Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Bảo tàng Cà Mau 26 năm vẫn nằm trên giấy

VHO- Như Văn Hóa đã có loạt bài về tình trạng gần 66.000 hiện vật quý hiếm ở Cà Mau không có nhà bảo tàng để bảo quản, trưng bày nhằm giữ gìn, phát huy giá trị các di sản, do đó cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để đầu tư cho công trình này nói riêng, cũng như nhiều công trình, thiết chế văn hóa nói chung trong cả nước.

Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Bảo tàng Cà Mau 26 năm vẫn nằm trên giấy - Anh 1

 Nhân viên Bảo tàng thực hiện kiểm kê một kho lưu trữ hiện vật gốm, nhựa,…

Sau phản ánh của Văn Hóa, mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về công tác lưu trữ, bảo quản cổ vật, tư liệu lịch sử tại bảo tàng tỉnh này. UBND tỉnh khẳng định, việc phát huy giá trị các hiện vật, cổ vật, tư liệu lịch sử quý hiếm đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế do tỉnh chưa có nhà bảo tàng… Từ thực trạng đó, UBND tỉnh đã đề xuất với Phó Thủ tướng xem xét hỗ trợ tỉnh về nguồn vốn để công trình nhà bảo tàng sớm được triển khai thực hiện.

Trụ sở tạm bợ, kho bảo quản chỉ tạm thời

Bảo tàng tỉnh Cà Mau thành lập từ năm 1997, được bố trí trụ sở làm việc tại số1AB, đường Lý Văn Lâm, phường 1, TP Cà Mau (sử dụng lại từ trụ sở Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Đào tạo giới thiệu việc làm trực thuộc Hội LHPN) theo Quyết định ngày 11.8.2021 của UBND tỉnh Cà Mau. Trụsở này xây dựng từ nhiều năm trước, hiện đã xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Đối với kho bảo quản hiện vật, đây là một dãy nhà liền kề với 5 kho, được xây dựng tạm và đặt tại khuôn viên Khu Tưởng niệm Chủ tịch HồChí Minh, có bảo vệ mục tiêu trực liên tục 24/7. Hiện, tổng số hiện vật, cổ vật, tư liệu lịch sử bằng các chất liệu khác nhau được lưu trữ tại đây lên đến 65.900 hiện vật. Trong đócó3 kho cổ vật đã thu được trên tàu đắm Biển Đông năm 1998; có một kho chứa hiện vật còn dư sau bán đấu giá; một kho đã xử lý chuyên môn (phân loại, đánh sốvà đang kiểm kê đưa vào phần mềm quản lý hiện vật); 2 kho hiện vật gỗ và kim loại; một kho hiện vật gốm Nam Bộ các chủng loại; một kho bảo quản xương cá Voi; một kho là hiện vật nông cụ, ngư cụ được sưu tầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau; một kho quản lý phim ảnh, hình ảnh, tài liệu lịch sử…

Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Bảo tàng Cà Mau 26 năm vẫn nằm trên giấy - Anh 2

 Một kho trưng bày hiện vật của Bảo tàng

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, hệ thống kho hiện tại được xây dựng tạm thời, tuy được trang bị một số thiết bị như máy lạnh, máy hút ẩm… nhưng công suất nhỏ chỉ có thể đáp ứng trong giai đoạn hiện nay. Hiện, các kho chưa có hệ thống lọc bụi, không gian còn hẹp gây khó khăn cho công tác bảo quản. Với số lượng hiện vật được sưu tầm hằng năm (sưu tầm theo Đề cương chính trị đã được UBND tỉnh phê duyệt), lũy kế thường niên khá lớn nhưng hệ thống kho bảo quản không tăng nên dự kiến sẽ thiếu không gian lưu giữ, bảo quản hiện vật trong thời gian tới. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Lê Minh Sơn tâm tư: “Cà Mau là một trong số ít các tỉnh vẫn chưa có công trình bảo tàng. Kho bảo quản hiện vật được cải tạo từ các phòng cũ của công viên văn hóa tỉnh trước đây. Thực tế, kho hiện vật chỉ có chức năng lưu giữ, bảo quản, kiểm kê hoặc phục vụcông tác nghiên cứu hiện vật. Do vậy công tác trưng bày, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử từ hiện vật đến người dân địa phương và du khách rất hạn chế. Do điều kiện chưa có nhà bảo tàng như vậy nên đơn vị thực hiện trưng bày rất ít, với một số chuyên đề nhất định, hoặc trưng bày lưu động, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách và tiềm năng hiện có của bảo tàng”.

 Cà Mau là tỉnh nghèo, ngân sách còn rất hạn hẹp. Chúng tôi mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn mới được ban hành để có sự hỗ trợ từ Chương trình đối với văn hóa vùng đất nơi cực Nam của Tổ quốc và nhiều địa phương khác. Mong mỏi là vậy nhưng chúng tôi biết sẽ còn lâu lắm…

(Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau TRẦN HIẾU HÙNG)

Mong mỏi có được nhà bảo tàng

Được biết, dự án xây dựng công trình Bảo tàng Cà Mau đã được tỉnh lên kế hoạch từ lâu nhưng lại bị trì hoãn nhiều lần. Từ khoảng năm 2012, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thậm chí đã có cuộc thi thiết kế công trình nhà bảo tàng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như vướng quy hoạch đất đai, đặc biệt là kinh phí thực hiện nên tới nay vẫn chưa triển khai được.

Những năm qua, kinh phí thực hiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia. Do nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động này nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đối với công trình Bảo tàng tỉnh Cà Mau, với sự “kêu cứu” từ ngành Văn hóa tỉnh cũng như sự đồng hành của cơ quan truyền thông thời gian qua, dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh CàMau đang có những dấu hiệu khởi động bước đầu, thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Mới đây nhất, ngày 20.9.2023, Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau và Sở KH&ĐT về đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Cà Mau. Theo đó, dự kiến tổng mức đầu tư dự án là trên 180 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV năm 2023 đến năm 2027.

 Với góc độ của người làm công tác trong lĩnh vực di sản, tôi thiết tha có nguồn lực cụ thể thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Qua Chương trình này, để cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong việc trùng tu, tôn tạo di tích; phát triển các di sản văn hóa trên địa bàn các tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa như Cà Mau, nơi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn.

Còn bây giờ cứ trông chờ từ nguồn ngân sách của tỉnh thì thực sự rất khó khăn.

(Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau LÊ MINH SƠN)

Theo Sở Xây dựng, việc đầu tư Dự án Bảo tàng tỉnh Cà Mau nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đểphục vụ trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, sưu tầm, bảo quản hiện vật, cổ vật, tư liệu lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Công trình là nơi để người dân tham quan tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển qua các thời kỳ của tỉnh nhà. “Việc đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết. Ngoài ra, công trình sẽ tạo điểm nhấn cho cảnh quan của khu vực, góp phần làm cho Khu Tưởng niệm Chủ tịch HồChí Minh trở nên quy mô, bề thế hơn”, Sở Xây dựng nhấn mạnh.

Cấp thiết cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Bảo tàng Cà Mau 26 năm vẫn nằm trên giấy - Anh 3

 Đây là nơi “cư ngụ” của Bảo tàng tỉnh Cà Mau trong bao năm qua

Theo ông Lê Minh Sơn, “sau nhiều lần triển khai nhưng các kế hoạch cứ nằm trên giấy thì lần này chúng tôi vẫn tiếp tục hy vọng. Chúng tôi hy vọng làm sao các quy trình, thủ tục được nhanh chóng để có được nhà bảo tàng đúng nghĩa, sớm đưa vào hệ thống kho đủ chuẩn, tránh mai một giá trị hiện vật. Theo tôi, nguồn lực xã hội có giới hạn, tuy nhiên việc đầu tư cho các thiết chế, cho các công trình di tích lịch sử, văn hóa phải được đầu tư tương xứng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Với góc độ người làm việc trong lĩnh vực di sản, tôi rất thiết tha có nguồn lực cụthể thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, để phát triển các di sản văn hóa trên địa bàn các tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa như Cà Mau, là nơi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn. Còn bây giờcứ trông chờnguồn ngân sách của tỉnh thì thực sự rất khó khăn”.

Chia sẻ với Văn Hóa, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau bày tỏ: “Chúng tôi rất mừng là sau thời gian đề xuất, hiện nay tỉnh đã có chủ trương đầu tư, quy hoạch đất đai, đang giao cho Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, lên phương án thiết kế công trình bằng nguồn ngân sách địa phương. Cà Mau là tỉnh nghèo, ngân sách còn rất hạn hẹp. Chúng tôi mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn mới được ban hành để có sự hỗ trợ từ Chương trình đối với văn hóa vùng đất nơi cực Nam của Tổ quốc và nhiều địa phương khác. Mong mỏi là vậy nhưng chúng tôi biết sẽ còn lâu lắm… Vì thế trước mắt tỉnh chủ động đầu tư, khi nào được Trung ương hỗ trợ thì rất quý, còn không thì tỉnh cũng phải gói ghém ngân sách để tập trung xây dựng bởi vì tỉnh Cà Mau khẳng định đây là thiết chế văn hóa quan trọng, nên quyết tâm chính trị của tỉnh là đầu tư công trình này”.

Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cho rằng, rất cần thiết khôi phục Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt là đầu tư thiết chế cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Riêng tại tỉnh Cà Mau, ngoài nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần có một công trình bảo tàng, tỉnh cũng đang lập dự án đầu tư xây dựng nhà thi đấu đa năng bằng ngân sách tỉnh. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay là Cà Mau vẫn chưa có nguồn để xây dựng nhà hát. “Trước nay tỉnh Cà Mau không có không gian biểu diễn nghệ thuật nên các hoạt động này thường tổ chức tại hội trường, trung tâm hội nghị hoặc ngoài trời, rất thiếu thốn trang thiết bị và không đảm bảo tính chuyên nghiệp. Vì thế chúng tôi rất mong mỏi về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn mới được ban hành, để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân”, ông Hùng bày tỏ. 

 Hội nghị di sản toàn quốc tại Cà Mau

Hôm qua 26.10, tại tỉnh Cà Mau, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn ngành Di sản văn hóa (DSVH) năm 2023. Chương trình nhằm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụvề bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; thảo luận về những vấn đề đặt ra trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, nhằm làm rõ thực trạng và đề xuất giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; định hướng xây dựng, phát triển nền tảng chuyển đổi số ngành DSVH.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, hy vọng qua hội thảo sẽ tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; các địa phương khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy “sức mạnh mềm”, nội sinh của văn hóa đểphát triển kinh tế- xã hội, phát triển du lịch vàđóng góp tích cực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về DSVH…

GIANG HUY

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc