Công an điều tra vụ đào trộm lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

SƠN THÙY

VHO - Trao đổi với phóng viên Văn Hóa ngày 7.1, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị đã làm việc và đề nghị cơ quan công an địa phương vào cuộc điều tra vụ đào trộm tại di tích lăng Trường Thái (phường Long Hồ, quận Phú Xuân).

Công an điều tra vụ đào trộm lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát - ảnh 1
Hiện trường hố đào (khoanh đỏ) tại phía đầu phần mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát, lăng Trường Thái

Đồng thời, đơn vị cũng đã có báo cáo vụ việc đến UBND thành phố Huế để kịp thời có những chỉ đạo liên quan nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm các di tích, lăng mộ trên địa bàn. Lãnh đạo quận Phú Xuân cũng xác nhận đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra, xử lý vụ việc.

Theo ghi nhận của phóng viên tại lăng Trường Thái, nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), đối tượng xấu đã đục phá bê tông để đào một hố (kích thước khoảng 50cm x 60cm) ngay phía đầu huyệt mộ. Hiện trường khu vực đào đã được lấp lại đất đá, và một phần đất đá cũng bị kẻ xấu đưa ra đổ phía sau vòng tường thành bên trong lăng. Ông Tôn Thất Vĩnh, Trưởng hệ 9 của Nguyễn Phúc tộc thông tin, vụ việc được phát hiện vào ngày 5.1 vừa qua khi các thành viên trong Hội đồng Nguyễn Phúc tộc đến dâng hương chúa Nguyễn Phúc Khoát. Lúc này, một nhân viên bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng có mặt và thực hiện quét dọn, vệ sinh khuôn viên lăng nên lộ ra một khoảng hố đã bị đào xới, chưa xác định được độ sâu. Sự việc sau đó được nhanh chóng báo cáo đến Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đơn vị đang được giao quản lý di tích.

Một số người có mặt tại hiện trường phát hiện sự việc nhận định, khả năng hành vi đào trộm diễn ra trong vài ngày trở lại đây vì các dấu vết và đất đá còn rất mới, chưa có dấu hiệu bị tác động bởi thời tiết. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng chỉ đạo Phòng Quản lý bảo vệ tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra ở lăng các chúa Nguyễn và các di tích trong khu vực. Các lăng chúa Nguyễn nằm tập trung trên địa bàn xã Hương Thọ cũ, nay là phường Long Hồ, ở khu vực thượng nguồn sông Hương nên Tổ bảo vệ cụm lăng Gia Long là lực lượng kiêm nhiệm công tác tuần tra bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh ở các lăng chúa Nguyễn.

Theo ông Hoàng Việt Trung, tình trạng đào trộm lăng mộ của các ông hoàng bà chúa được chôn cất ở Huế để tìm vàng bạc, châu báu, đồ tùy tàng có giá trị từng diễn ra từ cách đây khoảng 40 năm. Nhiều năm trở lại đây gần như không còn xảy ra, nên khi phát hiện vụ đào trộm ở khu lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát là chuyện “không bình thường”. Dù với mục đích gì thì hành động này cần lên án, ngăn chặn và điều tra xử lý nghiêm. Những năm qua, ngành văn hóa thành phố Huế cũng thường tổ chức các chương trình hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người được xem là “ông tổ” của áo dài Việt Nam. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh các hoạt động lan tỏa đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, nhiều du khách đã tìm đến di tích lăng Trường Thái để tham quan, dâng hương và tìm hiểu về chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn thứ 8 của xứ Đàng Trong. Một tuyến đường dẫn vào lăng cũng đã được chỉnh trang, xây dựng tạo thuận lợi cho du khách khi đến thăm di tích.

Cùng với di tích lăng Trường Cơ, nơi an nghỉ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, lăng Trường Thái đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện lăng Trường Thái đang bị xuống cấp, hư hại, đặc biệt ở lối bậc cấp, hai vòng tường thành, mũ thành… Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thời gian qua, các lăng chúa Nguyễn chủ yếu được tu bổ, chỉnh trang, sửa chữa nhỏ từ nguồn xã hội hóa. Trung tâm đang cho khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các di tích lăng chúa Nguyễn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho công tác bảo tồn, tu bổ khi có điều kiện… 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc