Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

NGÂN ANH, ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 19.5, chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ về nội dung rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy lưu ý, các đơn vị cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả, thông suốt các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình; đảm bảo không chồng chéo, vướng mắc.

Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 1
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cho thấy còn có một số điểm nghẽn, nội dung tạo băn khoăn, nhất là về  cơ chế, chính sách đặc thù triển khai thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng nhấn mạnh, những vấn đề vướng mắc khi triển khai thực hiện Chương trình rất cần được tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay trong Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã có quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, đó là thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Nghị quyết cũng nêu rõ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại một số điều, khoản của Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18. 01. 2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hồng Liên  cho biết, theo Nghị quyết 114/NQ-CP được Chính phủ ban hành về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 162/2024/2024/QH15 ngày 27.11.2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, ngày 20.5 là thời gian Bộ VHTTDL trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

 Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ VHTTDL đã chủ động, nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành xác định rõ trách nhiệm, nội dung theo nhiệm vụ phân công tại Nghị quyết 162 và Nghị quyết 114, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy lưu ý các đơn vị cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả, thông suốt các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hồng Liên cũng lưu ý: “Thực tiễn cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia luôn có nhiều vướng mắc, khó khăn nảy sinh, làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng công việc.

Vì vậy, các Cục, Vụ, đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù cũng như quy trình thực hiện khi triển khai Chương trình, đảm bảo đạt được các mục tiêu trong từng dự án thành phần. Việc đề xuất cơ chế, chính sách, quy trình thực hiện nhằm đảm bảo khi Chương trình được phê duyệt thì có thể triển khai ngay…”.

Vụ Kế hoạch, Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù dành riêng cho chương trình và có tính tương đồng với cơ chế, chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Song song với việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ cần xây dựng hướng dẫn thực hiện để khi ban hành kế hoạch có thể tổ chức thực hiện ngay, tránh chồng chéo, vướng mắc.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các đối tượng thực hiện chương trình để kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc, thống nhất trong cách hiểu, cách làm, đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình hiệu quả.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Tài chính nêu, một số nội dung, tiêu chí cần được làm rõ như thế nào là tác phẩm đỉnh cao; vai trò điều phối của các cơ quan quản lý Nhà nước như thế nào khi việc triển khai thực hiện chương trình được phân cấp về địa phương; chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ; đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở…

Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 3
Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 4
Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng đã phát biểu nhiều ý kiến, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù tương ứng với từng lĩnh vực. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) chia sẻ, nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện Chương trình, rất nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ như trong lĩnh vực điện ảnh, câu chuyện đầu tư như thế nào cho một tác phẩm đỉnh cao, một kịch bản tốt, hay  cơ chế dành cho quảng bá, tuyên truyền, phát hành và phổ biến phim ra sao… Đây là những vấn đề cần quan tâm nhằm đảm bảo cho ra đời những tác phẩm điện ảnh thực sự chất lượng, thu hút và thúc đẩy các thành phần sáng tạo.

“Có một thực tế cũng rất cần được tháo gỡ bằng các chính sách, cơ chế đặc thù như khắc phục sự xuống cấp trầm trọng của hệ thống rạp chiếu phim tại hầu hết các địa phương; hoặc không gian biểu diễn cũ kỹ, không đảm bảo của các đoàn nghệ thuật ở nhiều tỉnh, thành…

Thực trạng này đặt ra vấn đề cần thay đổi như thế nào để những mục tiêu của Chương trình được triển khai hiệu quả. Vì thế, đây cũng chính là thời điểm, cơ hội để từng lĩnh vực nêu lên những đề xuất thiết thực, cụ thể nhằm tháo gỡ những bất cập”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương bày tỏ.

Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 5
Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 6
Đề xuất cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa - ảnh 7
Lãnh đạo các đơn vị phát biểu tại cuộc họp

Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đề xuất 3 cơ chế đặc thù. Thứ nhất, đề xuất được chỉ định thầu đối với các gói thầu liên quan đến bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.

Thứ hai, đề xuất có cơ chế cho phép sử dụng kinh phí trong việc mua sắm, sưu tầm các đồ dùng, dụng cụ, đặc biệt là các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc để thuận lợi trong bảo tồn giá trị văn hóa.

Thứ ba, đề xuất có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân và những người có uy tín, người đang nắm giữ tri thức văn hóa của đồng bào dân tộc.

Ông Trịnh Ngọc Chung cũng nêu 2 đề xuất bổ sung về nhiệm vụ xây dựng và triển khai mô hình giáo dục trải nghiệm về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và trên nền tảng số; bảo tồn các làng, bản và ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc.

Lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và những nội dung đã trao đổi, khẩn trương tổng hợp các đề xuất, kiến nghị theo nội dung dự án đã được phân công, gửi về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ VHTTDL) để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ vào chiều ngày 20.5.2025, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy lưu ý các đơn vị cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả, thông suốt các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình.