Di sản Bài chòi “bén rễ” tại các xã, phường, trường học
VHO - UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) đã chính thức triển khai kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể nghệ thuật Bài chòi giai đoạn 2024-2030 tại 13 xã, phường và các trường học trên địa bàn.
Bảo tồn, phát huy di sản Bài chòi bền vững
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh cho biết: Dự kiến nguồn kinh phí triển khai kế hoạch sẽ lên tới hơn 4,3 tỉ đồng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn TP, gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, kế hoạch sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh và nâng cao ý thức cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào về giá trị di sản Bài chòi; động viên, khuyến khích người dân tham gia, thưởng thức, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng cường công tác truyền dạy, phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ diễn viên trẻ kế cận, tổ chức thành lập mới và duy trì các CLB, đội, nhóm Bài chòi tại địa phương; truyền dạy cho học sinh các trường THCS và tiểu học trên địa bàn, nhằm bảo vệ và phát triển di sản Bài chòi trong đời sống cộng đồng một cách bền vững.
Trong giai đoạn 2024-2030, 9 nội dung trọng tâm sẽ được triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi tại TP Hội An, bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về Bài chòi, góp phần lưu giữ và quản lý thông tin di sản một cách khoa học và hiệu quả; tổ chức hằng năm 2 lớp tập huấn về hát dân ca và hô hát Bài chòi, nhằm nâng cao kỹ năng cho cộng đồng và tiếp tục phát triển các CLB tại 13 xã phường; hỗ trợ ban đầu cho các CLB, đội, nhóm Bài chòi bằng cách mua sắm trang thiết bị nhạc cụ, đạo cụ, qua đó giúp duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa tại cộng đồng; tổ chức định kỳ các hội thi, liên hoan, hội diễn về hô hát Bài chòi, tạo sân chơi và cơ hội giao lưu, học hỏi cho người dân, đồng thời quảng bá đến mọi tầng lớp nhân dân; khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng ca từ mới, phong cách diễn xướng, thực hành mới, nhằm làm sống dậy và khẳng định tính sáng tạo, sức sống của di sản.
Định kỳ tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm về dân ca Bài chòi hai năm một lần, khuyến khích sáng tác các tiểu phẩm, kịch dân ca, ca cảnh dân ca, bài hát dân ca để làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật này. Duy trì lớp học dân ca - hô hát Bài chòi hằng năm trong các trường học, truyền dạy nghệ thuật Bài chòi cho học sinh cấp THCS. Các cuộc thi chuyên đề về hát dân ca và hô hát Bài chòi sẽ được tổ chức trong trường học, giúp học sinh có cơ hội thực hành, trải nghiệm và phát huy khả năng sáng tạo, qua đó lan tỏa và phổ biến nghệ thuật Bài chòi trong học đường.
Bên cạnh đó, Bài chòi sẽ được quảng bá rộng rãi thông qua các ấn phẩm và nền tảng trực tuyến, như sách và sách điện tử kể về lịch sử hình thành, nguồn gốc, cũng như cách hô Bài chòi, được trình bày song ngữ Việt - Anh. Đặc biệt, việc thực hiện khóa học điện ảnh về Bài chòi với phụ đề tiếng Anh sẽ giúp giới thiệu di sản văn hóa này đến du khách quốc tế, đồng thời tạo ra các sản phẩm mới nhằm nâng cao giá trị du lịch văn hóa và giới thiệu những nét đẹp độc đáo của Bài chòi ra thế giới.
Cơ hội nghệ thuật dân gian phát triển trong đời sống đương đại
Nghệ thuật Bài chòi đang tìm thấy cơ hội phát triển mạnh mẽ trong đời sống đương đại, đặc biệt là tại Hội An, một thành phố đã chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Được xây dựng trên nền tảng của Đề án “Hội An - Thành phố sáng tạo” giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030, Hội An cam kết đưa nghệ thuật dân gian và thủ công lên tầm cao mới, gắn liền với sự phát triển bền vững và tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Trong đó, sáng kiến “Ươm mầm tài năng sáng tạo trẻ” đã được triển khai với việc mở lớp dạy hát dân ca tại 4 trường THCS trên địa bàn. Những lớp học này không chỉ duy trì thường xuyên mà còn mở rộng đến các khu phố cổ, nơi mà thiếu nhi và du khách có thể tham gia vào các buổi học hát hằng đêm, trải nghiệm và khám phá di sản văn hóa này.
Hội An cũng đã tổ chức thành công Liên hoan hát dân ca và hô hát Bài chòi vào tháng 11.2024, thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị. Hiện nay, Hội An có 4 CLB Bài chòi ở các địa phương như Tân Hiệp, Cẩm Kim, Cẩm Thanh và Cẩm An, góp phần đưa trò chơi dân gian hô hát Bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của hoạt động du lịch đêm phố cổ.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình Hội An chia sẻ, nghệ thuật Bài chòi không chỉ là di sản văn hóa mà còn là sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang sức sống bền bỉ trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương. Bài chòi sẽ tiếp tục gắn bó với văn hóa và kinh tế du lịch Hội An, đồng thời lan tỏa ra các địa phương khác trong tỉnh và rộng hơn nữa, ra cả nước.
Việc Hội An gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã mở ra một cơ hội lớn để khẳng định vị thế và phát triển thương hiệu của mình. Nghệ thuật dân gian, với bản sắc độc đáo, trở thành thế mạnh quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh Hội An là một điểm đến sáng tạo và giàu bản sắc.
Trong tương lai gần, Hội An có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng một đề án riêng về nghệ thuật Bài chòi. Việc đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế, như đã cam kết trong hồ sơ ứng cử, sẽ là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy sự lan tỏa và phát triển bền vững của di sản. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị của nghệ thuật Bài chòi, mà còn tạo đòn bẩy cho sự phát triển công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực khác như du lịch, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn... Đồng thời, thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực cho các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa sáng tạo, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của Hội An trong tương lai.