5 năm triển khai thi hành Luật Thư viện:
Bước “vươn mình” trong phát triển văn hóa đọc
VHO - Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Thư viện, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thúy Nga khẳng định, Luật đã tạo “sức bật” mạnh mẽ trong sự nghiệp phát triển thư viện, văn hóa đọc. Với nguyên tắc “lấy người sử dụng làm trung tâm”, các thư viện đã đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện cho người dân chủ động tham gia. Nhờ đó, văn hóa đọc trong cộng đồng đã có những chuyển biến tích cực.
Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với bà Kiều Thúy Nga để làm rõ hơn về những thành quả cũng như khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai thi hành Luật.
P.V: Sau 5 năm, chúng ta đã thu được những gì trong sự nghiệp phát triển văn hóa đọc, thưa bà?
- Bà Kiều Thúy Nga: Sau 5 năm triển khai, Luật Thư viện đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của văn hóa đọc trong đời sống. Các thư viện trên cả nước, từ Trung ương đến địa phương, đã cải thiện rõ rệt cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện đã đem lại hiệu quả cao. Các thư viện lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các thư viện cấp tỉnh đã triển khai các dịch vụ tra cứu và mượn tài liệu trực tuyến, số hóa hàng triệu tài liệu để phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến đọc như Ngày hội sách, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Điều này minh chứng rằng, Luật Thư viện đang thực sự phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc.
Bà đánh giá như thế nào về vai trò của việc huy động nguồn lực xã hội trong thực hiện Luật Thư viện?
- Xã hội hóa là một xu hướng và nguyên tắc quan trọng để phát triển văn hóa, giáo dục nói chung và thư viện nói riêng. Luật Thư viện đã cụ thể hóa các chính sách xã hội hóa của Nhà nước nhằm huy động được nhiều nguồn lực cho hoạt động thư viện, để cùng lan tỏa tri thức, chung tay phát triển văn hóa đọc. Nhờ sự chung tay từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các cá nhân, nhiều dự án lớn về thư viện đã được triển khai.
Điển hình như việc các doanh nghiệp tài trợ sách, trang thiết bị công nghệ, hay xây dựng các thư viện số hiện đại. Một số thư viện công cộng và trường học đã nhận được hỗ trợ về tài chính để cải thiện không gian đọc và tạo ra các khu vực sáng tạo. Sự đóng góp này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn giúp các thư viện mở rộng phạm vi tiếp cận, mang tri thức đến gần hơn với cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật Thư viện đang gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
- Tuy đạt được nhiều thành công nhưng việc triển khai thi hành Luật Thư viện cũng gặp phải không ít thách thức. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự thay đổi thói quen đọc của người Việt Nam, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn khá khiêm tốn. Nhận thức tại một số Bộ, ngành, địa phương về vai trò của thư viện trong xây dựng môi trường văn hóa còn hạn chế, dẫn đến việc chưa quan tâm và đầu tư cho hoạt động thư viện, cũng như công tác phối hợp thực hiện còn chưa được đồng bộ. Hiện nay, nhiều thư viện chưa đáp ứng điều kiện thành lập. Đặc biệt, một số thư viện cấp tỉnh chưa có hoặc bị thu hẹp trụ sở, kinh phí ít khiến thư viện không đủ năng lực để triển khai hoạt động, không thực hiện được đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều thư viện chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc số hóa tài liệu và cung cấp dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế, khiến các thư viện chưa thu hút được đông đảo bạn đọc. Việc huy động nguồn lực xã hội cũng chưa phát huy hết tiềm năng, phần lớn vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Theo bà, chúng ta cần những giải pháp nào để khơi thông nguồn lực trong thực hiện Luật Thư viện, để văn hóa đọc thực sự “vươn mình”?
- Để khơi thông nguồn lực trong thực hiện Luật Thư viện và phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, chúng ta cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực của hệ thống pháp luật lĩnh vực thư viện. Cùng với đó, vai trò quản lý nhà nước về thư viện của các Bộ, ngành, địa phương cần được tăng cường.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong quản lý, phục vụ thư viện phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài nguyên thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số… Trong công tác tuyên truyền, các Bộ, ngành, địa phương và chính các thư viện cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về giá trị của văn hóa đọc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Cuối cùng, phải nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp phát triển thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như phát triển văn hóa đọc.
Để làm được những điều này, chúng ta rất cần xây dựng thêm các cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng trong việc đầu tư, tài trợ và đồng hành cùng các hoạt động thư viện. Những giải pháp này sẽ là động lực để văn hóa đọc thực sự “vươn mình”, lan tỏa, đóng góp tích cực vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên: Tích cực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc
Thư viện tỉnh Điện Biên đang tích cực bổ sung tài nguyên thông tin, báo chí, tạp chí dựa trên khảo sát và ý kiến bạn đọc, đảm bảo sự cân đối giữa các loại sách. Năm 2024, thư viện đã bổ sung 12.500 bản sách, đạt 138,9% kế hoạch; đồng thời thanh lọc tài liệu cũ, hỏng, cung cấp tài liệu số qua trang thông tin điện tử. Để thu hút bạn đọc, thư viện đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giới thiệu sách qua các hoạt động như trưng bày, triển lãm; tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Thư viện tiếp tục triển khai kế hoạch luân chuyển tài nguyên thông tin và phục vụ thư viện lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới.
GIA HUY