Cần những đào tạo chuẩn mực trong thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu
VHO - Trước thực trạng có nhiều biến tướng, sai lệch nguyên tắc trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, một mô hình chuẩn mực nhằm định hướng, đào tạo, đưa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vào nề nếp đang được hướng tới bởi những nghệ nhân, thanh đồng tâm huyết với di sản.
Đồng thầy Hoàng Minh Quân luôn tâm niệm việc gìn giữ các giá trị chuẩn mực trong thực hành di sản
Sau 7 năm được UNESCO ghi danh và Chính phủ triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát huy giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực thì việc thực hành di sản này trong thời gian qua đã và đang bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, mang bản sắc độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng người Việt. Ngày 1.12.2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Niềm tự hào kể từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh đã tạo động lực, kết nối cộng đồng các nghệ nhân, thanh đồng tâm huyết với di sản tiếp tục nỗ lực bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản trong cộng đồng.
Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ đó, một thực trạng nhức nhối thường xuyên được các cơ quan quản lý, các chuyên gia và cộng đồng thực hành tín ngưỡng cảnh báo là tình trạng thương mại hóa, biến tướng trong thực hành di sản vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều ở các đền, phủ; nhiều nơi chưa thực hành đúng với nguyên tắc truyền thống, tạo nên những biến tướng, lệch chuẩn… Những hạn chế, bất cập này đã và đang tác động tiêu cực tới nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Nhiều năm gắn bó với đạo Mẫu, ông Hoàng Minh Quân, Phó trưởng Ban Phát triển văn hoá Tín ngưỡng và Tôn giáo, Viện Phát triển văn hoá dân tộc nhìn nhận, trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp biến tướng “khi các thầy, thủ nhang không hướng dẫn con nhang đệ tử theo đúng chuẩn mực”.
Việc thả lòng đó dẫn đến nhiều sai lệch, những giá hầu không hề có trong truyền thống, thậm chí rất phản cảm, từng bị dư luận lên án gay gắt.
Đau đáu trước thực trạng này, với kinh nghiệm lâu năm của người thực hành tín ngưỡng và ở góc độ là cơ quan nghiên cứu, ông Hoàng Minh Quân mong muốn có thể hình thành một mô hình mang tính chất đào tạo chuẩn mực để chấn chỉnh bất cập, đưa việc thực hành di sản vào nề nếp.
“Có một thực tế là nhiều người theo đạo Mẫu nhưng không được định hướng mà bị thả nổi, hổng kiến thức, thậm chí họ cho rằng chỉ cần mở phủ trình đồng là xong. Từ thực tế này dẫn đến những mặt trái như chính các cá nhân đó bị lợi dụng, xuất hiện hiện tượng vinh danh giả, thực hành di sản lộn xộn…”, ông Quân chia sẻ.
Vì thế, ông Quân mong muốn sẽ có cơ chế đặc thù để tập hợp, thu hút sự tham gia, đồng hành của các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cùng ngồi lại, thống nhất về những chuẩn mực trong thực hành di sản, vừa tôn vinh các giá trị truyền thống vừa đảm bảo tuân theo đúng Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng.
“36 giá hầu thì chỉ được hầu trong khuôn khổ đó thôi, không được phép hầu các giá sai lệch, biến tướng khác. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần định hướng chuẩn mực với sự tham gia của các cơ quan chức năng, cá nhân uy tín để xây dựng mô hình đào tạo thực hành di sản. Từ kiểm nghiệm hiệu quả thực tế sẽ triển khai nhân rộng. Tôi nghĩ rằng phải tìm cách khắc phục những mặt trái trong thực hành tín ngưỡng bằng cách này. Theo đó, ai vi phạm thì cứ theo quy định pháp luật mà “tuýt còi’”, ông Hoàng Minh Quân bày tỏ.
NNƯT Dương Thị Phương Đông, Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên
NNƯT Dương Thị Phương Đông, Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên cho biết, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với vai trò chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên và kinh nghiệm hơn 50 năm giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, bà luôn sâu sát, truyền dạy cho các đệ tử, học trò, hướng dẫn các thanh đồng đi đúng đạo, không lợi dụng di sản để hành nghề mê tín dị đoan, không thực hiện các hành vi trái pháp luật, chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
“CLB Đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên có gần 300 hội viên, chúng tôi luôn chú trọng chấn chỉnh, nhắc nhở các thanh đồng phải tuân thủ, thực hành đúng lề lối của di sản. Mỗi vấn hầu tôi đều đi sâu sát, uốn nắn các thanh đồng, ai cũng phải hiểu rằng khi bước vào hầu Thánh thì tâm phải trong sáng, hướng thiện, gương mẫu”, bà Đông khẳng định.
NNƯT Dương Thị Phương Đông cũng cho biết, bà đang làm văn bản trình UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên xin thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Hưng Yên. Sau khi thành lập sẽ sáp nhập một số chi hội nhằm đưa việc thực hành tín ngưỡng của các thanh đồng vào quy củ, đáp ứng đúng, đủ các quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan.
“Chúng tôi mong rằng các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi trong các hoạt động nhằm bảo vệ đạo Mẫu, trong đó có việc đào tạo, uốn nắn, định hướng cho các thanh đồng. Một mô hình chuẩn mực mà các thanh đồng, nghệ nhân tâm huyết của Hưng Yên đang ấp ủ và hướng đến trong giai đoạn này tôi cho là cần thiết”, NNƯT Dương Thị Phương Đông bày tỏ.
HÀ PHƯƠNG