quảng Ngãi chọn đặt Trạm phẫu thuật tiền phương A100. Sau chiến thắng Vạn Tường 1965, một số anh em thương binh của các đơn vị được chuyển về đây điều trị. Hôm đó, ngày 9.9.1965 ông Thơ đang bám trụ ở vùng phía tây của xã thì nghe tin quân đội Mỹ từ căn cứ Chu Lai dùng trực thăng đổ quân càn vô thôn Phú Quý. Nghe anh em bảo chúng đã phát hiện địa đạo nên ông tức tốc chạy về. Đến nơi thì địa đạo đã bị đánh sập.
Người làng cho hay, quân đội Mỹ sau khi càn quét phát hiện ra địa đạo. Chúng đã vây bắt được y sĩ Lâm và y tá Lệ đem trói giật cánh khuỷu trên nóc địa đạo rồi bắt loa gọi các y bác sĩ, thương bệnh binh đang điều trị trong lòng địa đạo ra hàng. Nhưng đáp lại lời chúng chỉ có những tràn AK đanh thép bay ra từ cửa địa đạo. Biết không khuất phục được anh em thương binh, y bác sĩ, quân đội Mỹ dùng mìn sát hại y sĩ Lâm và y tá Lệ, rồi dùng một lượng thuốc nổ khá lớn đánh sập địa đạo, chôn vùi cả 64 bác sĩ, y tá và thương binh.

Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái - nơi an nghỉ 66 thương, bệnh binh, y, bác sĩ - Anh 3

Nơi an nghỉ của 66 thương bệnh binh, y bác sĩ

Cũng từ sau khi địa đạo bị đánh sập, quân đội Mỹ đã dùng xe san ủi cả làng, rồi dùng xe vận tải chuyển dân đi nơi khác. Nhưng dân Phú Quý một lòng sắt son. Nhà bị san ủi thì chặt cây chiêm biêng (cây rừng to bằng cổ chân, khá thẳng) đem về làm cột, rồi cắt tranh đánh thành tấm lợp mái nhà. Nhưng rồi những ngôi nhà ấy, qua những trận càn lại bị địch đốt phá. Có người làm đi làm lại cả chục lần... Sau chiến tranh làng có chưa đầy 200 hộ nhưng có bốn Mẹ Việt Nam Anh hùng, 143 gia đình liệt sĩ…
Ông Thơ trầm ngâm: “Nỗi đau ấy cứ luôn nhắc tôi phải dũng cảm, phải kiên cường chiến đấu”. Và đúng như lời tự răn mình đó, ông Thơ năm lần bảy lượt bị địch bắt tù đày. Những năm ở Côn Đảo, ông nếm đủ những loại hình tra tấn dã man. Từ đổ nước xà phòng vào bụng, đến đánh đập, gí thanh sắt nung đỏ vào người… nhưng ông vẫn một lòng sắt son với dân, với nước”.

Di tích lịch sử quốc gia địa đạo Đám Toái - nơi an nghỉ 66 thương, bệnh binh, y, bác sĩ - Anh 4

Đường dẫn vào địa đạo Đám Toái

Dẫn chúng tôi đi thăm địa đạo Đám Toái, rồi ông trăn trở: “Dạo gần đây, người yếu rồi. Mình phải tìm người nào là con em quê hương, sống chuẩn mực, có tri thức để tiếp tục kể chuyện về Đám Toái, để con cháu biết và gìn giữ lịch sử quê hương”.
Ông Thơ cho biết, khu vực này có danh thắng Ba Làng An còn có tên gọi khác là Ba Tân Gân (tên thời chống Pháp). Thời xưa, ở đây có ba làng cùng có tên là An: An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc với những bãi đá núi lửa nối nhau tít tắp. Cùng với đó là địa đạo Đám Toái được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991. Nơi đây còn có những di tích gắn với đội hùng binh Hoàng Sa như di tích Vườn Đồn, miếu Hoàng Sa; hải đăng Ba Làng An được dựng từ trăm năm trước.
“Tôi mong muốn Nhà nước xây tường rào, ngõ vào di tích cho nghiêm trang, chỉnh trang lại địa đạo cho sạch sẽ, đào giếng để tưới nước cây. Tạo một tuyến kết nối các điểm để phát triển du lịch về “địa chỉ đỏ”, ông Thơ bày tỏ.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc