Sau vụ hỏa hoạn tại chánh điện chùa Thuyền Lâm, TP Huế:

Cảnh báo với những di tích kiến trúc gỗ

SƠN THÙY

VHO - Chánh điện chùa Thuyền Lâm bất ngờ bị cháy trong đêm 23.6 đã gây ra nhiều thiệt hại, nhưng rất may không ảnh hưởng đến người. Mặc dù chùa Thuyền Lâm không phải là di tích nhưng qua vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này cũng cần lên tiếng cảnh báo trong công tác PCCC tại các di tích, chùa, đình, đền... nhất là những di tích, chùa, đình, đền... chủ yếu kết cấu bằng gỗ.

Cảnh báo với những di tích kiến trúc gỗ - ảnh 1
Lực lượng Cảnh sát PCCC dập lửa tại chánh điện chùa Thuyền Lâm. Ảnh: C.T.V

Ngày 25.6, khu vực chánh điện chùa Thuyền Lâm vẫn đang được chăng dây phong tỏa, không để người dân hiếu kỳ đi lại vào bên trong. Nhìn từ mặt ngoài chánh điện, nhiều kết cấu gỗ còn khá nguyên vẹn, nhưng phía bên trong chánh điện, các vật dụng, cột, kèo, kết cấu gỗ đã bị lửa thiêu rụi, hư hại, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Thiệt hại nặng nề

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chánh điện chùa Thuyền Lâm vừa được trùng tu, xây dựng lại cách đây ba năm. Công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ, cùng với nội thất cũng có nhiều vật dụng, đồ đạc bằng gỗ nên khi xảy ra vụ cháy, ngọn lửa bùng phát lan nhanh ra khắp chánh điện.

Chùa cũng đã trang bị các thiết bị PCCC cũng như sử dụng thiết bị đèn điện ở khu làm lễ ở chánh điện chứ không sử dụng đèn dầu như ngày trước. Sư thầy Thích Pháp Tuệ ở chùa Thuyền Lâm cho biết, khi phát hiện có lửa phát lên từ chánh điện, các chư tăng trong chùa đã nhanh chóng sử dụng thiết bị chữa cháy cầm tay để dập lửa, nhưng do công trình làm bằng gỗ, có nhiều đồ đạc dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động 3 xe chữa cháy, 2 xe bồn, 1 xe CNCH, 1 xe chỉ huy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường ứng cứu, dập lửa. Sau khi đám cháy được khống chế, để đảm bảo an toàn, lực lượng PCCC&CNCH tiếp tục phun nước làm mát để dập lửa hoàn toàn. Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, do vị trí đám cháy ngay tại chánh điện chùa Thuyền Lâm, các vách tường xung quanh đều làm bằng gỗ, nên quá trình chữa cháy, lực lượng đã sử dụng bọt phun vào đám cháy nhằm bảo vệ cấu kiện của công trình không bị sụp đổ cũng như ngăn chặn sự phát triển, cháy lan sang các khu vực khác của chùa.

Cảnh báo với những di tích kiến trúc gỗ - ảnh 2

 Bên trong chánh điện chùa Thuyền Lâm bị thiêu rụi thành than sau vụ cháy. Ảnh: C.T.V

Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do chập điện dẫn đến vụ cháy. Được biết, các khu nhà xung quanh chánh điện cũng sử dụng nhiều vật liệu gỗ, rất nguy hiểm nếu không dập tắt lửa kịp thời. Đồng thời, chùa Thuyền Lâm nằm ở gần khu dân cư, trên dọc tuyến đường huyết mạch Điện Biên Phủ, phường Trường An, nên công tác ứng cứu, dập lửa càng được triển khai khẩn trương, nhanh chóng, quyết liệt để không ảnh hưởng đến cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã trang bị bình PCCC nhưng tại di tích thiếu sự kiểm tra, rà soát thường xuyên về hệ thống điện nên đã không kịp thời phát hiện những nguy cơ có khả năng xảy ra. Chính vì thế, các di tích trên địa bàn, nhất là những di tích có kết cấu gỗ cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ để có biện pháp cải tạo, nâng cấp, nhằm đảm bảo an toàn.

Chùa Thuyền Lâm ở số 150 Điện Biên Phủ, TP Huế có nguồn gốc lịch sử xa xưa từ chùa Thiền Lâm thời chúa Nguyễn. Căn cứ vào bia tháp cổ khắc năm Chính Hòa thứ 27 (1706) và Long vị đang lưu giữ ở Tổ đường thì Tổ khai sơn chùa Thiền Lâm là ngài Như Tư Khắc Huyền, thuộc phái Tào Động. Bia đá ngay trong khuôn viên chùa cũng giới thiệu: Năm Ất Hợi 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán phái Tào Động, đến từ Trường Thọ Am, Quảng Đông, Trung Quốc mở Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm, Phú Xuân, Thuận Hóa. Sau đó, Thiền Lâm trở thành một thiền viện lớn ở xứ Đàng Trong, phát triển mạnh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến vương triều Tây Sơn, dưới thời Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, thái sư Bùi Đắc Tuyên đã sử dụng chùa Thiền Lâm lập phủ thái sư và sử dụng làm kho than.

 Đến thời Gia Long triều Nguyễn, bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu đã bỏ tiền thỉnh cầu Hòa thượng Mật Hoằng, tăng cang chùa Linh Mụ đến trùng tu lại chùa Thiền Lâm. Thời vua Thành Thái, khi mở đường “Nam Giao tân lộ” thì con đường đi ngang khuôn viên chùa Thiền Lâm, đất vườn bị cắt làm đôi và chùa dời vào vị trí hiện nay. Sau một thời gian dài, với sự biến động của lịch sử, chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Đến năm 1990, Hòa thượng Thích Chơn Trí (từ chùa Tường Vân) đã đến đây rồi phục hồi lại, từng bước xây dựng và phát triển chùa. Sau này tên gọi là chùa Thuyền Lâm.

Cảnh báo với những di tích kiến trúc gỗ - ảnh 3

Chánh điện chùa Thuyền Lâm được chăng dây, khoanh vùng để phật tử, người dân không đi lại vào bên trong gây nguy hiểm. Ảnh chụp ngày 25.6. Ảnh: S.THÙY

Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi cúng dường

Bài học để tiếp tục nâng cao công tác phòng, chống cháy nổ

Hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế rất đồ sộ, gồm di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và các di tích đã được kiểm kê, bảo vệ. Trong đó rất nhiều công trình di tích có kiến trúc gỗ, các di tích ở khu vực gò đồi, núi rừng… dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. Sở đã thường xuyên có văn bản gửi các địa phương, đơn vị quản lý di tích để chỉ đạo nhắc nhở, tăng cường trong công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt là các dịp cao điểm mùa hè, nắng nóng oi bức kéo dài.

Chùa Thuyền Lâm không phải là di tích, tuy nhiên vụ cháy chánh điện chùa Thuyền Lâm là bài học cảnh báo để tiếp tục nâng cao công tác phòng chống cháy nổ ở các công trình kiến trúc gỗ, đặc biệt tại Huế phần nhiều các di tích có kiến trúc gỗ truyền thống. Sau vụ việc này, Sở VHTT sẽ tiếp tục có văn bản khuyến cáo, chỉ đạo, rà soát, đánh giá lại công tác phòng, chống cháy nổ ở các điểm di tích trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho các di tích trước nguy cơ cháy nổ.

(Ông PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)

Sau vụ cháy xảy ra tại chùa Thuyền Lâm, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện tài khoản giả mạo tên chùa và kêu gọi cộng đồng đóng góp, hỗ trợ cho việc tu sửa chùa. Việc đóng góp gửi về số tài khoản mang tên Đinh Đức Nam, tức sư tăng Thích Đức Nam. Tuy nhiên, đại diện nhà chùa khẳng định: Chùa Thuyền Lâm không có bất kỳ trang facebook nào. Hòa thượng trụ trì chùa cũng không dùng bất cứ số tài khoản nào. Mọi người cần thận trọng bởi hiện có những thành phần xấu lợi dụng việc hỏa hoạn tại chùa Thuyền Lâm để kêu gọi cúng dường trùng tu.


Chùa Thuyền Lâm cũng thông tin rằng, nhà chùa đang cố gắng khắc phục từng bước để chư tăng yên ổn tu học trong ba tháng an cư kiết hạ nên không kêu gọi cúng dường dưới mọi hình thức. Được biết hiện có khoảng 35 chư tăng, điệu đang tu tập tại chùa; dù vụ cháy chánh điện có ảnh hưởng đến việc hành lễ nhưng các chư tăng trong chùa khắc phục và tự tu tập tại chỗ. Sư thầy Thích Pháp Tuệ cho biết, chánh điện chùa Thuyền Lâm có diện tích khoảng 300m2, sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, điều quan trọng nhất là không để ảnh hưởng đến con người, còn việc khắc phục thì khi đủ điều kiện thì Hòa thượng trụ trì sẽ quyết định. Hiện nay, các chư tăng, các điệu ở chùa vẫn đang tu học trong ba tháng an cư kiết hạ. Nhà chùa không kêu gọi cúng dường, những tài khoản kêu gọi trên mạng xã hội đều là giả. Những thông tin này, nhà chùa cũng có thông báo đến các phật tử để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.

Theo các sư thầy tại chùa Thuyền Lâm, để sửa chữa chánh điện sẽ mất nhiều thời gian và công sức, vì phải hạ giải toàn bộ công trình. Không gian nội thất chính điện bị cháy rụi thiệt hại lớn, nhưng nhiều hệ thống kèo, cột được “cứu” kịp thời, bị hư hại một phần cũng không thể giữ lại vì cấu kiện gỗ có sự kết nối với nhau, không đảm bảo an toàn. Nhà chùa cũng chưa có kế hoạch chính thức về việc tu sửa chánh điện. 

 Kịp thời dập lửa ở vành đai giáp ranh di tích lăng Đồng Khánh

Cảnh báo với những di tích kiến trúc gỗ - ảnh 4

 Lực lượng Phòng Quản lý Bảo vệ - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẩn trương dập tắt đám cháy ở vùng rừng giáp ranh di tích lăng Đồng Khánh chiều ngày 25.6. Ảnh: Đ.T

 Chiều qua 25.6, lực lượng bảo vệ và chữa cháy tại chỗ thuộc Phòng Quản lý Bảo vệ (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cũng phối hợp với người dân địa phương khẩn trương dập lửa ở vành đai giáp ranh di tích lăng Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, TP Huế). Theo ông Trần Đình Thân, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ cho biết, nguyên nhân vụ cháy là do người dân ở khu vực xung quanh đốt thực bì, thời tiết hanh khô nên lửa bùng phát và lan nhanh, rất may lực lượng bảo vệ di tích đã nhanh chóng phát hiện và báo cáo nên Phòng đã huy động thêm nhân lực triển khai dập lửa. Nếu không xử lý nhanh, đám cháy có nguy cơ lan qua khu di tích, rất nguy hiểm. Di tích lăng Đồng Khánh nằm ở khu vực ven gò đồi có nhiều cây cối, người dân xung quanh thường đốt thực bì hoặc thắp hương ở các khu lăng mộ lân cận nên dễ xảy ra hỏa hoạn.

Quần thể di tích Cố đô Huế với phần lớn các công trình di tích kiến trúc gỗ, nhiều di tích nằm ở khu vực ven rừng thông và xa trung tâm thành phố như lăng Gia Long, lăng Khải Định; các di tích nằm trọn trong khu dân cư như lăng Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân; nhiều di tích có miếu, điện thờ cúng… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn khi vào mùa hè. Chính vì thế, công tác PCCC luôn được ưu tiên quan tâm hàng đầu để bảo vệ công trình di sản cũng như đảm bảo an toàn cho du khách và lực lượng làm nhiệm vụ tại các di tích.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc