Về con tàu cổ khu vực biển Cẩm An - Hội An:

Đây có thể tàu truyền thống Biển Đông

KHÁNH CHI

VHO - Qua thám sát khảo cổ, giám định mẫu vật, bước đầu cho thấy con tàu cổ được phát hiện tháng 12.2023 ở khu vực ven biển phường Cẩm An, thành phố Hội An có niên đại thế kỷ XIV-XVI (tàu Cẩm An).

Đây là di sản biển cực kỳ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà của khu vực Đông Nam Á, là minh chứng cho lịch sử hàng hải và thương mại sôi động ở Biển Đông.

 Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, khảo sát cũng phát hiện thêm thông tin khá tin cậy về con tàu khác bị đắm ở vùng biển Tân Thành - Cửa Đại, mở ra nhiều cơ hội để tìm kiếm thêm những di tích tàu đắm mới trên vùng này.

Đây có thể tàu truyền thống Biển Đông - ảnh 1
Hiện trường khu vực thân tàu nổi lên tháng 12.2023

Những phát lộ ban đầu

Như Văn Hóa thông tin, ngày 26.12.2023, sóng biển đánh làm xuất lộ một phần tàu gỗ lớn chôn vùi trong lớp cát ở khu vực ven bờ biển Thịnh Mỹ, phường Cẩm An.

Vị trí này hiện nằm trong khu vực công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Đây là con tàu nghi tàu cổ tại khu vực ven biển gần bờ được phát hiện.

UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác thực hiện điều tra, khảo sát khảo cổ học và lấy mẫu phân tích ban đầu về địa điểm phát hiện di vật khu vực ven biển phường Cẩm An làm cơ sở để đánh giá đúng giátrị, hiện trạng, đề xuất các phương án, giải pháp cụ thể và phù hợp về tương lai con tàu Cẩm An.

Khu vực phát hiện con tàu cổ là con dốc rất cao, có con đường đá đỏ (đường cái) được làm từ thời Pháp chạy ven biển hiện tại và đi qua vị trí xuất lộ con tàu rồi chạy dài sang mỏm đất nằm cách vị trícon tàu khoảng 200m về phía Tây Bắc. Khu vực này thuộc đất vườn nhà ông Trùm Đủ.

Do bờ biển sạt lở mạnh vào đất liền, lấn sâu hàng trăm mét nên người dân khu vực này cũng di dời. Lâu ngày do bão lụt, sóng biển đánh, đất cát bị trôi ra biển nên các khúc gỗ xếp hình giống xác tàu mới lộ diện.

Hình dạng này xuất lộ sau khi nước dâng, sóng đánh vào gần bờ. Vào buổi chiều những ngày đầu tháng âm lịch, thủy triều lên sẽ che mất dấu của những cọc gỗ này. Đến thời điểm hiện tại, con tàu đã bị phủ lấp trở lại dưới biển. Con đường đá đỏ cũng được thể hiện rõ trên bản đồ Tourane (năm 1905).

Chồng các lớp bản đồ nhiều thời kỳ, ảnh vệ tinh lên nền Google Earth, cho thấy vị trí con tàu cách mép nước biển khác nhau qua nhiều thời điểm, cùng với ký ức của người dân địa phương cho thấy rõ xu hướng từ thế kỷ XX đến nay biển xâm thực ngày càng mạnh, mặt khác xác nhận vị trí con tàu xưa kia không chỉ nằm sâu dưới đồi cát mà vào thời điểm năm 1905 có thể con tàu cách mép nước khoảng 700m - 800m.

Và vì thế, dù con tàu cổ Cẩm An bị đắm hay bỏ hoang thì thời điểm con tàu bị đắm hay bỏ hoang nhiều khả năng sớm hơn năm 1905, chí ít cũng vài thế kỷ. Cũng theo một số người dân địa phương, khu vực này trước đây là bãi ngang nên có thể có nhiều tàu đắm.

Cũng trong khu vực này, thỉnh thoảng sóng biển đánh cũng làm xuất lộ trên bãi biển nhiều mảnh gốm sứ như tô, chén nguồn gốc Trung Quốc có niên đại khoảng thế kỷ XVIII-XIX.

Do toàn bộ con tàu đã bị chôn vùi trong lớp cát biển nên việc xác định vị trí con tàu mất nhiều thời gian và thực hiện với nhiều phương cách, hình thức như xăm khô, xăm nước, mở rãnh, liên tục gia cố vách bằng các bao kè, bơm rút nước để tránh nước biển tràn vào làm sạt lở vách,…

Đây có thể tàu truyền thống Biển Đông - ảnh 2
Cột vách ngang vách đứng

Kết cấu tàu “độc, lạ”

 

Qua khảo sát, nhiều phát hiện lý thú được phát lộ theo cấu trúc con tàu. Như ở giang, là kết cấu gia cường theo chiều ngang cho tàu, góp phần tạo nên khung xương, kết nối chặt với các ván be nằm bên ngoài tạo thành vỏ tàu thuyền.

Xuất lộ 5 giang thì có 2 giang là kiểu “giang kép”, một giang có mặt cắt ngang thân hình vuông áp sát ván be của thân tàu, tiếp đến là giang có mặt cắt gần hình bán nguyệt.

Đây là một cấu trúc giang rất lạ, chưa từng được ghi nhận trên các con tàu đắm ở vùng biển Đông Nam Á. Tàu Cẩm An tuy chưa xuất lộ đầy đủ, bước đầu nhận diện có 28 giang nên ước tính có thể có 12 khoang.

Bước đầu khảo sát có thể nhận thấy về cấu trúc tàu Cẩm An là tàu truyền thống Biển Đông, là kiểu thuyền buồm tích hợp kỹ nghệ đóng tàu truyền thống của Đông Nam Á với các kỹ nghệ đóng tàu truyền thống của Trung Quốc.

Nhiều khả năng có niên đại giữa thế kỷ XIV-XV đến thế kỷ XVI. Về gỗ cấu tạo tàu, kết quả giám định của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng cho thấy tàu Cẩm An được làm từ ba loại gỗ: Bằng lăng (dùng làm thanh giang); gỗ kiền kiền (ván be) và gỗ thông (boong, vách ngăn khoang).

Thành phần gỗ chế tạo tàu có hai nguồn gốc: Gỗ nhiệt đới (bằng lăng, kiền kiền), gỗ ôn đới (gỗ thông).

Về cấu trúc tàu, giang có kích thước to lớn, dày 11,5–16 cm, rộng 25–31,5 cm, bố trí rất dày hai bên mạn tàu, với khoảng cách không đều từ 35–40 cm. Điều này cho thấy tàu Cẩm An có một cấu trúc khung xương rất chắc chắn.

Ngoài ra, tàu còn có cấu trúc “giang kép” chưa từng được ghi nhận trên các con tàu đắm ở vùng biển Đông Nam Á. Cấu trúc tàu Cẩm An thể hiện một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Đông Nam Á như lô mũi (sống mũi), thuyền có nhiều lớp ván be (ít nhất 2 lớp), ván be bao lô mũi, gỗ nhiệt đới làm cấu trúc chính của vỏ và khung xương thuyền như gỗ bằng lăng (săng lẻ) làm giang và gỗ kiền kiền làm ván be.

Đây có thể tàu truyền thống Biển Đông - ảnh 3
Cấu trúc kiểu “giang kép” Giang làm từ thân cây

Bên cạnh là một số đặc điểm đặc trưng của kết cấu tàu thuyền truyền thống Trung Quốc như vách ngang, sàn sa quạ, đinh sắt, kỹ thuật đóng đinh sắt xiên rìa cạnh ván và dùng gỗ thông làm vách ngang và sa quạ. Với những đặc điểm này cho thấy, thực chất tàu Cẩm An thuộc loại tàu truyền thống Biển Đông.

Về kích thước con tàu, mạn trái đã xuất lộ với 28 giang, nếu 3 giang tạo được mỗi khoang dài lọt lòng 100 cm và sâu lòng nhất có thể khoảng 160 cm thì ước tính ít nhất tàu có 12 khoang, chiều dài hơn 17,8 m.

Tương đương kích thước một số tàu truyền thống Biển Đông niên đại thế kỷ XIV – XV – XVI. Tàu có lô mũi rộng khoảng 35 cm, giang rất to và bố trí dày 2 bên mạn, ván be dày khoảng 7 cm, sàn sa quạ và vách ngang dày 9 cm… các liên kết chặt chẽ giữa ván be với giang, sa quạ và vách ngang cho thấy con tàu có kết cấu rất chắc chắn.

Đến nay, ở vùng biển Đông Nam Á đã phát hiện hơn 20 con tàu đắm được xác định là kiểu tàu truyền thống Biển Đông có niên đại giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.

Tuy còn khác biệt quan điểm về giới hạn niên đại hay thời gian bắt đầu xuất hiện kiểu tàu này vào giữa thế kỷ XIV hay cuối thế kỷ XIV, hay thế kỷ XV song giới hạn niên đại trên hay niên đại muộn nhất của kiểu tàu này ở Đông Nam Á đều dừng ở thế kỷ XVI.

Con tàu Cẩm An có lẽ cũng không nằm ngoài khung niên đại này, nhiều khả năng có niên đại giữa thế kỷ XIV–XV đến thế kỷ XVI.

“Con tàu Cẩm An còn giữ được cấu trúc khá nguyên vẹn mà rất nhiều con tàu truyền thống Biển Đông, truyền thống Đông Nam Á và cả truyền thống Trung Quốc được phát hiện không có được may mắn này”, báo cáo cho biết.

Do vậy, sự tồn tại của tàu Cẩm An không chỉ là minh chứng cho một lịch sử hàng hải phát triển sôi động trước khi tiếp xúc với hàng hải phương Tây mà còn thực sự là “bảo vật” tàu cổ cực kỳ hiếm hoi và quý giá của Việt Nam đến nay còn được bảo tồn khá nguyên vẹn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Đông Nam Á và Đông Á.

Trung tâm Quản lý di sản Hội An cho biết, vì tình hình khách quan nên đến nay chưa có kết quả niên đại C14, do vậy, cần tiếp tục thực hiện phân tích niên đại C14 giúp xác định tuổi chính xác của con tàu Cẩm An trong dòng chảy lịch sử.

Hiện tại chưa phát hiện di vật trong con tàu, song bản thân sự tồn tại của con tàu tương đối nguyên vẹn chính là di sản tàu thuyền quan trọng nhất, độc đáo nhất Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa tại di sản văn hóa thế giới Hội An.

Tuy nhiên, sau hơn một năm được phát hiện, dù đã tiến hành khảo sát, phân tích và chứng minh nhiều giá trị của con tàu này, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể tiến hành được công tác khai quật mà chỉ thực hiện khoanh vùng bảo vệ.

Đến nay con tàu Cẩm An này vẫn đang bị lấp trong biển. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Hội An cho biết, trong điều kiện hiện tại, Trung tâm đề xuất chưa thực hiện công tác khai quật vì công tác bảo tồn, bảo quản hiện vật, phát huy giá trị sau khai quật rất khắt khe, tuân thủ những chuẩn mực khoa học, đòi hỏi rất nhiều điều kiện chuyên môn, nhân lực, vật lực, cơ sở hạ tầng,… thậm chí rất tốn kém.

Với điều kiện thực tế, nếu khai quật xong mà không đảm bảo tốt các công đoạn bảo quản, bảo tồn sẽ dẫn đến hư hại, ảnh hưởng đến di sản khảo cổ học. Thậm chí ảnh hưởng đến việc bảo đảm bảo tồn tính nguyên gốc của di tích dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khoa học.

Về điều này, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cũng cho biết, các cơ quan chuyên môn đều đề xuất chưa thực hiện khai quật tàu cổ Cẩm An vào thời điểm này.

Trước mắt, nên bảo tồn tàu cổ Cẩm An như nguyên trạng, bảo vệ nguyên vẹn dưới lòng biển để tránh bị hư hại, biến dạng bởi tác động của môi trường và con người để khi nào có đủ điều kiện về bảo tồn và phát huy giá trị thì sẽ tái điều tra khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, đưa ra phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp với tính chất và tình trạng bảo quản.

Trong quá trình khảo sát tàu Cẩm An, từ thông tin của người dân và hiện vật tiếp cận được, đoàn khảo sát đã có thêm những nghiên cứu, phát hiện về việc tồn tại một con tàu đắm khác tại vùng biển Hội An, khu vực ven bờ biển Tân Thành - Cửa Đại (gọi tắt tàu Tân Thành - Cửa Đại)…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc