Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Lâm Đồng:
Bản hòa ca nhiều giai điệu, sắc màu văn hóa
VHO - Đó là khẳng định của ê kip thực hiện chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng (3.4.1975 - 3.4.2025) hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Chiều 27.3, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra buổi họp báo về Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng, hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.
Tham dự họp báo có ông Huỳnh Minh Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa; Tổng đạo diễn, Giám đốc nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng, Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng (3.4.1975 - 3.4.2025) hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) sẽ diễn ra vào tối 3.4.2025 tại Quảng trường Lâm Viên, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Sự kiện không chỉ thể hiện sự trân trọng, tri ân quá khứ mà còn khắc họa chặng đường nửa thế kỷ dựng xây và phát triển đầy xúc cảm tự hào.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng” là điểm nhấn tại lễ kỷ niệm. Tại quảng trường Lâm Viên, trên một sân khấu rộng mở, được thiết kế khoáng đạt, hiện đại, bản hòa âm đa sắc của các loại hình nghệ thuật trong chương trình hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đối với người xem.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trần Thanh Hoài chia sẻ, Đà Lạt đã được UNESCO vinh danh là thành phố sáng tạo âm nhạc, vì vậy, bất cứ một chương trình nghệ thuật nào tại thành phố này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với êkip nghệ thuật, nhằm tạo nên dấu ấn mới mẻ, thu hút.
“Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm lần này sẽ đi vào lòng công chúng với những tác phẩm, giai điệu đi cùng năm tháng; với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam. Thông qua ngôn ngữ sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, những điều thân quen đó sẽ được đến với công chúng Đà Lạt trong một diện mạo mới, chân thành và cuốn hút…”, ông Trần Thanh Hoài nhấn mạnh.

Phát biểu tại họp báo, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ cho biết, với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện 50 năm Ngày giải phóng Lâm Đồng, hướng đến 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Văn Hóa- cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL đã triển khai xây dựng một kế hoạch truyền thông trước, trong và sạu sự kiện, với mong muốn tạo hiệu ứng lan tỏa về một chương trình nghệ thuật chính luận đem lại dấu ấn, được tổ chức quy mô.
“Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn góp sức thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, hình thành những thương hiệu, những sản phẩm cụ thể tại Lâm Đồng- một vùng đất có nhiều dư địa về phát triển công nghiệp văn hóa, với trung tâm là TP. Đà Lạt, Thành phố sáng tạo về âm nhạc đã được UNESCO ghi danh" ông Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.
Tham gia chương trình nghệ thuật là những gương mặt nghệ sĩ đã ghi dấu ấn tên tuổi trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam như NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Trần Tựa, Diva Mỹ Linh, ca sĩ Khánh Linh; ca sĩ Isaac; nhạc sĩ Yphon Ksor; nghệ sĩ Violin Trịnh Minh Hiền; nhóm nhạc “Dòng thời gian” cùng các cô gái trẻ Xuân Nhi, Quỳnh Thi, Phượng Anh; các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Trung tâm VHNT Lâm Đồng. Tham gia chương trình có 70 diễn viên múa đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.

Tổng đạo diễn – Giám đốc nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết: “Với thời lượng 70 phút, chương trình nghệ thuật “Nam Tây Nguyên vui ngày giải phóng” sẽ mang đến một không gian nghệ thuật cực chất, một không gian ngập tràn cảm xúc.
Điều khác biệt là tại chương trình này, 100 % tiết mục hát live, không có “hát nhép”. Yếu tố này sẽ mang đến cho khán giả những cảm xúc rất thật, lắng đọng, bùng cháy và chân thành".
Các tiết mục trong chương trình đều được dàn dựng công phu, được các nghệ sĩ ở nhiều vùng, miền tập luyện từ hàng tháng trước khi kết nối, hợp luyện tại Lâm Đồng.
Khúc dạo đầu đầy cuốn hút là tiết mục solo violon “Đất nước trọn niềm vui” (sáng tác: nhạc sĩ Hoàng Hà), sẽ vang lên với những âm thanh tuyệt đẹp từ tiếng đàn violin của nữ nghệ sĩ tài năng Trịnh Minh Hiền.
Chương trình nghệ thuật gồm hai phần: Nhạc Cách mạng và Nhạc Đại chúng. Dòng chảy âm nhạc xuyên suốt, được bố cục chặt chẽ trong thời lượng 70 phút, gồm 3 chương: Giải phóng miền Nam; Nam Tây Nguyên vui giải phóng và Lâm Đồng ngày mới.
Trong phần 1, khán giả sẽ được sống trong không khí âm nhạc hào hùng, mở đầu với tiết mục múa “Nhịp chày thiêng” (sáng tác: nhạc sĩ Quốc Vinh), với sự tham gia của 70 diễn viên múa từ Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Hà Nội.
Đây là tác phẩm mang tính sử thi, thông qua âm nhạc và vũ điệu để kể câu chuyện cội nguồn của đồng bào các dân tộc tại Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Tiếp nối là dòng chảy âm nhạc với khí thế sục sôi, tiết tấu âm nhạc được đẩy nhanh để đưa người nghe trở về với những khoảnh khắc lịch sử hào hùng qua các ca khúc: “Năm anh em trên chiếc xe tăng”; “Giai điệu Tổ quốc”; “Đất nước”; “Bão nổi lên rồi”.
Phần 2 của chương trình với tên gọi “Nam Tây Nguyên vui giải phóng” sẽ nối tiếp dòng cảm xúc tự hào bất tận của tình yêu quê hương, đất nước, với các ca khúc mà giai điệu đã trở thành bất tử: “Dáng đứng Việt Nam”; “Bài ca hy vọng”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân giải phóng”; “Nam Tây Nguyên vui giải phóng”.
Diện mạo Lâm Đồng ngày mới được khắc họa trong những thanh âm tươi vui, rộn rã ở phần 3, với các ca khúc: “Đà Lạt thành phố anh hùng”; “Chim Phí bay về cội nguồn”; “Chào Langbiang mùa xuân”; “Tình ca”.
Nối dài cảm xúc hoan ca trong phần nhạc đại chúng là những ca khúc mang âm hưởng tươi mới, những tác phẩm thịnh hành trên thị trường âm nhạc Việt Nam, được thể hiện qua giọng ca của diva Mỹ Linh: “Hương Ngọc Lan”; “Tháng 4 về”; “Tóc ngắn”.

Một điều đặc biệt khác là chương trình không có lời bình, toàn bộ câu chuyện về văn hóa, lịch sử, những chặng đường phát triển của Lâm Đồng từ dấu mốc nửa thế kỷ trước cho đến hôm nay đã được Tổng đạo diễn Lê Minh Sơn cùng ê kip khéo léo kết nối, dẫn dắt bằng cảm xúc âm nhạc, với những cao trào, những lắng đọng và cả những khoảnh khắc bùng nổ, thăng hoa.
Xen kẽ các tiết mục hát, múa là những thước phim phóng sự, clip ngắn được thực hiện công phu, góp phần bổ trợ cho những thông điệp, cảm xúc mà chương trình nghệ thuật mong muốn đưa đến cho khán giả.
Chia sẻ thêm với báo chí, nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ, chương trình sẽ có những dấu ấn về văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc tại Lâm Đồng nói riêng, vùng đất Tây Nguyên nói chung. Đó sẽ là một bản hòa ca nhiều giai điệu, sắc màu văn hóa được các nghệ sĩ các vùng miền cất lên với những xúc cảm chân thành.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết, các nghệ sĩ và toàn bộ êkip tham gia chương trình hiện nay đang khẩn trương tập luyện và triển khai các công việc liên quan, với một tâm huyết và mong muốn cùng tạo nên một chương trình mang dấu ấn đặc biệt, một bài ca với nhiều giai điệu đẹp trên mảnh đất Lâm Đồng nên thơ, đầy cuốn hút.
Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Giải pháp và Phát triển Việt Nam Xanh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nibivision, Công ty Cổ phần Đầu tư Skyline Việt Nam.