Xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh

TÙNG QUANG; ảnh: PHƯƠNG ANH

VHO - Bộ VHTTDL nghiên cứu, xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.

Xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh - ảnh 1
Toạ đàm tại Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư năm 2024 do Bộ VHTTDL phối hợp Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức

Đó là một trong những nội dung Nghị quyết số 138/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết nêu rõ: Bộ GD&ĐT rà soát khung chương trình đào tạo tại các cấp học để bổ sung nội dung đào tạo về khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong học sinh, sinh viên.

Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trung thực, thanh liêm, có đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có ý thức bảo vệ môi trường;

Thượng tôn pháp luật, có hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng, nâng cao vị thế và hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động, tận tụy giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp trên để xử lý, giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành...

Các hội, hiệp hội ngành, tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp khẩn trương củng cố, nâng cao vai trò, chức năng nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân;

 Nâng cao chất lượng công tác tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách; nâng cao năng lực, tham gia triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân;

Truyền thông nâng cao nhận thức của hội viên về đạo đức, trách nhiệm, văn hóa kinh doanh; thái độ trung thực trong xử lý công việc với cơ quan nhà nước đảm bảo phản ánh đúng bản chất sự việc, không lợi dụng, không làm tha hóa cán bộ, công chức...

Ngoài ra, Bộ VHTTDL  chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; thực hiện cung cấp thông tin về kinh tế tư nhân khách quan, trung thực, đầy đủ;

Cổ vũ, lan tỏa mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khích lệ tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội; xử lý nghiêm và công khai các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nhân.

Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân

Về đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, các bộ, ngành, địa phương quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý", đảm bảo nguyên tắc "nói đi đôi với làm", thống nhất trong toàn hệ thống chính trị"; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, cơ chế "xin - cho", hành vi bảo hộ cục bộ ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; thống nhất trong thực thi chính sách giữa trung ương và địa phương, giữa các Bộ ngành và giữa các địa phương với nhau.