“Chân lấm tay bùn” làm giàu giữa lòng di sản thế giới

VH- Nằm quanh khu vực vùng đệm di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, cuộc sống của những người dân địa phương nơi đây đã có nhiều khởi sắc khi họ bắt đầu chú trọng vào ngành “công nghiệp không khói”.

Mặc dù mỗi người đều có những hoài bão và hướng đi riêng song họ vẫn đang từng ngày góp phần lưu giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống của quê hương.

Nằm giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) là điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Khi đến trung tâm của xã miền núi này, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng với những nhà hàng, quán cafe, quán ăn… được thiết kế độc đáo với khung cảnh yên bình, hài hòa mang đậm nét làng quê. Chủ nhân của những nhà hàng, quán cafe ấy là những người mang đầy tâm huyết, sự sáng tạo, năng động của tuổi trẻ.

“Chân lấm tay bùn” làm giàu giữa lòng di sản thế giới - Anh 1

 Nhà hàng, quán café được thiết kế với không gian mang nét thôn quê

Lưu giữ nét văn hóa ẩm thực địa phương

Sau cuộc hành trình dài khám phá hang động, tìm hiểu mảnh đất, con người, văn hóa nơi đây, bạn có thể nghỉ chân thư giãn trong không gian mộc mạc, yên bình được trang trí bằng những khóm trúc, bụi chuối, những sản phẩm từ chất liệu tre và thả lỏng mình ngắm những bức tranh làng quê bình dị, yên ả hay thưởng thức những món ăn dân dã, mang đậm hương vị ẩm thực Việt Nam.

Lantern Vietnamese Restaurant là một trong những nhà hàng khá nổi tiếng ở xã Sơn Trạch. Nhà hàng thu hút du khách không chỉ bởi không gian ấm cúng mà còn có thực đơn phong phú với những món ăn dân dã, đồng quê. Anh Đinh Anh Tuấn (sinh năm 1985, thôn Xuân Tiến) chủ nhà hàng chia sẻ: “Sơn Trạch là vùng đất mà thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tôi đã ấp ủ trong mình bao dự định, kế hoạch để khởi nghiệp ngay trên mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên. Vì vậy, với số vốn trong những năm đi xuất khẩu lao động nước ngoài cùng những kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn, nhà hàng sau khi về nước, tôi đã mạnh dạn đầu tư để biến những ý tưởng, dự định của mình thành hiện thực”.

Năm 2014, vợ chồng anh Tuấn mở một quán ăn nhỏ phục vụ khách du lịch. Dần dần, quán của anh chị đã thu hút được số lượng lớn du khách. Sau gần một năm hoạt động, anh Tuấn nhận thấy những vị khách đến quán phần lớn là khách nước ngoài và họ rất thích được thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương. Chính vì vậy, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô, xây dựng nhà hàng và chú trọng đến những món ăn mang đậm hương vị quê hương, đây cũng là cách để anh lưu giữ sự tinh túy, nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của địa phương.

Đến với Lantern Vietnamese Restaurant du khách sẽ được thưởng thức món cá lóc đồng vàng ươm hòa cùng vị cay nồng của chén mắm gừng, món cá trắm sông Son sốt cà với hương vị thơm ngon, đậm đà hay những quả cà pháo giòn rụm bên bát cơm trắng nóng hổi… Một điều khá đặc biệt nữa là du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tham gia lớp học nấu ăn do nhân viên nhà hàng hướng dẫn. Tại đây, du khách sẽ được đi chợ quê và tự tay chọn những sản vật địa phương để chế biến món ăn. Đây là cách làm hiệu quả để khách du lịch hiểu hơn vềvăn hóa ẩm thực địa phương cũng như cuộc sống thường ngày của người dân bản địa qua các phiên chợ.

Ngoài ra, anh Tuấn còn sử dụng trang TripAdvisor (trang web du lịch lớn nhất thế giới, với hàng triệu khách du lịch truy cập để tìm hiểu thông tin, lập kế hoạch cho chuyến đi và để người sử dụng bình chọn, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch) như là một cầu nối trao đổi thông tin du lịch với mọi người trên toàn thế giới và xem những phản hồi của du khách là những lời khích lệ, góp ý giúp nhà hàng ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt. Chị Maddie, một du khách đến từ nước Anh vui vẻ cho biết: “Những món ăn ở nhà hàng rất ngon, mọi người vui vẻ, thân thiện. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất tuyệt khi tự mình nấu những món ăn của đất nước các bạn”.

Giữ hồn quê để bảo tồn di sản

Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những cảnh quan hùng vĩ, đẹp huyền ảo và bí ẩn nên lượng khách du lịch đến với Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng đông, bởi thế không chỉ những người trẻ mà những người nông dân trên vùng quê sơn cước này cũng mạnh dạn “xắn tay” làm du lịch. Là một địa phương sớm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, hiện xã Sơn Trạch có khoảng 30 mô hình homestay (lưu trú tại nhà dân). Bên cạnh những homestay được xây dựng quy mô, hiện đại với số vốn đầu tư lớn thì một số người nông dân nơi đây lại chọn cho mình lối đi riêng.

Những người nông dân ấy đã biết khai thác những lợi thế địa phương và xây dựng những mô hình homestay rất đỗi bình dị như chính con người họ vậy. Những nét giản dị, mộc mạc của một làng quê như được gói trọn, lưu giữ trong những mô hình homestay và đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với không ít du khách. Cùng với việc được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của những người nông dân, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như đạp xe đạp, tắm sông, câu cá… Qua đó, khách du lịch sẽ hiểu hơn vềcuộc sống cũng như văn hóa của người dân bản địa.

Nép mình bên dòng sông Son thơ mộng, phía trước là những dãy lèn đá cao, Behome Homestay (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch) là địa điểm lý tưởng cho những du khách thích đắm mình trong không gian yên bình của chốn thôn quê. Sau 3 năm hoạt động, hiện cơ sở du lịch của vợ chồng anh nông dân Trần Đức Minh (43 tuổi) là chốn nghỉ chân của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế với khoảng 6 lượt khách/ ngày. Năm căn phòng của Behome Homestay được thiết kế từ những ngôi nhà cột với mái ngói rêu phong ẩn mình sau những tán lá cây. Nơi đây được trang trí đơn giản, tỉ mỉ nhưng cũng không kém phần tinh tế bằng những vật dụng rất đỗi gần gũi như chiếc chõng tre, đèn măng sông, những cái chum, cái vại, cái nơm, cái oi, gáo dừa, cái thúng, cái mẹt… Du khách đến đây không chỉ tận hưởng không gian của làng quê yên ả với tiếng gà gáy sớm mà còn cùng gia đình anh chị đi làm đồng và quây quần bên mâm cơm gia đình khi trời vừa chập choạng tối.

Chị Trần Thùy Linh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng gia đình đến Quảng Bình. Quả thực, tôi thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp tráng lệ, đầy bí ẩn của động Phong Nha, động Thiên Đường và cũng rất ấn tượng với phong cảnh nơi đây. Kết thúc chuyến tham quan, tôi sẽ mua khoai deo - sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình vềlàm quà cho người thân, bạn bè đồng nghiệp”. 

 LỆ MINH

Ý kiến bạn đọc