Cần sớm lưu giữ giá trị các nghệ nhân ca Huế

VH- Dành cả cuộc đời để truyền dạy ca Huế cho biết bao thế hệ, nghệ nhân Minh Mẫn là người đã có công lao rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế. Ra đi ở tuổi 93, nhưng người nghệ sĩ già này vẫn còn bao luyến tiếc, nặng lòng với âm nhạc di sản truyền thống của quê hương.

 Không chỉ nghệ nhân Minh Mẫn, nhiều Nghệ nhân ưu tú của nghệ thuật ca Huế khác cũng đang ở tuổi cổ lai hy. Thế nên, công việc nghiên cứu và lưu giữ các bài bản cổ, những “ngón nghề” của các nghệ nhân này cần nhanh chóng được thực hiện để truyền dạy và phát huy giá trị cho muôn đời sau.

Cần sớm lưu giữ giá trị các nghệ nhân ca Huế - Anh 1

Nghệ nhân Minh Mẫn (người ngồi bên phải ngoài cùng) trong đợt đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong đợt phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhà nước năm 2015 theo Quyết định 2533/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, loại hình nghệ thuật ca Huế có 3 nghệ nhân gồm: nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương và Hồng Tuyết. Các nghệ nhân khi được phong tặng đã ở tuổi “cổ lai hy”. Như cụ Minh Mẫn, từ 15 tuổi đã biết hát ca Huế, và nhanh chóng nổi tiếng lúc mới 17 tuổi, với những bài bản ca Huế cổ như: Cổ bản, Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Lộng điệp, hay những làn điệu Quả phụ, Lý bốn cửa quyền... Rồi sau này bà dành trọn cuộc đời để biểu diễn và truyền dạy ca Huế cho đến lúc ngã bệnh và qua đời. Dù là truyền dạy ca Huế bằng cách “truyền khẩu” nhưng biết bao nghệ sĩ ca Huế nổi tiếng hôm nay đã từng là học trò của cụ.

Nhà thơ Võ Quê (nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế) - hiện Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng kể rằng: Năm 2013, khi CLB tổ chức sinh hoạt, biểu diễn phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa Huế vào buổi tối, nghệ nhân Minh Mẫn đã không ít lần đến đây hát ca Huế. Cụ không chỉ biểu diễn, mà còn ngồi lắng nghe các nghệ sĩ trẻ hát và “chỉnh”, dạy thêm cho thế hệ con cháu. “Từ năm 1970 đến nay, nghệ sĩ Minh Mẫn đã đào tạo nhiều lớp học trò theo học ca Huế theo lối truyền khẩu. Công việc lặng lẽ, âm thầm, cần mẫn nhưng đầy hiệu quả. Hiện nay, nhiều giọng ca như Diệu Bình, Diệu Huê… là những học trò được trưởng thành, định danh nhờ Nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn”, nhà thơ Võ Quê nói.

Trong suốt gần 20 năm tham gia sinh hoạt ở CLB Ca Huế Nguyễn Thị Lợi tại tư gia của dịch giả Bửu Ý (đường Phạm Ngũ Lão, TP Huế), nghệ nhân Minh Mẫn đã cùng các nghệ sĩ ca Huế có tiếng cùng tham gia truyền dạy ca Huế cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Xuân Phú. Từ khi Học viện Âm nhạc Huế được thành lập và mở ngành ca Huế, chính nghệ nhân Minh Mẫn cũng đã có thời gian dài được mời đến truyền nghề cho học sinh, sinh viên tại đây. Những năm sau này, khi tuổi cao sức yếu và đi lại khó khăn, bà hạn chế di chuyển nhưng vẫn không ngần ngại truyền nghề tại nhà khi lớp trẻ tìm đến học.

Theo ông Võ Quê, việc tôn vinh nghệ nhân ca Huế cần có các hành động cụ thể nhằm chăm sóc đời sống vật chất cho họ, nhất là các nghệ nhân cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời dành kinh phí giúp các nghệ nhân truyền dạy các bài bản lớn của ca Huế với một chiến lược lâu dài, ổn định; tổ chức thu hình, thu tiếng đàn, lời ca để làm tư liệu; hỗ trợ các đơn vị CLB Ca Huế đang tổ chức sinh hoạt, truyền bá ca Huế đến với cộng đồng…

Cần sớm lưu giữ giá trị các nghệ nhân ca Huế - Anh 2

 Nghệ nhân “gạo cội” Minh Mẫn trong một lần truyền dạy ca Huế cho trẻ em khó khăn

TS Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: Ngoài nghệ nhân Minh Mẫn, Học viện cũng từng mời nghệ nhân Hồng Tuyết đến truyền dạy bài bản cho lớp trẻ. Học viện hiện đang có Viện Dân tộc nhạc học với nhiều cán bộ chuyên ngành, và rất mong muốn được tiến hành thực hiện các công việc để xây dựng hồ sơ cho Ca Huế trình UNESCO. Giờ cụ Minh Mẫn đã qua đời, số nghệ nhân lớn tuổi và lưu giữ các bài bản nổi tiếng ca Huế không còn nhiều, nên cần có hướng để bảo tồn, và truyền dạy để lưu giữ.

Riêng việc hỗ trợ các nghệ nhân ca Huế nói riêng và các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP. Sở Văn hóa-Thể thao đã có văn bản gửi đến các nghệ nhân trên địa bàn để hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 109. Hiện Sở LĐ,TB&XH là đầu mối giải quyết các chế độ về hỗ trợ trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… cho những nghệ nhân đủ điều kiện của Nghị định 109. “Riêng với nghệ nhân Minh Mẫn, do cụ đã lớn tuổi nên chúng tôi cũng đã cử cán bộ đến tận nhà để hướng dẫn con gái cụ làm các thủ tục. Hiện nay, việc giải quyết hỗ trợ nghệ nhân trên địa bàn cũng chỉ theo Nghị định 109, chứ không có chế độ ưu đãi thêm của địa phương vì gặp khó về ngân sách”, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

 Bài, ảnh: SƠN THÙY

 

Ý kiến bạn đọc