Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2.9:

Cán bộ hoạt động tại vùng kháng chiến “chế” tô mỳ Quảng

LÊ MINH DƯƠNG; ảnh: TẠ DŨNG

VHO - Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng ký ức về một thời hoạt động cách mạng gian khổ ở vùng đất không phải là quê hương của mình, đặc biệt có những khi nhớ quê hương, nhớ tô mỳ Quảng mà gần như vô vọng vì không có điều kiện để làm, song điều đó cũng không làm nản lòng các chiến sĩ.

 Bằng sự sáng tạo của mình, các đồng chí lão thành cách mạng người Quảng Nam hoạt động tại địa bàn Thừa Thiên Huế năm nào đã tìm kiếm cho mình tô mỳ ứng ý, mặc dù chẳng phải mỳ Quảng chính gốc. Bưng gọn tô mỳ, lòng sung sướng dâng trào, các anh lùa một hơi đến sạch tô mỳ. Điều đó đã làm cho họ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, tăng cường sức chiến đấu, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Cán bộ hoạt động tại vùng kháng chiến “chế” tô mỳ Quảng - ảnh 1
Ông Huỳnh Phước (đầu tiên bên phải) cùng tác giả

 Ông Huỳnh Phước, một trong những người con xứ Quảng hoạt động ở Huế giai đoạn trước 1975, bồi hồi nhớ lại những năm trước giai đoạn 1972, ông cùng 4 đồng chí khác hoạt động trong nội thành Huế cũng có nhiều gian khổ.

Tuy nhiên, đến giai đoạn ác liệt vào những năm 1972-1973, địch càn quét nhiều nên ông cùng các đồng chí ấy phải “lên rừng”, nghĩa là lui về vùng căn cứ kháng chiến khu. Mọi thứ từ đây cũng khó khăn hơn gấp bội, cả trong công việc lẫn sinh hoạt, đặc biệt những lúc nhớ nhà, thèm tô mỳ Quảng. Ông nói: “Thèm lắm! nhưng ở Huế làm chi có mỳ Quảng mà ăn".

Đúng như vậy, sợi mỳ đầu tiên trên thế giới do bộ tộc du mục gốc người Kazak (Ukraina) đến định cư tại vùng Tân Cương, Trung Quốc ngày nay nghĩ ra. Họ thường nhồi bột mỳ dẻo, mịn rồi đem nướng thành bánh mỳ để ăn.

Nhưng một hôm, thay vì đem nướng miếng bột nhồi, những phụ nữ đã xắt mỏng ra, tạo nên một dạng thực phẩm mới được gọi là “reshteh”, trong ngôn ngữ Farsi có nghĩa là “sợi mảnh”.

Đối với người dân xứ Quảng cũng vậy, ăn mỳ là dịp quý trong năm. Thường thì khi nhà có tiệc hoặc có giỗ quảy thì mới tráng mỳ ăn. Một đám giỗ người Quảng mà không có mỳ, bánh tráng thì hình như thiếu thiếu cái gì đấy, thiếu cái mùi dầu phụng khử nén đến thơm lừng, thiếu cái tiếng kêu răng rắc của bánh tráng nướng, thiếu cái hương vị cay nồng của ớt xanh.

Nhưng đó là trong điều kiện bình thường ở quê, còn lúc này là chiến tranh, đã ở vùng kháng chiến mà lại hoạt động ở Huế thì lấy đâu ra mỳ Quảng, bánh tráng để ăn. Một tình huống hết sức “éo le”, gần như vô vọng. Nhưng cái tính người Quảng họ sáng tạo lắm.

Cán bộ hoạt động tại vùng kháng chiến “chế” tô mỳ Quảng - ảnh 2
Ngày nay, mỳ Quảng đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể, nhưng với con người xứ Quảng đã là món ăn gắn bó bao đời

 Họ không chịu phải sống cảnh xa quê mà thiếu bát mỳ Quảng. Nhân lúc “về xuôi” xuống phố vừa tranh thủ hoạt động, vừa tận dụng cơ hội để gùi lương thực lên vùng kháng chiến như thịt hộp, gạo, muối, đường, gia vị… và các đồng chí không quên ghé lại một số nhà chùa ở Huế để xin ít mỳ ống chay (mỳ Ý) thay cho sợi mỳ Quảng, mà cũng đâu có nhiều, chỉ được vài bao nhỏ đóng gói.

Ông Huỳnh Phước kể: “Vì số lượng có hạn và cũng là đồ “quý hiếm” nên các đồng chí hoạt động cách mạng chỉ được ăn mỳ vào dịp thứ bảy.

Mỳ ống cho vào nước sôi luộc mềm ra, sau đó vớt ra trộn với thịt hộp, thỉnh thoảng có thịt gà hoặc các loại thịt khác kèm với rau, và cứ thế ăn ngon ăn lành, mặc dù tô mỳ chủ yếu là loại nhưn đặc biệt kể trên, chứ mỳ có được bao nhiêu cọng.

Lùa vào từng ngụm đũa mà sướng trân cả người, nó như được thỏa lòng nhớ quê, nhớ người thân ở nhà đang phải sống trong cảnh đạn bom ác liệt. Nó như động lực mãnh liệt thôi thúc các đồng chí tiếp tục bám trụ, kiên cường hoạt động cách mạng, đấu tranh và có được thành quả thắng lợi như ngày hôm nay.”

Bồi hồi nhớ lại khoảng khắc đó, ông Huỳnh Phước vừa đùa vừa kể: ăn mỳ hồi đó anh em hay đùa là  mỳ chay của nhà Chùa mà các anh, các chú đã xin được, đâu cũng chỉ có được vài cọng, còn lại đa phần là phần nhưn và rau trùm lên che hết cả con mỳ. Dẫu sao thì cũng có mỳ để mà ăn, để mà thoả cơn thèm thuồng món ăn quê hương đến phát cuồng.