Chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào thiết chế VHTT

ĐÌNH TOÁN

VHO - Dư âm của Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” vẫn khiến nhiều người hoạt động trong lĩnh vực VHTT tiếp tục suy ngẫm, và mong muốn những vấn đề đã nêu ra được tập trung tháo gỡ, giải quyết.

 Chia sẻ câu chuyện về thiếu quỹ đất, NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho hay, từ năm 2022, nhà hát đón tin vui khi được phê duyệt đề án khai thác mặt bằng theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Thế nhưng, vấn đề khác lại xuất hiện là từ trước tới nay, mặt tiền của Nhà hát Kịch Việt Nam là “mặt hậu” của Nhà hát Lớn Hà Nội, khá hẹp dẫn đến việc cho thuê rất khó.

Chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào thiết chế VHTT - ảnh 1

 Mô hình nhà văn hóa kiêm sinh hoạt cộng đồng thôn 5 xã Mường Lai (Lục Yên, Yên Bái) vừa được khởi công xây dựng (4.2024). Ảnh: T.NGHĨA

Việc quỹ đất thiếu, gây khó trong quá trình khai thác cũng khiến nhà hát gặp khó về thu hút nguồn thu, tạo phúc lợi cho người lao động. “Lãnh đạo nhà hát luôn trăn trở về vấn đề này, vì có thêm thu nhập, phúc lợi, nghệ sĩ, người lao động của nhà hát mới yên tâm cống hiến. Nếu không sớm giải quyết được vấn đề này, nhà hát còn khó thu hút lao động bình thường chứ chưa nói đến thu hút lao động chất lượng cao”, NSND Xuân Bắc cho hay.

Đó cũng là câu chuyện của Hà Nội khi hoạt động của các thiết chế VHTT dù đã có những bước phát triển đáng kể song chưa đạt như kỳ vọng. Vì thiếu quỹ đất, ngay với quận trung tâm Hoàn Kiếm cũng từng rơi vào cảnh nhiều tổ dân phố vì chưa có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng phải đi mượn địa điểm của các cơ quan, trường học, di tích trên địa bàn để tổ chức hoạt động. Ngoài ra ở một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai..., vì kinh tế còn nhiều khó khăn, khó thu hút đầu tư nên nhà văn hóa tại nhiều nơi đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, khó thu hút người dân.

Không gặp nhiều khó khăn về quỹ đất nhưng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) lại gặp vướng mắc về thẩm quyền. Theo đó ngay từ đầu, Làng được xây dựng với mục tiêu trở thành “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia. Do đó, Làng được quy hoạch với 7 khu chức năng, trong đó có 2 khu đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và 5 khu thu hút đầu tư ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên 10 năm qua, “Ngôi nhà chung” vẫn mòn mỏi chờ đầu tư. Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho hay, trong Quyết định số 39/2014/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ có nêu rõ, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được phép chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, cho thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư… Thế nhưng sau này, Luật Đất đai, Luật xây dựng sửa đổi vẫn không có nội dung này. Chưa kể với các dự án thu hút đầu tư vào Làng, nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi nào, tốc độ thu hồi vốn chậm khiến các nhà đầu tư chẳng mấy mặn mà.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD cho biết, vẫn còn tâm lý dè chừng của các nhà đầu tư khi đầu vào các thiết chế VHTT, trong đó có rạp chiếu phim là vì tiền thuế, phí với các rạp chiếu phim hiện đang quá cao. Thậm chí, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) còn đang đề nghị tăng thuế rạp chiếu từ 5% lên 10%. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn về nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên nếu tăng thuế, các doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản thuế rất “nặng”.

Bà Hạnh mong muốn Nhà nước cần có chính sách thuế phù hợp hơn để “rộng đường” cho các doanh nghiệp đầu tư vào các thiết chế VHTT. Đây cũng là mong muốn của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khi đơn vị này phải nộp thuế sử dụng đất rất lớn. Trong khi, việc khai thác các tài sản sẵn có, quy định về huy động nguồn xã hội hóa với các danh mục nhà thi đấu, sân vận động chưa rõ ràng.

Liên quan đến công tác đầu tư cho thiết chế VHTT cần đồng bộ, tránh việc bên ngoài hoành tráng, bên trong “rỗng ruột”. Lấy ví dụ cụ thể, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thúy Ngà cho hay, để tạo nên sức hấp dẫn cho thư viện, bên cạnh đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất bên ngoài, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, cần đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số, trang thiết bị để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận; tạo sức hấp dẫn cho thư viện. Bên cạnh việc chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, giới chuyên gia, các nhà quản lý nhận định cần đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công tư PPP.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức mong muốn tối giản thủ tục đầu tư cho các dự án PPP. Theo các quy định pháp luật hiện hành, ước tính thời gian thực hiện một dự án PPP phải trải qua tối thiểu 5 giai đoạn từ khâu chấp thuận chủ trương, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng cho đến triển khai dự án đầu tư và khai thác, vận hành, quyết toán dự án. Việc thực hiện thủ tục đầu tư thông thường tối thiểu khoảng 3 năm. Điều này cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khuyến khích kêu gọi đầu tư. Trong khi, yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian thực hiện ngắn, sớm đưa công trình vào vận hành, kinh doanh đầu tư, phát triển hoạt động dịch vụ.

Trước những khó khăn, vướng mắc, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ này đã hoàn tất công tác soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151 và đã trình Chính phủ vào tháng 8.2023; tiến hành tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ vào đầu tháng 4.2024 để tham mưu, báo cáo Chính phủ ký ban hành.

Trong đó, nhiều nội dung của Nghị định sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa đang gặp phải; làm rõ về nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết. Hy vọng những khó khăn về chính sách, nguồn lực trong việc phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao sẽ sớm được khắc phục để các thiết chế này phát huy vai trò trong việc nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.