Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu ở Hòa Vang
VHO- Ngày 27.4, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tổ chức khai mạc chương trình “Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ Tu năm 2023” tại nhà Gươl thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong "Tuần lễ du lịch Hòa Bắc", chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), Giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Quốc tế lao động (1.5). Hoạt động nhằm tôn vinh tinh thần đoàn kết các dân tộc, bản sắc văn hóa người Cơ Tu.
Lễ hội nhằm phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu
Tại lễ hội, người dân và du khách được thưởng thức những điệu múa Tung tung - da dá; trình diễn cồng chiêng; biểu diễn văn nghệ truyền thống mang bản sắc văn hóa của người Cơ Tu; nghi thức kết nghĩa… Phát biểu trong buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng nhấn mạnh: “Bà con phải luôn nêu cao ý thức tự tôn về dân tộc mình; quan tâm giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống, nhà ở và các phong tục tập quán tốt đẹp. Đồng thời, cần xem sự kiện này là điểm bắt đầu cho một giai đoạn mới - giai đoạn phát huy bản sắc văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch của chính cộng đồng mình”.
Tôn vinh tinh thần đoàn kết các dân tộc
Hòa Vang và con người Hòa Vang là mảnh đất còn mang đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là với chiếm số đông người Cơ Tu, nơi đây vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện qua nghệ thuật, ẩm thực, sinh hoạt, trang phục… Trong những năm gần đây, Hòa Vang được đưa vào khai thác các loại hình du lịch sinh thái, thu hút du khách địa phương và cả khách quốc tế. Đặc biệt với cách xây dựng mạng lưới cộng đồng làm du lịch sáng tạo, việc phát triển du lịch trên địa bàn xã bước đầu đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đó là tín hiệu rất đáng mừng không chỉ đối với người dân Hòa Vang mà còn đối với ngành du lịch, thành phố Đà Nẵng nói chung. Hiện nay, 116 hộ dân tộc Cơ tu đã được cấp đất để triển khai trồng rừng sản xuất; tập trung khai thác phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, quy hoạch các điểm du lịch theo đề án phát triển du lịch cộng đồng.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cũng đã chỉ đạo, muốn phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả, bền vững, xã Hòa Bắc cần phải kết nối giao thông với các tuyến chính của thành phố và giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, xã phải tạo ra các sản phẩm OCOP để phục vụ khách du lịch; liên doanh, liên kết phát triển để mở ra cơ hội, tạo công ăn việc làm cho đồng bào.
Trình diễn những điệu múa truyền thống trong Lễ hội
Theo định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang tiến tới năm 2030 sẽ hình thành 5 cụm, điểm du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn kết hợp sinh thái, cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng thuần chất văn hóa, bản sắc. Nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, cải thiện đời sống, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, huyện Hòa Vang đã đề nghị thành phố cho bà con vay vốn để khởi nghiệp. Ngoài ra, người dân tự liên kết đón khách, bán nông sản cũng tạo được thu nhập không nhỏ để cải thiện cuộc sống gia đình.
Du lịch cộng đồng phát triển kéo theo hiệu quả xã hội, các nghề phụ trợ được tiêu thụ nhanh và mạnh, dần dần khẳng định hướng phát triển kinh tế rất tốt cho đồng bào dân tộc tại địa phương. Để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động du lịch một cách bền vững, huyện Hòa Vang đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đưa bà con đi học tập, tham quan cách kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở những địa phương khác. Tổ chức lớp đào tạo nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu, mở lớp nâng cao nghệ thuật cồng chiêng và múa tungtung - dza dzá. Các hoạt động bước đầu đã đạt hiệu quả trong việc khuyến khích, kêu gọi người dân cùng làm du lịch cộng đồng, giúp bà con ổn định, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
NGỌC HÀ