Chấn chỉnh hoạt động làm sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
VHO - Liên quan đến hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa diễn ra tại Đại học Nghệ thuật Huế, thực hiện Công văn 2973/BVHTTDL- DSVH của Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh/thành phố về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, sự việc cần làm rõ để bảo đảm hoạt động tuyên truyền, quảng bá, lan toả sức sống của di sản văn hoá phi vật thể trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thực hành di sản.
Hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng thuộc di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra tối 2.8, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam đã làm sai lệch di sản
Tránh gây bức xúc vì làm sai lệch di sản
Hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng thuộc di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa diễn ra tối 2.8, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với đơn vị Engaging With Vietnam và Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức.
Theo thông tin phản ánh từ báo chí và một số nghệ nhân, cộng đồng chủ thể di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tại sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam đã diễn ra hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Được biết, những hoạt động này do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện.
Ngay sau những thông tin này, Cục Di sản văn hóa đã ban hành công văn gửi Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế để yêu cầu làm rõ sự việc và có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Những quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO và những nguyên tắc đạo đức bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đều cho thấy, hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Huế vừa qua, dù không cố ý nhưng đã làm sai lệch di sản. Một trong những nguyên tắc về bảo vệ di sản, tránh những biến tướng đã nhiều lần được Bộ VHTTDL nhắc nhở các địa phương và cộng đồng sở hữu di sản là chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố…
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các nghệ nhân đã đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản. Điều này có thể gây bức xúc trong cộng đồng chủ thể di sản cũng như nghệ nhân nắm giữ di sản.
Hiểu đúng nguyên tắc để thực hành đúng di sản
Ngày 1.12.2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO, trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các tỉnh/thành phố phối hợp triển khai thực hiện những nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Công văn 618/BVHTTDL-DSVH ngày 12.2.2018 do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký về việc chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong thực hành di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt cũng nhấn mạnh, cần ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.
Tiếp đó, Công văn số 3094/BVHTTDL- DSVH ngày 26.8.2021 được Bộ VHTTDL gửi UBND các tỉnh/thành phố có di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào các danh sách của UNESCO về việc tăng cường quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.
Mới đây, ngày 21.7.2023, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký công văn 2973/BVHTTDL- DSVH gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Nhờ vậy, thời gian qua, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các danh sách của UNESCO cơ bản đã tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về di sản văn hóa, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và cam kết của Việt Nam đối với UNESCO, đạt được những kết quả tích cực.
Đặc biệt, với di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Bộ VHTTDL và các tỉnh/thành phố cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về giá trị di sản trong cộng đồng, giúp cho di sản được bảo vệ, thực hành tốt hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức chưa đúng, chưa đủ đã dẫn đến nhiều trường hợp người thực hành di sản làm sai lệch di sản. Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn đang đứng trước nguy cơ bị trục lợi, biến tướng. Tại một số địa phương vẫn diễn ra những hoạt động hầu đồng không đúng bản chất, không gian thực hành của di sản.
Nâng cao nhận thức về di sản
Thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ di sản cũng như những định hướng, chấn chỉnh thường xuyên, kịp thời của Bộ VHTTDL, nhiều tỉnh/thành phố trong thời gian qua đã tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Có thể kể đến các địa phương như Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Bình, Bình Phước, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu...
Công văn 2973/BVHTTDL- DSVH vừa được ban hành tiếp tục nêu rõ, dù đã có nhiều chuyển biến song hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh và trong Danh mục quốc gia vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, thậm chí có xu hướng gia tăng và được thực hiện bởi một số NNƯT.
Một số nơi, việc tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Hệ quả của những hiện tượng này được nhìn thấy rất rõ ràng. Bởi thực hành sai lệch dẫn tới biến đổi giá trị di sản sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể bị UNESCO xem xét, rút danh hiệu.
Trong bối cảnh này, giải pháp quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị và những nguyên tắc thực hành di sản. Bộ VHTTDL nhắc nhở các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh đối với các nghệ nhân, người thực hành, đặc biệt là nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước đối với việc tham gia vào các hoạt động làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản. Bởi, hơn ai hết, các nghệ nhân chính là người nắm giữ hồn cốt di sản, cần nâng cao vai trò truyền dạy, nêu gương, thực hành đúng để gìn giữ di sản.
Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh/thành phố phối hợp, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng triển khai hiệu quả các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với UNESCO đối với các di sản được đưa vào các Danh sách của UNESCO, cũng như các biện pháp bảo vệ được ghi trong hồ sơ khoa học đối với các di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng cần được tăng cường là công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi trái pháp luật, làm sai lệch giá trị di sản.
Trên thực tế, cộng đồng nắm giữ các di sản vẫn bức xúc trước những hành vi thực hành di sản không đúng với bản chất, tính chất truyền thống của di sản; thay đổi, bổ sung các yếu tố mới và biểu diễn di sản mà không có sự đồng thuận của cộng đồng; đưa di sản ra trình diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản; lợi dụng danh hiệu di sản để tổ chức các sự kiện hội họp, giới thiệu, tập huấn về di sản mà không có sự hiểu biết đầy đủ của cộng đồng, không đúng với tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.
Truyền tải đúng bản chất, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể
Bộ VHTTDL cũng đang xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dự thảo Nghị định nêu nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể, nhấn mạnh: bảo đảm quyền thực hành di sản văn hóa phi vật thể của chủ thể; giữ gìn các giá trị, biểu đạt, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, vật thể và không gian liên quan của di sản văn hóa phi vật thể; bảo đảm tính chỉnh thể và liên tục thực hành của di sản; bảo đảm thể hiện, truyền tải đúng bản chất, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Điều chỉnh hoặc loại bỏ: các thực hành di sản văn hóa phi vật thể tạo ra xung đột, mâu thuẫn trong chính cộng đồng đó hoặc với cộng đồng lân cận; thực hành sai lệch hoặc truyền tải không đúng giá trị, bản chất của di sản văn hóa phi vật thể; các thực hành không vì sự phát triển bền vững...
HÀ PHƯƠNG