Chuyện bản quyền
VHO - Có lần, một anh cán bộ bảo tàng ở địa phương thắc mắc vì sao cán bộ, nhân viên khác ở cơ quan lại lấy dữ liệu trong hồ sơ di tích do anh lập để viết những bài theo yêu cầu cơ quan đặt ra.
Anh ta thắc mắc rất căng. Cơ quan không chịu giải quyết, anh ta bèn đưa ra cái chứng nhận đăng ký bản quyền về hồ sơ di tích do một đơn vị dịch vụ bản quyền thụ lý, để chứng minh người khác đã xâm phạm bản quyền của mình.
Anh ta rất hăng nghĩ rằng mình đúng, còn viện dẫn đến công ước này nọ, có lẽ do một “thầy kiện” nào đó mách nước. Người viết thấy bất ngờ bởi sự hiểu biết về quyền tác giả của anh này lại tệ đến thế, mà thái độ lại vô cùng cố chấp.
Anh ta có chấp bút nhưng do cơ quan, đơn vị ra chủ trương, ngân sách bỏ ra để đầu tư lập hồ sơ, phân công anh ta thực hiện với sự tham góp của nhiều người về tư liệu và tham gia ý kiến. Vậy bản quyền có thuộc về anh ta?
Vả chăng, hồ sơ di tích là một hồ sơ hành chính nhà nước, không phải tác phẩm nghệ thuật của một cá nhân nào tự sáng tạo, có thể thuộc về một cá nhân được chăng?
Vậy nhưng đơn vị làm dịch vụ đăng ký quyền tác giả vẫn làm giấy chứng nhận, thật không hiểu nổi. Đó mới chỉ là những tri thức sơ đẳng về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, chưa phải là vấn đề gì sâu xa, phức tạp, mà vẫn xuất hiện những nhận thức sai lệch.
Lại một thực tế khác, trong lĩnh vực khoa học xã hội, một số người nghiên cứu tỏ vẻ bất bình vì mới công bố (đăng phát, xuất bản) những gì do chính mình khám phá, phát hiện, ít lâu sau liền bị một người nào đó “cóp”, sửa đổi câu từ xóa dấu vết, một cách “vô tư” biến thành cái của họ, tất nhiên không ghi viện dẫn lấy ở đâu hay do chính mình phát hiện.
Có người ngán cái cảnh mình đổ bao mồ hôi, tâm não, vượt qua bao gai góc xông lên trước hòng tìm ra cái gì đó mới mẻ, thì có kẻ lẽo đẽo đi sau nhặt đi mất. Có người không muốn khám phá gì nữa. Bảo đi khiếu nại nếu thấy người khác xâm phạm, người ta bảo thôi, đã quá mệt.
Sự xâm phạm bản quyền nguy hại ở chỗ, chính nó là sự bất công, có thể “đánh gục” ý chí khám phá, sáng tạo của người nghiên cứu chân chính, và suy ra nó khiến sự sáng tạo xã hội bị hạn chế, gây thiệt hại rất lớn cho sự nghiệp chung.
Trước kia, khi ta chưa hội nhập quốc tế, tham gia luật chơi của toàn cầu, người ta dễ “du di” khi có nơi này chỗ khác chưa thực hiện đúng về quyền sở hữu trí tuệ.
Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ ra đời và Công ước quốc tế liên quan được phê chuẩn tham gia, việc thực thi pháp luật được đặt lên hàng đầu và có nhiều tiến triển. Nhưng quán tính, tâm lý “xài chùa” vẫn tồn tại ở một số người.
Còn nhớ, khi tập huấn về quyền tác giả cách nay đã lâu, một diễn giả đã phát biểu rằng thực hiện nghiêm túc quyền tác giả về văn học, nghệ thuật đối với tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi dịch từ nước ngoài là cũng để cho sáng tác văn học thiếu nhi trong nước phát triển.
Nghĩa là anh phải xin phép người nắm quyền tác giả, thỏa thuận bằng vật chất, trước khi dịch và xuất bản. Cũng có nghĩa là giá thành sách phải cộng cả tiền bản quyền, nhiều hơn là xuất bản “chui”. Nhưng sao từ ấy lại khiến sáng tác văn học thiếu nhi trong nước phát triển?
Là vì, theo vị diễn giả ấy, giá thành sách dịch cao ắt khiến giới sáng tác trong nước phải ra công sáng tạo để có giá thành hạ hơn. Có nghĩa là anh phải chơi đúng luật, chấp nhận tốn kém để nội lực mạnh mẽ hơn, chứ không thể khác.
Hiện nay Đảng và Nhà nước có chủ trương tạo bước đột phá về khoa học công nghệ, thì quyền sở hữu trí tuệ cũng nên hết sức lưu ý. Kết quả sáng tạo tác phẩm, phát minh, sáng chế như thế nào, và nhà nước sẽ bảo hộ ở mức độ nào.
Quyền tác giả văn học, nghệ thuật, quyền sở hữu khoa học công nghệ trong trường hợp nào thì thuộc về ai phải được xác định. Ai là người xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải xử lý rõ ràng, rành mạch, thích đáng.
Tạo bước đột phá về khoa học công nghệ là chủ trương lớn, nhưng để thực thi hiệu quả, trước tiên phải sửa đổi luật để làm tiền đề, với luật khoa học công nghệ là đương nhiên, nhưng các nhà làm luật cũng nên cân nhắc sửa đổi các luật liên quan, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ.
Hẳn đó là những việc nhà nước đang phải tính toán. Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng tốt, thực thi tốt sẽ tạo điều kiện tốt cho văn học, nghệ thuật và khoa học công nghệ phát triển. Nhược bằng ngược lại, nó sẽ hạn chế các nỗ lực sáng tạo của từng cá nhân và của cả cộng đồng, sự phát triển văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ sẽ khó đạt mức cao.