Hết sức tránh mỗi nơi hiểu một kiểu về “thiết chế văn hóa, thể thao”

VÂN SA - NAM ANH - NGỌC TRUNG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tại Hội thảo Văn hóa 2024, nhiều chuyên gia, khoa học, nhà quản lý đã tham gia trình bày các báo cáo, tham luận và tiến hành thảo luận tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Hết sức tránh mỗi nơi hiểu một kiểu về “thiết chế văn hóa, thể thao” - ảnh 1
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý tham gia trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

 Cụ thể, về hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển hệ thống thiết chế VHTT; đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT; đánh giá hiện trạng hệ thống thiết chế VHTT; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế VHTT; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội phát triển thiết chế VHTT, tổ chức bộ máy và nhân sự.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn 2 năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng ta ghi nhận những chuyển biến tích cực ở lĩnh vực văn hóa. Trong đó, việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, từ việc nhận thức chưa đúng và đồng bộ đến tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong chính sách đầu tư để các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó cần thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng cấp; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ... TS Lê Minh Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công tư (PPP) trong quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao là nội dung mới, cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể. Vì vậy, để có góc nhìn toàn diện, đầy đủ nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho các đơn vị sự nghiệp thể thao, cần xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn chung, tổng thể của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các đơn vị sự nghiệp thể thao). Đồng thời, đi sâu phân tích thêm những khó khăn riêng, đặc trưng, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp thể thao để nghiên cứu yêu cầu, điều kiện, khả năng xây dựng chính sách PPP. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ một cách đầy đủ, toàn diện, thích hợp, đồng bộ, hiệu quả cho lĩnh vực này.

Hết sức tránh mỗi nơi hiểu một kiểu về “thiết chế văn hóa, thể thao” - ảnh 2
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, cần làm rõ khái niệm, nội hàm của “thiết chế văn hóa, thể thao” để tránh mỗi nơi hiểu một kiểu. Thứ trưởng lấy ví dụ, sau khi nghiên cứu tham luận của Hà Nội tại Hội thảo, có thể thấy công viên đang được coi là hạ tầng xã hội chứ không phải thiết chế văn hóa. Cá biệt, một số địa phương còn đưa cả trường học, bệnh viện vào danh sách… thiết chế văn hóa, thể thao. “Thiết chế văn hóa, thể thao hiểu theo cách đơn giản là phải có ban quản lý. Trong cách tiếp cận mới hiện nay, công viên vừa là cảnh quan đô thị vừa giữ trong mình những đặc trưng về văn hóa, lịch sử. Công viên còn là nơi tập luyện thể dục, thể thao, tổ chức các sự kiện văn hóa phục vụ người dân. Do đó, tôi nghĩ công viên có thể coi là thiết chế nền để tạo điều kiện phát triển văn hóa cơ sở”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tăng cường phát triển VHTT, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh Bộ VHTTDL rất quan tâm, tạo điều kiện để phát triển thiết chế VHTT tư nhân. Trong đó tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sắp trình Quốc hội, một trong những điểm quan trọng được bổ sung là giải pháp phát triển bảo tàng tư nhân; giảm bớt thủ tục, tiêu chí để thành lập bảo tàng tư nhân. Tạo điều kiện nhưng Luật vẫn sẽ yêu cầu các bảo tàng này phải hoạt động đúng tôn chỉ, tuân thủ quy định của pháp luật. Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc áp dụng cơ chế đầu tư theo hình thức công tư đối với lĩnh vực VHTT nên được áp dụng rộng rãi hơn so với hiện nay. “Chúng ta cần tạo ra sân chơi chung rộng hơn chứ không nên “gói gọn” tại Hà Nội và TP.HCM. Khi doanh nghiệp có nguyện vọng được đầu tư, chúng ta cần có sẵn cơ chế pháp lý để áp dụng. Hiện nay, có vướng mắc về quy định cần được tháo gỡ sớm là nội dung về VHTT chưa được quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, các ý kiến tham luận, thảo luận rất trách nhiệm, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn cao; nội dung trao đổi toàn diện các vấn đề liên quan đến chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. “Sau hội thảo, BTC sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung Hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan”, ông Mẫn cho biết. 

 Cần được đầu tư đúng mức, với nguồn ngân sách lớn

Hết sức tránh mỗi nơi hiểu một kiểu về “thiết chế văn hóa, thể thao” - ảnh 3

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhìn nhận, bên cạnh kết quả mà TP.HCM đã đạt được, sự phát triển của các thiết chế VHTT vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, xã hội. TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, tuy nhiên sự phát triển của các công trình văn hóa vàthể thao còn rất hạn chế (khoảng 1,5 công trình/vạn dân). Tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường.

Hầu hết cơ sở vật chất của ngành chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn. Một số nơi tận dụng công trình sẵn cónên quy mô, kiến trúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng... “Trước yêu cầu thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế, việc đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT không chỉ đơn thuần lànhững công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại để tích hợp các hoạt động VHTT, dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, kích cầu đầu tư, phát triển du lịch... Do đó, các thiết chế này cần được đầu tư đúng mức, với nguồn ngân sách rất lớn mới đảm bảo được yêu cầu phát triển toàn diện của thời đại”, ông Dương Anh Đức nêu .