Khai quật địa điểm tàu cổ ven biển Hội An theo 2 giai đoạn

VHO - Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, Sở vừa có văn bản thống nhất phương án khai quật địa điểm phát hiện vật nghi là cổ vật tại khu vực ven biển phường Cẩm An, TP Hội An.

Khai quật địa điểm tàu cổ ven biển Hội An theo 2 giai đoạn - Anh 1

 Xác tàu bị lấp phần thân dưới cát một số trụ, thủ, gian nhô lên xung quanh tàu

Theo đó, thống nhất phương án khai quật khẩn cấp địa điểm phát hiện di vật tại khu vực ven biển phường Cẩm An theo nội dung phương án của UBND TP Hội An, đồng thời đề nghị chỉ đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (Trung tâm) chủ trì, thực hiện, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thực hiện giai đoạn 1 của Phương án: Điều tra khảo cổ học khu vực phát hiện di tích, giám định mẫu vật.

Sau khi xác định loại hình, niên đại, giá trị lịch sử, khoa học và các yếu tố liên quan, đề nghị UBND TP Hội An chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành các thủ tục của giai đoạn tiếp theo. Được biết, Trung tâm là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam và đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí và xây dựng phương án khai quật. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đề xuất phương án khai quật khảo cổ thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện khảo sát khảo cổ học và giám định mẫu vật. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, tùy theo kết quả khảo sát và giám định mẫu sẽ xem xét chuyển sang thực hiện giai đoạn 2. Giai đoạn 2 tiến hành khai quật khảo cổ kết hợp bảo tồn di vật. Phương pháp khai quật là sử dụng cừ Larsen ngăn nước và tiến hành khai quật như trên cạn. Kết hợp song song khai quật khảo cổ và bảo tồn di vật.

Về kinh phí triển thực hiện giai đoạn 1 của phương án khai quật, Sở VHTTDL Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại công văn số 2221/UBND-KGVX. Theo đó, yêu cầu UBND thành phố Hội An bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác đểthực hiện khảo sát khảo cổ học và giám định mẫu vật (giai đoạn 1) theo đúng quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND (ngày 14.10.2022) của HĐND tỉnh về quy định mức chi thực hiện công tác thăm dò, khai quật khảo cổ từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trường hợp dự toán kinh phí thực hiện lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Thời gian này, Trung tâm, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ, gấp rút triển khai các công việc cần thiết đểnhanh chóng thực hiện phương án khai quật khảo cổ hiện vật nghi con tàu. Các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và triển khai công tác bảo vệ địa điểm xuất lộ các hiện vật theo quy định. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, việc tiến hành khảo cổ, khai quật là hết sức quan trọng, cấp thiết đểnhanh chóng đưa hiện vật lên khỏi mặt đất trước khi dự án kè chắn biển Cửa Đại được triển khai đoạn qua khu vực này. Bên cạnh đó, quá trình khai quật nếu phát lộ các hiện vật, dấu vết đi kèm sẽ giúp làm sáng tỏ thêm thông tin, giải mã nguồn gốc, chức năng về con tàu nói trên.

Như Văn Hóa đã thông tin, vào sáng 26.12.2023, người dân phát hiện xác tàu nghi là tàu cổ tại khu vực ven biển phường Cẩm An. Theo quan sát ban đầu, nhiều giả thuyết suy đoán đây có thểxác tàu gỗ thường gọi là ghe bầu, làm từ gỗ mun đen quý hiếm, có buồm, là loại phương tiện mà thương nhân, dân buôn bán xưa dùng đểchở hàng hóa, đồ gốm sứ thời điểm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX từ Hội An đi các nơi và ngược lại.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc