Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”

PHẠM TƯỚC

VHO - Festival "Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản" với nhiều hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh đã chính thức khép lại. Thành công Festival đã góp phần lan tỏa, tôn vinh các giá trị tinh hoa của các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.

Tối 30.11, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Hà Tĩnh, đã diễn ra Lễ bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”.

Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” diễn ra từ ngày 27 đến 30.11 tại thành phố Hà Tĩnh. Đây là chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. 

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” - ảnh 1
Ban Tổ chức và các đại biểu trao bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho 10 tập thể..

Trong khuôn khổ Festival đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: Chương trình nghệ thuật  “Đôi bờ Ví, Giặm”,  Trưng bày và trình diễn di sản văn hoá kết hợp các sản phẩm du lịch; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Hội thảo khoa học Quốc gia “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”.

Festival có sự tham gia, biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng và Quảng Nam. 

Với sự đầu tư bài bản, quy mô, chương trình đã đã trở thành lễ hội văn hóa, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng đại biểu, nhân dân và du khách ...

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” - ảnh 2
...và 10 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2014 - 2024. Ảnh: Đình Nhất

Phát biểu tổng kết và bế mạc festival, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh Nguyễn Viết Trường, Phó Trưởng ban Tổ chức festival nhấn mạnh: Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để Hà Tĩnh và các tỉnh có di sản được UNESCO ghi danh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, quảng bá di sản, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi miền quê. Đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ, nghệ nhân các tỉnh giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua những lời ca, tiếng hát, những sản phẩm độc đáo của các địa phương, chúng ta cảm nhận được tình yêu di sản, tình yêu văn hóa, tình yêu quê hương đất nước; càng khẳng định những giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc. Văn hóa đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương, vùng miền; làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của người dân".

Cũng tại Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” lần này, Hội thảo khoa học quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã nhận sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, văn nghệ sĩ… Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng, nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong thời gian tới.

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” - ảnh 3
Chương trình nghệ thuật bế mạc Festival với các màn trình diễn ấn tượng, tái hiện di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Thành công Festival đã góp phần lan tỏa, tôn vinh các giá trị tinh hoa của dân ca Ví, Giặm nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh nói chung; từ đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống; quảng bá, thúc đẩy hợp tác phát triển văn hóa, du lịch.

Ghi nhận những thành tích và đóng góp cho sự thành công của  công tác bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc 

Tại lễ bế mạc, người dân đã được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các đơn vị tham gia Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh như Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.