Chậm quy hoạch bảo vệ, di sản vịnh Hạ Long sẽ bị "trả giá"

VHO- Mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, xã hội là câu chuyện dài, nhiều tập và đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có những lời giải thỏa đáng. Áp lực phát triển đô thị, tạo ra diện mạo mới, hấp dẫn du khách, với một bên phải “căng sức” bảo vệ các khu vực thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long khỏi bị xâm phạm, đang là vấn đề cấp thiết, rất cần được tập trung giải quyết, nếu không sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Chậm quy hoạch bảo vệ, di sản vịnh Hạ Long sẽ bị

 Hiện trường đổ đất đá trực tiếp xuống biển tại dự án Khu đô thị 10B. Ảnh: VĂN TRƯỜNG

 Dự án khu đô thị 10B được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả với tổng diện tích 31,82 ha, trong đó có 12,19% diện tích nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long, đang được dư luận báo chí quan tâm; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, báo cáo, đang dấy lên nỗi lo ngại về bảo vệ danh hiệu di sản. Vì thế, theo nhiều chuyên gia, nếu chậm có một quy hoạch mới về việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản được cấp thẩm quyền phê duyệt, danh thắng vịnh Hạ Long sẽ bị “trả giá” đắt trong tương lai…

Nhà dân cũng nằm trong vùng đệm di sản

Theo mô tả của tỉnh Quảng Ninh, hiện trạng khu vực thực hiện dự án khu đô thị 10B là đất bằng ven núi, đất mặt nước, đất bờ đầm, bờ thửa, đất đồi núi, đất taluy, phần lớn là đất bãi triều ngập mặn, không có dân cư, không có công trình kiến trúc quốc gia và di tích lịch sử, an ninh quốc phòng; không có đất dành cho du lịch. Khu vực đề xuất thực hiện dự án nằm ở hạ lưu suối Lộ Phong, giáp ranh với TP Hạ Long, thường xuyên bị ứ đọng bùn đất khi mưa bão, gây mất mỹ quan khu vực giáp ranh vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Một phần diện tích của dự án này là vùng đệm của di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Sở dĩ việc triển khai dự án khu đô thị 10B bị báo chí phản ánh, dư luận bức xúc không chỉ vì đơn vị thi công đổ đất đá trực tiếp xuống biển không có biện pháp kè vây chắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái, mà dự án có một phần diện tích nằm trong vùng đệm (khu vực bảo vệ 2) di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Nhìn những cảnh tượng đơn vị thi công đổ đất đá làm đường công vụ phục vụ cho dự án, dường như ai cũng cảm thấy vùng đệm của danh thắng đã bị xâm phạm nghiêm trọng, những hòn núi đá thiên nhiên bị quây thành “hòn non bộ”, gây ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di sản vịnh Hạ Long. Hiện vụ việc đang được Đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý. Nhưng cũng từ vụ việc này, và nói rộng hơn là toàn bộ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vùng đệm bảo vệ di sản có phạm vi như thế nào, đồng thời đang đối diện với những vấn đề gì?

Vừa qua chúng tôi sang Hòn Gai và có mặt ở đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long. Bên ly cà phê với một nhà nghiên cứu di sản địa phương, câu chuyện lại xoay quanh chủ đề bảo vệ di sản vịnh Hạ Long, tâm điểm vẫn là dự án xây dựng khu đô thị 10B. Nhà nghiên cứu này tiết lộ, “nếu dư luận cho rằng dự án đó xâm phạm vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long, đe dọa đến tính toàn vẹn, chân xác của di sản, thì nơi chúng ta đang ngồi cũng là vùng đệm của di sản. Tòa nhà Bảo tàng Quảng Ninh được du khách ưa thích đang nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long. Còn nói rộng hơn, một phần diện tích rất lớn của các khu dân cư hiện trạng, đồi núi, các công trình văn hoá, chính trị, an ninh, quốc phòng… và phần lớn diện tích giáp biển của TP Hạ Long đều nằm trong ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long. Trong số này có cả những khu vực dân cư đã hình thành trước năm 1994, thời điểm vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới”. Còn theo đại diện Ban Quản lý vịnh Hạ Long, vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới sang cả khu vực Cát Bà của Hải Phòng. Riêng tại Hạ Long, toàn bộ khu vực nằm phía ngoài quốc lộ 18 ra tới bờ biển, đảo Tuần Châu, khu đô thị Hùng Thắng…, đều nằm trong vùng đệm di sản.

Vùng đệm bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long trải dài trên một phạm vi rộng, có địa hình phức tạp đan xen, vì vậy trước áp lực phát triển đô thị nhưng lại phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước Di sản Thế giới, cho nên đã, đang đặt ra hàng loạt bài toán cần có hướng giải quyết. Được biết, nhiều lần cử tri và tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với cơ quan Bộ, ngành có thẩm quyền cần điều chỉnh vùng đệm di sản vịnh Hạ Long theo hướng giảm diện tích nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề không hề đơn giản, bởi vịnh Hạ Long đã ba lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994, 2000 và 2023), nằm trong Danh sách Di sản thế giới, vì thế việc xác định lại ranh giới vùng đệm của di sản này không còn là chuyện của riêng Quảng Ninh, Bộ, ngành mà còn phụ thuộc nhiều vào tổ chức UNESCO.

Chậm quy hoạch bảo vệ, di sản vịnh Hạ Long sẽ bị

 Chiểu theo Biên bản khoanh vùng bảo vệ, công trình Bảo tàng Quảng Ninh... cũng đã nằm trong khu vực vùng đệm di sản vịnh Hạ Long

Vẫn chưa hoàn thiện Nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ di sản vịnh Hạ Long

Một chuyên gia về di sản cho biết, khi chúng ta đã tham gia vào “luật chơi” của thế giới thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, nghĩa là phải “chịu chơi”, không được phép “chơi chịu”. Nếu cố tình lách luật, ồ ạt xây dựng không theo quy định, quy hoạch bảo vệ, phát huy di sản, đe dọa đến cảnh quan gốc vịnh Hạ Long, một trong những giá trị riêng có của di sản, thì UNESCO sẽ “thổi còi” bằng cách đưa ra những khuyến nghị. Và khi đó danh hiệu của di sản sẽ bị đe dọa.

Còn nhớ, ngày 3.6.2022, Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO) có công hàm gửi quốc gia thành viên đề nghị giải trình về các dự án lớn ven biển TP Hạ Long với nội dung Trung tâm Di sản Thế giới được bên thứ ba thông tin về một số công trình và cơ sở giải trí lớn xây dựng ven biển Hạ Long, làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Việc xây dựng các công trình quy mô lớn trên dải đất ven biển và san đồi để xây dựng các tòa nhà cao tầng được cho là đã phá hủy một phần cảnh quan gốc, tác động tiêu cực đến tính toàn vẹn, đồng thời gia tăng áp lực đối với việc bảo tồn thiên nhiên của di sản. Do đó, việc quản lý, bảo vệ, cũng như xây dựng các công trình tại vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long cần nghiên cứu, tiến hành thận trọng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, quy hoạch bảo tồn di sản và Công ước di sản thế giới. Cũng theo vị chuyên gia về di sản, theo Khoản 107 của bản Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới, những điều chỉnh hoặc hình thành vùng đệm sau khi đã ghi danh di sản vào Danh sách Di sản thế giới cần có sự chấp thuận của Ủy ban Di sản Thế giới theo quy trình áp dụng cho thay đổi ranh giới nhỏ. Việc xác định và hình thành vùng đệm sau khi di sản được công nhận có thể coi như là thay đổi nhỏ về ranh giới.

Chậm quy hoạch bảo vệ, di sản vịnh Hạ Long sẽ bị

 Theo chỉ giới khoanh vùng bảo vệ, khu vực 2 (khu vực đệm) của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được trải dài trên phạm vi rất rộng. Trong ảnh: Đường ven biển TP Hạ Long - Cẩm Phả cũng nằm trong khu vực vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: T.L

Dẫn ra những vấn đề trên để thấy rằng, nếu chậm có một quy hoạch mới về bảo vệ, bảo tồn di sản vịnh Hạ Long, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng xâm phạm vùng đệm. Mới đây, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc góp ý Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch và phạm vi lập quy hoạch, Bộ VHTTDL cho biết dự thảo Nhiệm vụ lập quy hoạch đề xuất 5 phương án xác định phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch, trong đó lựa chọn Phương án C (Di sản toàn vẹn, đô thị cộng sinh). Theo đó, phạm vi nghiên cứu bao gồm khu di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm và phụ cận, cùng với các khu vực có liên quan đến môi trường sinh thủy, kết nối đô thị thuộc các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng) tổng diện tích khoảng 1.553 km2.

Phạm vi lập quy hoạch theo ranh giới khu di sản (khu vực bảo vệ I) với tổng diện tích 434 km2 cùng các khu vực có vai trò tương tác phát triển, hạ tầng kết nối hướng tiếp cận khu di sản, các khu vực hạt nhân phát triển thương hiệu di sản vịnh Hạ Long thuộc vùng đệm (306,5 km2) và phụ cận tổng diện tích khoảng 740,5 km2. Bộ VHTTDL cho rằng, phương án này có nhiều ưu điểm, khả thi, đồng thời bảo đảm tính bền vững và tính toàn vẹn của di sản, tuy nhiên cần rà soát diện tích nghiên cứu lập quy hoạch, diện tích quy hoạch và các chỉ tiêu sử dụng đất khu vực danh thắng vịnh Hạ Long, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch không chồng lấn sang địa giới hành chính của thành phố Hải Phòng, phù hợp các quy định của công ước quốc tế và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong đó xác định rõ khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực có thể cho phép các hoạt động đầu tư, xây dựng theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra Bộ cũng đề nghị cần làm rõ vai trò của khu vực di sản và vùng đệm trong Nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó khu vực di sản chứa đựng các giá trị của di sản cần được bảo tồn nguyên vẹn, vùng đệm là vùng bảo vệ di sản và phát triển sinh kế của người dân; đảm bảo được việc tiếp cận của người dân đối với biển không những về mặt kinh tế, mà cả về mặt bảo tồn truyền thống văn hoá; chú ý đến “hoạt động du lịch và bảo tồn phải có lợi cho cộng đồng chủ nhân”… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện việc xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp thầm quyền xem xét, phê duyệt.

Ngày 6.11 vừa qua, Bộ VHTTDL tiếp tục có văn bản gửi tỉnh Quảng Ninh, trong đó đề nghị tỉnh “khẩn trương hoàn thiện Nhiệm vụ lập quy hoạch để Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất”. Chính vì lẽ đó, nếu sớm có quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những xung đột hay mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nơi đây sẽ phần nào được giải quyết. 

 Cần làm rõ vai trò của khu vực di sản và vùng đệm trong Nhiệm vụ lập quy hoạch, trong đó khu vực di sản chứa đựng các giá trị của di sản cần được bảo tồn nguyên vẹn, vùng đệm là vùng bảo vệ di sản và phát triển sinh kế của người dân; đảm bảo được việc tiếp cận của người dân đối với biển không những về mặt kinh tế, mà cả về mặt bảo tồn truyền thống văn hoá; chú ý đến “hoạt động du lịch và bảo tồn phải có lợi cho cộng đồng chủ nhân”…

(Trích văn bản góp ý của Bộ VHTTDL)

 

LÂM SƠN

Ý kiến bạn đọc