Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc:

Bồi đắp tri thức, lan tỏa yêu thương

ĐÌNH TOÁN; ảnh: HUY AN

VHO - Thời gian qua, nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai hiệu quả, trong đó, điển hình là cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức. Thông qua cách thể hiện sáng tạo, nội dung được đầu tư công phu, nhiều bài dự thi đã giúp lan tỏa mạnh mẽ tình yêu với văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng xã hội học tập…

Bồi đắp tri thức, lan tỏa yêu thương - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

 Góp phần kiến tạo văn hóa đọc

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cuộc thi là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên trên toàn quốc, nhằm khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ; khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, cộng đồng và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Thông qua các hoạt động, cuộc thi đã khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa đọc trong việc lan tỏa tri thức, nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh; khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đối với thế hệ trẻ.

Được triển khai từ năm 2019, qua 4 lần tổ chức (2019-2022), Đại sứ văn hóa đọc đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh tham dự. Số lượng thí sinh tăng mạnh qua từng năm đã khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi. Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cuộc thi đã được tổ chức. Sau đó, cùng với một số thay đổi để tăng sức hấp dẫn, Đại sứ văn hóa đọc đã trở lại vào năm 2024 và thu hút tới gần 1,7 triệu lượt thí sinh tham gia.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Thu Hiền, cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, không chỉ thu hút sự tham gia của các bạn học sinh, sinh viên mà còn có sự quan tâm, sâu sát của phụ huynh cùng các thầy cô giáo. Nhiều gia đình đã đầu tư kỹ lưỡng để con em có được những bài dự thi chất lượng cả về nội dung và hình thức; những clip được chuẩn bị công phu, có tác dụng giáo dục lớn… Đặc biệt, đối tượng dự thi còn có cả sự tham gia của các em học sinh khiếm thị.

Có thể nói, Đại sứ văn hóa đọc đã phát huy hiệu quả sự sáng tạo, trí tưởng tượng của các em học sinh, sinh viên. Nhiều câu chuyện cảm động đã được chia sẻ. Nhiều tác phẩm có giá trị về khoa học và nghệ thuật đã được các em chuyển tải đến bạn bè và cộng đồng với minh họa đẹp mắt và phong phú. Hơn nữa, cuộc thi đã trở thành sân chơi, diễn đàn để các bạn trẻ chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả. Nhiều em đã xây dựng được kế hoạch, giải pháp, biện pháp khuyến đọc cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi và có ý nghĩa thực tế cao. Thậm chí, một số video dự thi đã sử dụng thêm ngôn ngữ ký hiệu, phụ đề tiếng Anh làm tăng khả năng lan tỏa thông điệp khuyến khích mọi người cùng đọc sách.

Bồi đắp tri thức, lan tỏa yêu thương - ảnh 2
Nhiều bài dự thi đã lan tỏa hiệu quả tình yêu với văn hóa đọc

Phát huy trách nhiệm của mỗi Đại sứ

Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định, từ cuộc thi, văn hóa đọc đã có tác động tích cực đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức của học sinh, sinh viên trong xây dựng môi trường học tập. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác cũng được ươm mầm và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Nhiều bạn trẻ đã âm thầm trở thành Đại sứ văn hóa đọc, đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cộng đồng, xã hội.

Thí sinh Lê Bảo Toàn, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), người giành danh hiệu Đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024 chia sẻ: “Một số thí sinh đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp rất sáng tạo, độc đáo, mới lạ để khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng. Với mỗi giải pháp mang tính khả thi, chính thí sinh đó đã được coi như một Đại sứ văn hóa đọc. Sau cuộc thi lần này, em sẽ phát huy vai trò của mình, góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách; tham gia phát triển các thư viện lưu động, thư viện thông minh để tất cả mọi người đều tiếp cận được với sách. Đọc sách là để phát triển tri thức, hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước”.

Để tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa, Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thu Hiền mong muốn, cuộc thi sẽ có sự đổi mới về hình thức, với những nội dung mang tính mới mẻ và đột phá để truyền cảm hứng cho các thí sinh. Cùng với đó, Bộ VHTTDL cần tổ chức các hoạt động, diễn đàn dành cho các Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc. Thông qua đó, họ sẽ thể hiện được bản lĩnh, vai trò, trách nhiệm của mình, cùng nhau chung tay thắp lên ngọn lửa tình yêu sách trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ.

Trước việc một số bài dự thi chưa đạt chất lượng, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh mong muốn các bậc phụ huynh và thầy cô giáo nên định hướng sớm cho các con em mình trong việc lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút thêm thí sinh dự thi; giúp tìm kiếm thêm các giải pháp phát triển văn hóa đọc hiệu quả trong cộng đồng…

Từ những kiến nghị, đề xuất, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) khẳng định, trong thời gian tới, cuộc thi sẽ tiếp tục được nâng cao chất lượng theo hướng đổi mới cả về hình thức và nội dung để mới mẻ, phong phú và đột phá hơn; mở rộng đối tượng tham gia; tăng cường áp dụng chuyển đổi số... Trong quá trình tổ chức cuộc thi, BTC sẽ chú trọng, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, để Đại sứ văn hóa đọc được lan tỏa rộng rãi và trở thành hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, vai trò của các đại sứ sẽ được đẩy lên cao thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hoạt động giao lưu, để các bạn được trao đổi và thuyết trình về văn hóa đọc, cũng như tạo điều kiện để các Đại sứ có cơ hội đến nhiều địa phương khác nhau để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. 

 Phục vụ sách lưu động tại Làng trẻ em SOS

 Vừa qua, Thư viện tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Làng trẻ em SOS Nha Trang tổ chức buổi phục vụ lưu động với chủ đề Trang sách yêu thương. Hơn 100 em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại Làng đã cùng tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.

Tại đây, các em được trải nghiệm những trò chơi vận động vui nhộn, trả lời các câu hỏi thú vị và được phát những phần quà tặng thiết thực. Đặc biệt, các em còn có dịp được đọc những cuốn sách hay, thuộc nhiều thể loại như: Văn học, khoa học thường thức, khoa học tự nhiên, kỹ năng sống, truyện tranh… do Thư viện tỉnh Khánh Hòa mang tới trưng bày. Thông qua buổi phục vụ sách lưu động, các em nhỏ trong Làng trẻ em SOS Nha Trang đã hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của việc đọc sách; giá trị của sách trong cung cấp kiến thức để phục vụ cho việc học tập của mỗi người.

BÙI ĐỨC