Bảo vật quốc gia Ngai Vua triều Nguyễn bị xâm hại đặc biệt nghiêm trọng:
Bảo vệ di tích, bảo vật còn lỏng lẻo?
VHO - Vụ việc “vị khách” tham quan di sản Huế bất ngờ ngồi lên Ngai vàng triều Nguyễn tại điện Thái Hòa và đập phá bảo vật quốc gia đã khiến bảo vệ nơi đây không kịp trở tay. Dù đối tượng nhanh chóng bị khống chế, bắt giữ nhưng sự cố này tiếp tục gióng lên hồi chuông về công tác bảo vệ di tích.

Ngày 25.5, Văn phòng UBND thành phố Huế cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đang tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với Hồ Văn Phương Tâm, đối tượng xâm hại bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn trưa ngày 24.5. Liên quan đến vấn đề này, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã có văn bản yêu cầu Trung tâm báo cáo sự việc.
Sự cố hy hữu?
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Trung tâm) cho biết, qua trích xuất camera và điều tra bước đầu của lực lượng chức năng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ là Đặng Quang Long và Đào Hoàng Vũ đều có mặt ở khu vực điện Thái Hòa (?).
Theo văn bản mới nhất gửi Bộ VHTTDL ngày 25.5, Trung tâm cho rằng, “đây là sự cố hết sức hy hữu mặc dù thời gian qua Trung tâm đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích…”.
Đành rằng, trong chừng mực nào đó có thể coi đây là sự cố hết sức hy hữu, nhưng cũng theo báo cáo của Trung tâm, chúng tôi nhận thấy rằng, cách nhận định này vẫn chưa thuyết phục vì trước đó một nhân viên bảo vệ đã phát hiện đối tượng có biểu hiện không bình thường và đã mời đối tượng ra hậu điện. “Tuy nhiên, đối tượng sau đó quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày Ngai vua triều Nguyễn, la hét và sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay trái”, báo cáo của Trung tâm cho hay.
Qua báo cáo này nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế còn nhiều vấn đề cần phải được phân tích, lý giải ở nhiều khía cạnh, trong đó đáng chú ý nhất là, “tại thời điểm xảy ra vụ việc, hai nhân viên bảo vệ đều có mặt tại khu vực điện Thái Hòa”.
Câu hỏi đặt ra, hai nhân viên bảo vệ đó đang ở trong hay ngoài điện Thái Hòa, và có phát hiện đối tượng vượt qua khu vực bảo vệ để ngồi lên ngai? Qua tài liệu camera ghi lại, đối tượng lên ngồi trên ngai, cởi áo, đập phá bảo vật… trong khoảng thời gian dài hơn một phút, chúng tôi không nhận thấy một nhân viên bảo vệ nào đang ở trong điện Thái Hòa.
Ngoài ra, trước đó một nhân viên bảo vệ đã phát hiện đối tượng có biểu hiện bất thường, và chỉ mời ra ngoài, không hề có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu cũng như ngăn chặn khi nó chưa diễn ra. Vì thế, gọi đây là “sự cố hết sức hy hữu” là khá gượng ép. Nói cách khác, công tác bảo vệ di tích, bảo vật tại nơi đặc biệt quan trọng như điện Thái Hòa đang thực sự có vấn đề, nếu không chỉ thẳng ra là còn lỏng lẻo.

Bảo vật quý có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc ở điện Thái Hòa, lực lượng của bảo tàng đã thực hiện giải pháp đưa bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn về bảo quản, lưu giữ ở bảo tàng. Riêng bệ tỳ tay bị đối tượng Hồ Văn Phương Tâm làm hư hại đã được cơ quan Công an thành phố Huế tạm thời thu giữ để điều tra vụ việc.
Khi trùng tu điện Thái Hòa, bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn được đưa về bảo quản ở bảo tàng để đảm bảo an toàn. Trong thời gian này, Trung tâm đã phục chế một chiếc ngai vàng với kích thước tương đương và trưng bày ở lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn Huế để phục vụ du khách tham quan.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã đưa chiếc ngai phục chế này đến trưng bày tạm thời ở vị trí đặt bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn và mở cửa đón khách tham quan bình thường. Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Ngai vua triều Nguyễn là hiện vật gốc được chế tác dưới thời vua Gia Long. Chiếc ngai được thiết trí ở điện Thái Hòa và sử dụng xuyên suốt 13 đời vua triều Nguyễn, kéo dài 143 năm.
Năm 1923, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, triều đình cho làm thêm bửu tán bằng gỗ thếp vàng che phía trên ngai. Ngai vua triều Nguyễn được làm bằng gỗ và sơn son thếp vàng và chạm lọng tinh xảo, có giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Phần lưng ngai (phần cao nhất) gồm một tấm bảng gỗ hẹp hình chữ nhật có bề rộng khoảng 18cm đặt theo chiều dọc; mỗi bên có hai song tựa cạnh vuông; trên tấm bảng gỗ có chạm nổi đề tài “long hàm thọ”. Đường diềm xung quanh chạy theo tay ngai được chạm lọng đề tài “hoa lá dơi”. Tay ngai được uốn cong, lượn theo lưng ghế sang hai bên thành hai đầu rồng.
Mặt ngai (phần để ngồi) hình chữ nhật, kích thước 87cm x 72cm. Từ mặt ngai đến chân gồm hai phần: Nối giữa mặt ngai và bốn chân là một dải ô hộc hình vuông và hình chữ nhật xen kẽ, trong lót kính, xung quanh viền hoa văn chạm lộng; tiếp theo là bốn chân ngai, kiểu chân quỳ. Các mặt xung quanh và các góc đều chạm nổi mặt rồng ngang. Tất cả được sơn son, các chi tiết trang trí được thếp vàng. Ngai đặt trên một đế gỗ hình chữ nhật nằm dọc, khung viền xung quanh chạm nổi đề tài “long vân” với 6 đầu rồng nhô hẳn lên...
Nâng cao ý thức giữ gìn di sản trong cộng đồng
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, sự việc xảy ra đối với bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn ở điện Thái Hòa là không thể ngờ tới. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm hơn về công tác tổ chức quản lý, bảo vệ di tích. Với mức độ bảo vệ như lâu nay của Trung tâm thì không thể đáp ứng với diễn biến như trường hợp bất ngờ vừa xảy ra.
Ngày 25.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế cho biết, cơ quan này đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, trú quận Bình Tân, TP.HCM) để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản xảy ra tại điện Thái Hòa, Đại Nội Huế.
Trước đó, trưa 24.5, Hồ Văn Phương Tâm mua vé vào tham quan Đại Nội Huế và đến di tích điện Thái Hòa. Tại đây, đối tượng leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên Ngai vua triều Nguyễn; dùng tay bẻ phần tựa tay bên trái của ngai và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, ở những trọng điểm có di vật, bảo vật thì phải có người bảo vệ đứng ngay tại chỗ; còn bảo vệ như thế nào thì những người làm công tác bảo tàng phải tham mưu. Như tại ba bậc của Điện Thái Hòa thay vì chỉ có người đứng bảo vệ thì phía bên trong có người bảo vệ mặc đúng trang phục của vệ binh triều Nguyễn, cầm các khí tài (phục chế) như trong lịch sử.
Tức là người ở đó vừa thực hiện nhiệm vụ của bảo vệ nhưng đồng thời bản thân họ là trưng bày sống, góp phần tôn thêm giá trị của di vật và di tích. Tuy nhiên cũng rất khó để hình dung được các sự việc sẽ xảy ra nếu đối tượng xấu cố tình, có dã tâm thực hiện các hành động phá hoại. Chính vì thế, những người làm chuyên môn phải suy nghĩ đến những giải pháp bảo vệ đến mức mà mình có thể làm được.
“Việc quản lý di tích Huế khác hẳn với hình thức quản lý của một số di tích hiện nay. Trung tâm đang quản lý các di tích với diện tích rất lớn, lên đến cả nghìn ha, trách nhiệm rất nặng nề. Trung tâm phải có giải pháp căn cơ, soát xét lại toàn bộ công tác quản lý nội bộ để chấn chỉnh kịp thời. Theo tôi, chỉ riêng bản thân Trung tâm thì chưa đủ mà còn có sự hỗ trợ lực lượng của các ngành; đặc biệt UBND thành phố Huế phải có phương án vận động, giáo dục người dân tham gia công tác bảo vệ di tích, bảo vật, hiện vật tại các di tích”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.
Xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan
Chiều tối qua 25.5, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4623/VPCP - KGVX gửi Bộ VHTTDL, Chủ tịch UBND TP Huế truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Mai Văn Chính về việc xử lý thông tin phản ánh bảo vật quốc gia “Ngai vua triều Nguyễn”. Theo đó Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia “Ngai vua triều Nguyễn”, đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự... Chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn di tích Cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích Cố đô Huế cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VHTTDL chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc; kịp thời tăng cường các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15.6.2025.
L.S