Cách nào để “đánh thức” giá trị bảo vật quốc gia?

PHAN HIẾU

VHO - Để “đánh thức” bảo vật quốc gia, TS Lê Đình Phụng, chuyên gia nghiên cứu khảo cổ nhấn mạnh, phải coi những tác phẩm bảo vật quốc gia là nguồn lực văn hóa nội sinh để phát triển kinh tế, văn hóa địa phương.

Cách nào để “đánh thức” giá trị bảo vật quốc gia? - ảnh 1
Hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn (hai pho tượng Dvarapala - còn gọi là Ông Đỏ và Ông Đen)

 Trong gần năm thế kỷ là kinh đô của vương quốc Champa (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV), vương triều Vijaya đã để lại những di sản văn hóa vật thể vô giá, bao gồm hệ thống đền tháp, thành quách, khu lò gốm cổ in dấu ngàn năm. Đặc biệt là quần thể kiến trúc, tín ngưỡng gồm tám cụm và 14 tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn. Cùng với hệ thống tháp Chăm, thời kỳ vàng son của vương quốc Champa cũng đã để lại trên đất Bình Định hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc vô giá.

Trong kho tàng văn hóa Chămpa, Bình Định sở hữu nhiều đền tháp với kiến trúc nghệ thuật độc đáo và nhiều hiện vật quý. Đến nay, Bình Định có 13 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ Chămpa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là di sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của cả nước và của tỉnh nhà, nguồn sử liệu quý đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử - văn hóa Bình Định. Trong số này, Bảo tàng Bình Định hiện đang lưu giữ tám bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu nữ thần Mahisha Sura Mardini, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu thần Brahma, niên đại cuối thế kỷ XII; cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn, niên đại thế kỷ XII - XIV; phù điêu nữ thần Sarasvati, niên đại đầu thế kỷ XII; phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa, niên đại thế kỷ XII; hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn, niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII.

Cách nào để “đánh thức” giá trị bảo vật quốc gia? - ảnh 2
Bảo tàng Bình Định giới thiệu giá trị lịch sử cặp voi đá thành Đồ Bàn (bảo vật quốc gia) trong khuôn viên thành Đồ Bàn, nay là thành Hoàng đế

Còn lại năm bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ ở các địa phương, gồm: Cặp voi đá thành Đồ Bàn, niên đại nửa sau thế kỷ XII, nằm trong khuôn viên thành Đồ Bàn (nay là thành Hoàng Đế), xã Nhơn Hậu và hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn (hai pho tượng Dvarapala), niên đại thế kỷ XII - XIII, tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn); tượng thần Shiva chùa Linh Sơn, niên đại thế kỷ XV, tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn.

Vậy làm cách nào để “đánh thức” bảo vật quốc gia thời kỳ Champa để phục vụ phát triển du lịch? TS Lê Đình Phụng, chuyên gia nghiên cứu khảo cổ cho biết: Trong toàn bộ hệ thống tác phẩm điêu khắc Champa thì Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia nhiều nhất, bởi những giá trị về lịch sử, mỹ thuật và tôn giáo để lại trên từng tác phẩm. Để phát huy giá trị thì phải kết hợp hai yếu tố gồm vùng đất kinh đô trong lịch sử và những giá trị nghệ thuật.

“Muốn phát huy cái này thì phải phổ cập đại chúng. Ngày nay, có nhiều phương tiện ngoài truyền thống in sách thì việc quảng bá trên mạng xã hội hay nâng cao chất lượng quảng bá bằng những hình ảnh 3D để tiếp cận với công chúng đông hơn để phục vụ cho việc phát triển du lịch”, TS Lê Đình Phụng gợi ý và nhấn mạnh, đặc biệt phải coi những tác phẩm bảo vật quốc gia là nguồn lực văn hóa nội sinh để phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Về mặt lâu dài, thì có thể lấy ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa đặc sắc của tác phẩm điêu khắc thời kỳ Champa đưa vào chương trình giáo dục văn hóa của địa phương để củng cố tình yêu với văn hóa dân gian. Đề cập đến những bảo vật quốc gia đang giao cho các địa phương quản lý và làm cách nào để phát huy giá trị, TS Lê Đình Phụng chia sẻ: “Khi đã là bảo vật quốc gia, về mặt pháp lý nhà nước phải là tài sản chung của dân tộc và trong khi đó, những cơ quan văn hóa địa phương đại diện cho nhà nước để quản lý. Trong tình hình hiện tại để phát triển đồng bộ thì chúng ta giao trách nhiệm cho những nơi hiện nay đang lưu giữ bảo vật quốc gia. Tuy nhiên có sự giám sát để bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị chứ chúng ta không bỏ mặc”. TS Lê Đình Phụng cũng lưu ý, về mặt quản lý nhà nước thì những cơ quan của địa phương là đơn vị quản lý chính và giao trách nhiệm cho nơi lưu giữ hiện vật của cơ sở.

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến dư luận cho rằng, việc công nhận hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn (hai pho tượng Dvarapala - còn gọi là Ông Đỏ và Ông Đen) là công nhận nguyên bản hay sau khi đã được sơn phết và nên trả lại cho cặp tượng màu sắc ban đầu. Trao đổi về ý kiến này, TS Lê Đình Phụng nêu quan điểm, không được cạo màu sắc trên hai pho tượng Ông Đỏ và Ông Đen đã công nhận là bảo vật quốc gia. Làm vậy, chúng ta đã xâm hại đến bảo vật quốc gia và cần giữ nguyên trạng. Màu sắc đấy trở thành đặc sắc và hiếm có hiện nay. TS Lê Đình Phụng cũng dẫn chứng, “trước đây, tại một hội nghị của Bộ VHTTDL, tôi từng đánh giá một địa điểm duy nhất của người Chăm là thành công nhất khi người Việt vào chinh phục phía Nam đó là Ponagar. Ở đó có một cặp tượng Chăm mà được Việt hóa thì quá tài về mối quan hệ với người Chăm. Cái đó là bằng chứng nói về sự hội nhập văn hóa người Chăm, người Việt cực kỳ tôn trọng người Chăm.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ trên địa bàn tỉnh, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Sở VHTT chủ động phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của các bảo vật quốc gia trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng. Đồng thời, phải có kế hoạch, phương hướng cụ thể để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia, nhất là các hiện vật ở ngoài trời, gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.